Sau thành công đạt được nhiều giải thưởng danh giá, "Những đứa trẻ trong sương" cũng vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận ngoài nước.
Với thành tích tham gia gần 100 liên hoan phim lớn nhỏ, giành được nhiều giải thưởng khác nhau từ năm ra mắt là năm 2021. Mới đây, Những đứa trẻ trong sương gây bất ngờ khi được đề xuất vào danh sách top 15 phim tài liệu tranh giải Oscar ở hạng mục phim tài liệu. Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim Việt Nam được tham gia vào danh sách đề xuất ở hạng mục này. Bên cạnh những lời khen, nhận xét tích cực dành cho tác phẩm, vẫn xuất hiện những ý kiến trái chiều của dư luận quốc tế về cách làm phim của đạo diễn Hà Lệ Diễm.
Từ năm ra mắt là năm 2021 đến nay, nhiều thành tích trên các liên hoan phim quốc tế đã mang tên tuổi của Hà Lệ Diễm và gia đình Di vang xa đến hơn 100 quốc gia. Theo thống kê của Rotten Tomatoes, tác phẩm nhận được 94% điểm từ 18 bài đánh giá của giới phê bình trên thế giới cùng nhiều lời khen ngợi cho tư duy làm phim của Diễm. Tuy nhiên, Những đứa trẻ trong sương cũng vấp phải nhiều đánh giá tương đối khắt khe của dư luận quốc tế cho tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn trẻ.
Cụ thể, một bình luận tại trang IMDb - nền tảng đánh giá phim lớn nhất nhì thế giới lại cho rằng: "Nhân vật trong phim thiếu tự nhiên và không giống tính chất của một bộ phim tài liệu, khi có quá nhiều hành động diễn ra gây mâu thuẫn. Tôi có cảm giác hình ảnh cha mẹ trong bộ phim này bị làm xấu đi rất nhiều, khi có vẻ mọi nguyên nhân đều do lỗi của họ. Đó là chưa kể, Hà Lệ Diễm đã vượt qua ranh giới thông thường của một nhà làm phim, khi đã tác động trực tiếp đến gia đình nhân vật". Trong khi một số đánh giá trong và ngoài nước nhận định, việc Diễm trực tiếp tham gia vào cảnh kéo vợ ở cuối phim đã tăng tính chân thật của bộ phim và giúp những diễn biến tác động sâu đến tâm lý người xem hơn.
Tạp chí The New York Times cũng đưa ra ý kiến: "Nhân vật Di là người đầu tiên trong gia đình được học hành chính quy; cô bé nhanh nhẹn, hay nói và hiểu quá rõ những cạm bẫy của tập tục gia trưởng trong cộng đồng của cô ấy. Tuy nhiên, bản thân Di vẫn là một đứa trẻ, dán mắt vào điện thoại khi không làm việc trên cánh đồng hay nấu ăn và có xu hướng tham gia vào các cuộc tán tỉnh trực tuyến…".
Mục đích Hà Lệ Diễm làm phim chỉ đơn giản vì bắt gặp hình ảnh của Di - một cô bé hồn nhiên, vô tư và rất giống hình ảnh của cô lúc nhỏ. Vì thế, Diễm đã cầm máy quay lên để ghi lại hành trình lớn lên của Di như một thước phim kỷ niệm. Tất cả hình ảnh trong phim đều chân thực, giản dị vì chính đạo diễn đã cùng ăn, cùng ngủ như những người trong gia đình Di để bắt được trọn vẹn khoảnh khắc trưởng thành của em.
Điều đáng nói ở Những đứa trẻ trong sương chính là chỉ với ekip một người bao gồm đạo diễn và kinh phí vỏn vẹn 7 triệu đồng và những chiếc máy quay phải đi mượn vì không đủ thiết bị, Diễm hài hước chia sẻ: "Năm đầu tôi nhận được 7 triệu đồng đầu tiên cho việc khảo sát phim từ TPD. Sau đó nhận được từ Varan 6 triệu đồng cho việc ăn ở. Còn lại là tự túc, máy móc có gì dùng đấy và đi mượn bạn bè. Tôi mượn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cái chân máy mấy năm, đến lúc chú cần để làm phim Tro tàn rực rỡ chú ấy mới đòi lại". Sau khi quay xong, cô đạo diễn trẻ phải chật vật đi xin kinh phí dựng phim, làm hậu kỳ làm phụ đề tiếng Việt vì 80% nhân vật đều nói tiếng Mông, mọi thứ diễn ra đều rất khó khăn, vất vả.
Vì thế, với chi phí ít ỏi và những điều mà Hà Lệ Diễm có thể làm trong một điều kiện thiếu thốn, chật vật, không nên quá khắt khe với nhà làm phim khi chỉ tập trung vào soi xét những lỗ hổng trong tình tiết, điểm thiếu sót trong hành động lẫn tình cách của nhân vật. Thay vào đó, nên tập trung quan sát những diễn biến chân thật trong cuộc sống của những người dân tộc và những hành động bộc phát tự nhiên của họ để cảm nhận được những giá trị mà Những đứa trẻ trong sương mang đến.
Nguồn: TH&PL