Đâu mới là ranh giới của sáng tạo, đột phá và phản cảm, lố bịch?
Tàu Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội thời gian qua đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người bởi độ hot sau 10 năm chờ đợi. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng đi vào vận hành, nhiều người vẫn còn đang "hiểu sai" về mục đích sử dụng của phương tiện giao thông công cộng này.
Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh về nhóm nam thanh niên cởi trần và đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông để tạo dáng, chụp ảnh quảng cáo sản phẩm. Nhóm thanh niên này thản nhiên cởi trần, phô diễn hình thể 6 múi và hoá trang "1/2 ông già Noel" đầy phản cảm.
Điều khiến nhiều người khó chịu là việc nhóm nam này đứng tạo dáng đủ kiểu, chiếm diện tích phần lớn trong toa tàu và làm phiền rất nhiều hành khách đang sử dụng tàu để đi chuyển. Ngay sau khi hình ảnh được đăng tải đã nhận về phản ứng trái chiều trong dư luận. Đa phần bày tỏ sự bức xúc cho rằng đây là hành vi phản cảm, "quảng cáo bẩn", đặc biệt hành vi này lại diễn ra ở nơi công cộng là điều không thể chấp nhận được.
Ranh giới giữa phản cảm và thú vị của những chiến dịch quảng cáo với phong cách "khoe body"
Trên thực tế, chiêu quảng cáo "xôi thịt" này không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, không phải chiến dịch nào cũng mang lại hiệu ứng tích cực mà còn gây tác dụng ngược.
Sự nhạy cảm (nhiều khi quá mức) của truyền thông vừa là áp lực vừa là cơ hội cho các thương hiệu khi áp dụng. Khi sự cạnh tranh ngày càng lớn và mối nguy bị lãng quên ngày càng cao, nhiều thương hiệu đã liều mạng chơi con bài tất tay với chiêu truyền thông "hở bạo" này. Mục đích là để tạo sự chú ý và gây tranh cãi. Đấy là mẫu số chung lớn nhất của gần như tất cả các thương hiệu khi sử dụng chiêu này.
Tuy nhiên, hiệu ứng mang lại thường là "lợi bất cấp hại"...
Trước đó, tại Hà Nội nhiều nhà hàng cũng đã sử dụng dàn người mẫu cởi trần, khoe body cơ bắp phục vụ thực khách. Tuy nhiên, thay vì tạo ra hiệu ứng quảng bá tích cực, việc làm này hứng chịu không ít gạch đá và nhận về nhiều bình luận tiêu cực của khách hàng.
Cách quảng cáo sản phẩm này cũng được một salon tóc trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) áp dụng vào năm 2017. Cụ thể, các khách nữ đến salon này để làm tóc sẽ được dàn nhân viên nam 6 múi cuồn cuộn cởi trần mở cửa đón tiếp rất nhiệt tình. Tuy nhiên, bên cạnh sự thích thú, không ít ý kiến bày tỏ sự phản đối cách quảng cáo trên. Theo họ, hành vi này khá phản cảm, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2021, cũng đã có một chàng Hàn Quốc đóng khố hóa trang thành "Mai An Tiêm" bán dưa hấu Tết ở Sài Gòn để quảng bá cho trung tâm thể hình của mình cũng từng gây sốt trên mạng xã hội. Nhưng hình ảnh chàng trai này lại nhận về rất nhiều lời khen ngợi bởi cách sáng tạo và vận dụng khéo léo câu chuyện cổ tích của Việt Nam vào trong việc quảng cáo của mình.
Trở lại với câu chuyện dàn trai 6 múi cởi trần trên tàu Cát Linh - Hà Đông để quảng cáo sản phẩm, theo ý kiến của dư luận, có thể thấy đây không phải là sự sáng tạo, đột phá của doanh nghiệp mà là một chiêu trò phản cảm giữa nơi chốn công cộng. "Quảng cáo sản phẩm có nhiều cách, đây vừa chiếm dụng không gian công cộng, vừa cởi đồ khoe thân, phản cảm cần phải xử lý nghiêm", tài khoản có tên Bình Minh viết.
Sai thời điểm?
Trước đây, hình ảnh nam 6 múi luôn thu hút được sự chú ý của chị em phụ nữ, đánh vào tâm lý khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã dùng hình ảnh này để xúc tiến thương mại. Tuy không hoàn toàn chối bỏ, nhưng cách làm này từng được ủng hộ, gây hiệu ứng tích cực, trở thành chiến dịch quảng cáo thịnh hành một thời.
Nhưng trào lưu nào thì cũng sẽ đi đến hồi kết, đặc biệt là khoảng thời gian "nhạy cảm" vì Covid-19 càng không phải là thời điểm thích hợp để các nhãn hàng tự do phô trương hình thể để "kéo khách".
Giữa lúc trải qua nhiều tổn thương về mặt thể chất và tinh thần vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi xu hướng quảng cáo đánh vào tâm lý cần sự "chữa lành" của khách hàng thay vì những quảng cáo giật gân, xôi thịt.
"Làm liều" có thể nói là cách mà nhiều doanh nghiệp chọn để câu khách và "vực dậy" thương hiệu sau 1 năm ảm đạm vì dịch bệnh. Nhưng "làm liều" chưa chắc đã ăn nhiều mà còn phản tác dụng đến mức phản cảm và nhận về cơn mưa phẫn nộ từ khách hàng.
Trong khi ngành công nghiệp giải trí đình trệ vì đại địch, doanh nghiệp cũng điêu đứng vì tuột dốc, thì những sản phẩm mang tính chất "healing" tâm hồn là điều cần thiết mà các doanh nghiệp cần hướng đến để tạo thiện cảm ở khách hàng.
Nhiều thương hiệu chọn nội dung quảng cáo hướng về những giá trị tình thân, phác họa lại những câu chuyện đầy gian truân của năm 2021 với những sự kiện đau thương mà đại dịch Covid-19 mang lại, dựa trên những câu chuyện có thật và mang thông điệp nhân văn. Hay như loạt nghệ sĩ cũng đã dần chuyển hướng thay đổi nội dung từ drama, táo bạo sang những ca khúc mang thông điệp chữa lành như Hít Vào Thở Ra của Min - HIEUTHUHAI, series Nằm Xuống Liu Riu của Bích Phương,... luôn nhận về hàng triệu lượt xem của khán giả.
Có thể nói, sau cơn đại dịch, người ta không cảm thấy cần những giá trị mang tính "thoả mãn" thị giác. Chính vì thế, lựa chọn sai lầm trong chiến dịch quảng cáo giữa thời điểm Covid-19 đầy nhạy cảm có thể là một "giáng đòn" đau đớn trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Nội dung liên quan
Sai luôn địa điểm?
Sau 10 năm chờ đợi cho một chuyến tàu sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô và cũng là đầu tiên của cả nước, người dân Hà Thành đã dành sự trân trọng nhất định và xem đây là biểu tượng văn hoá khó phai cho một bước tiến mới về phát triển đô thị của cả nước.
Nhiều bạn trẻ tìm đến Cát Linh - Hà Đông để trải nghiệm thử, chụp hình sống ảo với địa điểm hot nhất nhì hiện nay. Tuy nhiên, sự phản cảm sẽ đi đến đỉnh điểm khi nhiều người vô tư sử dụng hình ảnh tàu điện chốn "công cộng" vì mục đích "cá nhân" của mình.
"Hình ảnh ông già Noel vốn ấm áp với các em nhỏ, các thanh niên này cởi đồ phản cảm, khoe thân tục tĩu. Điều đáng nói lại 'cởi' ngay trên tàu điện - nơi có cả người già, trẻ nhỏ đi tàu", tài khoản Minh Ánh để lại bình luận.
Trên fanpge "Hanoi Metro Confessions" cũng đăng tải hình ảnh nhóm thanh niên cởi trần phản cảm kèm theo dòng trạng thái: "Đọc xong thông tin thấy choáng vì không nghĩ ở nước mình có những chiêu trò marketing, PR như này. Mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng ý thức của một số bộ phận người dân đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đường sắt đô thị".
Thời gian qua, theo phản ánh của một số hành khách đi tàu, việc nhiều người lên tàu chỉ để chụp ảnh, thậm chí kéo theo ekip, đạo cụ cồng kềnh đã gây phiền toái cho các hành khách di chuyển vào giờ cao điểm. Trong tương lai, Hanoi Metro khẳng định những người muốn quảng cáo trên tàu điện phải trả phí để tối ưu nguồn thu cho ngân sách.
Ngày 12/12, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở điều tra, xác minh xử lý nhóm thanh niên cởi trần phản cảm trên tàu Cát Linh - Hà Đông.
Nguồn: TH&PL