Chuyến tàu 10 năm chờ đợi + 11 lần lỡ hẹn = Ngày hội của Thủ đô

10 năm chờ đợi với 11 lần lỡ hẹn... nhưng xứng đáng!

Sau một thập kỷ khởi công, chờ đợi, hứa và hẹn, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng đã chính thức đưa vào vận hành từ ngày 6/11. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm sau một "giấc mơ dài" chờ đợi. Gọi là giấc mơ vì đây là niềm hy vọng "đổi đời" của hầu hết người dân nơi Hà thành, là "mạch máu" của đô thị giúp phát triển tiến tới hạ tầng giao thông thông minh thân thiện với người dân.

10 năm cho một dự án vĩ đại, đối với nhiều người có lẽ đó là một thời gian "dư dài" để được thử và trải nghiệm trên chuyến tàu mang hơi thở hiện đại này. Có người đã thôi chờ đợi vì quá lâu, có người vẫn kiên nhẫn chờ và tin tưởng đến cùng. Không phải tự nhiên mà người ta hào hứng với ngày "khai trương" chuyến tàu như một ngày lễ Tết! 

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0

Cát Linh - Hà Đông: Chuyến tàu 11 lần "hứa và hẹn" rồi "lại không kịp chạy"

Cách đây 10 năm, Hà Nội khởi công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên. Dự án mở ra kỳ vọng tạo kết nối với các tuyến đường sắt đô thị giữa nội đô Hà Nội và ngoại thành. Theo đó, Cát Linh - Hà Đông sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Hà thành.

Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ khởi công và chờ đợi, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tạo ra những ý kiến "tiêu cực" bởi sự trì trệ trong tiến độ. Nhiều người còn đặt tên đây là dự án "hứa và hẹn", nhưng hứa mãi, hẹn mãi mà người dân vẫn chưa được chạm tay vào giấc mơ đẹp thuở ban đầu. 

Nhiều bạn trẻ từng là sinh viên năm nhất đến Hà Nội với niềm hy vọng rằng chắc tới khi mình năm 3, năm 4 tàu sẽ hoàn thành. Nhưng đến khi ra trường, học lên thạc sĩ, tiến sĩ, lập gia đình, sinh con,... chuyến tàu ấy vẫn cứ mãi lỡ hẹn. 

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0
(Ảnh: Vũ Ngọc Thiện)

Thanh Hoa, một sinh viên năm 4 hiện đang theo học tại thủ đô Hà Nội chia sẻ với : "Ngày khởi công dự án Cát Linh - Hà Đông vào 10 năm trước, mình còn quá bé để hiểu nó là gì nên không có cảm giác trông chờ. Lúc đến Hà Nội vào 4 năm trước để học đại học, mỗi sáng cực nhọc lội xe đến trường và nhìn lên những công trình thi công phía trên cao, mình mới bắt đầu mong đến một ngày có thể đến trường bằng phương tiện "trên không" như vậy, chắc thú vị lắm và không phải vật vã kẹt xe như thường ngày".

Hết "hứa và hẹn" rồi đến "lại không kịp chạy", cụm từ quen thuộc mà báo chí thường dùng để nói về những lần trì hoãn ra mắt của chuyến tàu. Còn nhớ từ lúc tháng 4/2021, người dân đã bắt đầu rục rịch "sắn chân" lên khi nghe thông báo Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng dự kiến khai thác chuyến tàu vào dịp lễ 30/4 - 1/5. 

Tuy nhiên, Cát Linh - Hà Đông "lại không kịp chạy" vào lần thứ 11 lỡ hẹn đó và kéo dài cho đến ngày 6/11/2021 - ngày được xem là "lịch sử" cho tuyến tàu sắt chạy trên cao đầu tiên của Việt Nam chính thức được đưa vào vận hành.

Tàu đã chạy! Giấc mơ đẹp ai cũng muốn thử một lần

"10 năm chờ đợi cũng xứng đáng!"

Nhiều người đã thốt lên như thế vào ngày đầu tiên được trải nghiệm đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong niềm vui sướng. Người dân Thủ đô náo nức đón chờ đoàn tàu này, ai cũng xem đây là một ngày "lịch sử". Gọi là lịch sử vì đây là cột mốc đánh dấu nhiều lần đầu tiên đáng nhớ!

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0
(Ảnh: Đức Hiếu)

Lần đầu tiên Việt Nam đã có cho mình một chuyến tàu sắt trên cao "bằng xương bằng thịt"; lần đầu tiên trong số đông rất nhiều người dân được trải nghiệm đi tàu sắt chạy bằng điện trên chính quê hương của mình mà không phải một đất nước xa lạ nào khác; đó còn là lần đầu tiên "thỏa mãn" sau 10 năm hy vọng để chờ một điều gì đó đặc biệt… 

Đức Huy (25 tuổi, nhân viên văn phòng) đã có một trải nghiệm rất thú vị tại chính quê hương mình. Chuyến tàu đầu tiên chính thức lăn bánh từ ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đi đến ga Hà Đông (thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km. 

"Chắc là giống như bao người dân thủ đô khác đó là háo hức, mình cùng đồng nghiệp khi biết tin đã hẹn nhau từ hôm trước đó. 6h sáng cả đám cùng nhau đi đến đây để trải nghiệm. Trên chuyến tàu này tụi mình nhớ lại ngày tháng du học bên Pháp, đứa thì nhớ những ngày đi du lịch Thái Lan với Nhật Bản, nhưng giờ là những trải nghiệm trên chính quê hương của mình" - Đức Duy chia sẻ.

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0
(Ảnh: Nang Nguyen)

Đã có khoảng 25.000 lượt khách trải nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày đầu chính thức đi vào vận hành. Trong ngày đầu tiên đó, cùng với hàng ngàn người dân háo hức trải nghiệm lần đầu đi tàu điện trên cao, chị Thanh Loan (27 tuổi, một nhân viên văn phòng làm việc tại phường Cát Linh, Hà Nội) đã đi thử để trải nghiệm và khẳng định sẽ chọn đây là phương tiện đi làm chính yếu của mình trong thời gian tới.

"Đây là chuyến tàu tôi mong đợi từ rất lâu. Đường từ nhà đến cơ quan sẽ được rút ngắn lại rất nhiều, thay vì cả tiếng chạy xe máy với tiếng còi xe, khói bụi, rồi đường tắc đến nghẹt thở. Thời gian từ nhà đến cơ quan chỉ còn vỏn vẹn 20 phút thay vì mất từ 40 phút đến cả tiếng khi gặp cao điểm" - chị Loan cho hay.

Không chỉ riêng chị Loan mà có lẽ rất nhiều người dân sẽ chọn đây là phương tiện giao thông chủ yếu để sử dụng trong thời gian tới sau khi được trải nghiệm thử. Bên cạnh tính tiện lợi về thời gian, chuyến tàu chạy bằng điện còn đảm bảo sức khỏe người dân và giúp nhiều người có thêm thời gian đi bộ di chuyển từ ga tàu đến cơ quan làm việc hay trường học. 

"Đi tàu và ngắm thành phố từ trên cao cũng thú vị mà" - chị Loan chia sẻ.

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0
(Ảnh: Đức Hiếu) 

Cát Linh - Hà Đông sẽ trở thành biểu tượng ở Hà Nội như tàu điện một thời...

Tàu điện chạy bằng hơi nước với tiếng chuông leng keng khi gần cập bến đã trở thành biểu tượng của Hà Nội vào đầu những năm thế kỉ 20. Tàu điện thuở ấy, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ. Trong bài Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có câu: "Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy". 

Ngày nay, dù tàu điện "ồn ã" đó không còn nhưng mỗi khi nghe lại câu hát này ai cũng rưng rưng ký ức với biểu tượng một thời. Cát Linh - Hà Đông, vẫn là tàu điện nhưng mang một hình hài khác với hơi thở hiện đại và tân tiến. "Tàu êm ru như bay" ở trên cao chứ không còn ồn ào tiếng leng keng dưới mặt đất như tàu điện cách đây hơn một thế kỉ. Đó là một "biểu tượng mới" với niềm hy vọng mới của tất thảy người dân thủ đô.

Từ giấc mơ đi đến hiện thực, sự chờ đợi quá lớn được đánh đổi bằng nhiều sự "cảm thông". Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ - Chuyên gia giao thông từng nói rằng: "Với tuyến Cát Linh - Hà Đông, chúng ta mơ lâu quá nên người dân đâu còn mặn mà. Thậm chí, nhiều người không muốn nhắc đến dự án này nữa".

Nhưng, như chưa từng có sự "giận hờn" hay trách móc, nhiều người dân tìm đến Cát Linh - Hà Nội trong ngày ra mắt và vui mừng hệt như gặp gỡ một người thương sau 10 năm yêu xa. Rồi đây, nhiều người trẻ đến Hà thành sinh sống học tập và làm việc, cũng chẳng còn mang theo niềm mong mỏi hay chờ đợi nào nữa. 

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0
(Ảnh: Nang Nguyen)

Cát Linh - Hà Đông không chỉ là chuyến tàu kết nối nội đô Hà Nội với vùng ngoại thành xa xôi trên mặt thực tiễn, mà đây còn là chuyến tàu kết nối bao ước mơ của người dân Hà Nội. Chuyến tàu điện hiếm hoi rồi sẽ trở thành biểu tượng khó phai trong ký ức của nhiều người trẻ - những người mang theo hoài bão lớn lao đến với Hà thành, trong đó có sự hiện diện và đồng hành của chuyến tàu mang tính lịch sử.

Chuyến tàu điện trên cao đầu tiên đã có, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và chờ đợi thêm một tuyến metro thứ hai xuất hiện, rồi lại thứ ba, thứ tư… Sẽ chẳng ai biết đó là một giấc mơ dài hay giấc mơ ngắn tiếp theo, nhưng "10 năm chờ đợi cũng xứng đáng!" là những gì người ta cảm thông, tự hào để nhìn thấy sự phát triển từng ngày của đô thị Việt. 

chuyen tau 10 nam cho doi 11 lan lo hen ngay hoi cua thu do - anh 0
(Ảnh: Báo Giao thông)

"Nam thần tàu điện" tuyến Cát Linh - Hà Đông: Đi để tham quan, không ngờ mình... hot đến vậy!

Xuýt xoa trước bộ ảnh cưới kỷ niệm ngày đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành

Trải nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Gen Z hào hứng sau 10 năm chờ đợi

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ