Lực lượng quân y trở lại chống dịch cùng y tế TP.HCM.
Hơn 50 ngày gắn bó với Sài Gòn, những lời tạm biệt người dân thành phố trong suốt quãng thời gian đầy khó khăn, nghẹt thở trong tâm dịch. 50 ngày sát cánh cùng TP.HCM, vượt qua thời khắc lịch sử, nhờ có sự hỗ trợ hết mình của các chiến sĩ, bộ đội đến từ nhiều đơn vị trên cả nước, TP.HCM đã dần hồi phục và có tín hiệu khả quan bước vào cuộc sống "bình thường mới".
Những nhớ mong gửi lại thành phố, hoàn thành công tác cách ly việc học trở lại, thi cử cũng có phần bộn bề hơn vì gần 2 tháng "đóng băng" vào Nam. Lời hẹn sẽ gặp lại thành phố, sẽ trở lại đối với những học viên năm 5 lại có phần bất ngờ hơn so với các học viên khác.
Ngày cuối năm của thành phố lại giang rộng tay đón những người con, những người anh em trở lại chi viện, hỗ trợ, sự san sẻ và chia lửa cùng y tế thành phố và Tây Nam Bộ. Hơn 300 cán bộ, học viên Học viện Quân Y tiếp tục lên đường hỗ trợ cùng TP.HCM và miền Tây trong trận chiến "không tiếng súng" lần nữa.
Cùng gặp gỡ Xuân Quân (học viên năm 5 - Học viện Quân y) đã bén duyên với người dân thành phố, về lại với Sài Gòn trong đợt chi viện lần này!
"Nhận lệnh lúc 23h đêm... miền Nam gọi, chúng tôi lên đường"
Từ một thành phố xa lạ nay lại trở thành một nơi thân thuộc với rất nhiều kỷ niệm trong hành trình tuổi trẻ của riêng mỗi cô cậu sinh viên quân y. Khoảng thời gian 50 ngày trước đó không quá dài nhưng là một chặng đường khó quên của những người lính trên mặt trận y tế. Xuân Quân và đồng đội đã khoác trên mình hai màu áo, tình quân với dân nơi thành phố ồn ả này lại thêm thắt chặt. Những kinh nghiệm chống dịch cũng "giàu có" hơn hẳn.
"Sẽ trở lại Sài Gòn" đây là lời hứa của Quân, những người bạn của mình sẽ trở lại, trở lại khi thành phố sẽ khỏe mạnh hơn và không còn bóng dáng của dịch bệnh. Lần gặp lại sẽ được thấy một thành phố nhộn nhịp, hân hoan đón chào những vị khách phương xa. Nhưng với tình hình thực tế, Xuân Quân đã trở về sớm hơn với TP.HCM nhận nhiệm vụ, chia lửa và giảm bớt áp lực cho y tế TP.HCM trong nhịp sống bình thường mới.
Không còn những lo lắng, bỡ ngỡ như lần đầu đến với Sài Gòn, những cảm xúc có phần lẫn lộn trên chuyến bay từ Hà Nội vào miền Nam ruột thịt như trước, lần trở lại này lại mang một tâm trạng khác nhưng cũng lại thấy vui vì tiếp tục được chung tay cùng Sài Gòn.
"Tâm trạng lần này mình vào Sài Gòn thì khá bất ngờ vì nhận lệnh đột xuất, nhận lệnh trong đêm, thế là sáng hôm sau mình lên đường. Lúc ấy, mình vừa lo lắng vì gần đến Tết rồi mà lại đi, lo sẽ không được về ăn Tết nhưng cũng rất vui vì được quay lại Sài Gòn sớm hơn dự kiến, thực sự rất yêu quý con người Sài Gòn sau hơn 50 ngày gắn bó vừa qua" - Quân tâm sự.
Khoác trên mình màu áo lính, cùng với đó là màu áo blouse trắng của ngành Y, Quân cùng những học viên năm 5 như hiểu hơn ai hết trách nhiệm của mình. Cậu bạn cho biết, khi dịch bệnh diễn ra, dù việc học cùng với cuộc sống cũng có phần thay đổi nhưng tinh thần lúc nào cũng sẵn sàng cho những trận chiến "cô vy" đang còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.
"Đi chống dịch nên việc học của mình và đồng đội có phần bị gián đoạn. Sau khi trở về chúng mình đã học bù và thi liên tục, có hơi áp lực và cực hơn một xíu. Nhưng năm cuối rồi và trong thời kỳ dịch diễn ra khắp nơi nên chúng mình luôn trong tư thế sẵn sàng, tinh thần luôn trong trạng thái đi bất cứ lúc nào. Miền Nam gọi, chúng tôi lên đường".
Trở lại nhưng vơi đi những áp lực hơn lần trước
Nếu để nói những gì còn đọng lại trong lòng sinh viên Quân y, có lẽ là tình cảm quân dân nồng thắm. Ăn no rồi cũng đói, mệt mỏi thì nghỉ cho lại sức, còn nỗi nhớ nhà thì khó mà vơi đi được. Ở một nơi xa lạ, khác biệt về lối sống thì tình cảm là thứ mà người ta "thèm" nhất. Vốn quen với sự tế nhị, kín đáo của người miền Bắc, nay lại được tiếp đãi bằng nhiệt tình, hồ hởi và chân thành của người Sài Gòn chắc chắn sẽ là điều mà Xuân Quân chẳng thể nào quên.
"Mình rời sài gòn đợt trước là ngày 15/10, lần trước thì nhiều kỷ niệm lắm bạn, rất yêu quý các anh chị sống tại chung cư Jamona, phường Tân Thuận Đông quận 7 đã hỗ trợ trạm y tế lưu động của bên mình rất nhiều, mọi người rất nhiệt tình và yêu quý bọn mình, mình rất biết ơn tình cảm của người dân Sài Gòn đã dành cho bọn mình cả lần trước và lần này vào đây nữa".
Cậu bạn cũng chia sẻ, trở lại Sài Gòn cũng có nhiều điều đáng lo. Bởi khi trở lại cuộc sống bình thường, giao tiếp với nhau là điều hiển nhiên và buộc phải diễn ra. Tỉ lệ các ca nhiễm khó mà giảm trong ngày 1 ngày 2, nhưng người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ nên cũng vơi đi phần nào những lo lắng.
"Lần này trở lại Sài Gòn nhận nhiệm vụ tương tự lần trước, các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, gần như mọi người đều được tiêm 2 mũi vaccine hết nên tỉ lệ chuyển nặng giảm đi. Nhưng tỉ lệ nhiễm tăng nhanh do mọi người ra ngoài tiếp xúc với nhau rất nhiều nên khó tránh khỏi tình trạng này, bây giờ là giai đoạn sống chung để hình thành miễn dịch cộng đồng".
Với mọi người, sinh viên Quân y là sự giỏi giang, tháo vát, có được biết bao ánh mắt ngưỡng mộ và là niềm tự hào của gia đình. Nhưng họ cũng đánh đổi rất nhiều công sức và thời gian, làm quân nhân đã khó, vừa làm quân nhân vừa làm lương y còn khó hơn vạn lần.
Miệt mài chăm lo cho sức khỏe của người dân mà Quân đã để lỡ cái Tết năm ngoái quây quần bên gia đình. Giờ đây, điều cậu bạn mong mỏi nhất là thành phố mau chóng quay lại guồng quay vốn có của nó, không còn những câu chuyện đau thương và bản thân cũng sớm được trở về bên gia đình.
"Mình mong muốn sớm hoàn thành nhiệm vụ sớm nhất, mong Sài Gòn sớm ổn định, mong rằng Tết năm nay được về nhà vì năm ngoái dịch cũng phải trực không được về, rồi đi chống dịch nửa năm nay rồi".
Sự trở lại lần này, không phải là một tín hiệu về việc trở nặng mà đây chỉ là sự chung tay góp sức cùng với lực lượng y tế để có thể sớm hoàn thành nhiệm vụ, mong đây sẽ là trận đánh cuối cùng để ai ai cũng sớm được trở về nhà đón tết, được sum vầy bên gia đình sau một năm đầy nhọc nhằn.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL