Quách Thị Lan và hành trình diệu kỳ tới Olympic Tokyo 2020

Quách Thị Lan trở thành đại diện duy nhất của bộ môn điền kinh nhận được suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020.

Dù không thể lập nên kỳ tích, cô gái xứ Thanh vẫn đi vào lịch sử khi trở thành trở thành vận động viên đầu tiên của điền kinh Việt Nam góp mặt ở  bán kết một kỳ Thế vận hội.

Từ xuất phát điểm muộn màng…

Không giống với những vận động viên khác, Quách Thị Lan bắt đầu sự nghiệp thể thao của mình ở độ tuổi 16. Sau một kỳ thi ở trường, cô dành 5 tháng tại quê nhà Thanh Hóa để tập luyện rồi mới lên đường theo học tại trường Đại học Thể dục Thể thao (Từ Sơn - Bắc Ninh). Từ đây, con đường thể thao chuyên nghiệp của cô mới thật sự bắt đầu!

quach thi lan va hanh trinh dieu ky toi olympic tokyo 2020 - anh 0

Do thời điểm bắt đầu tập luyện khá muộn, cô gái m70 phải trải qua khá nhiều áp lực do gặp chấn thương. Trong một số bài phỏng vấn, cô từng thừa nhận sức chân yếu hơn so với mọi người vì không có nhiều thời gian rèn giũa. Những cơn đau do chấn thương gối là điều mà cô thường xuyên phải đối mặt. Thế nhưng, điều đó không đủ để quật ngã người con gái kiên cường.

Đền đáp ý chí rèn luyện không biết mệt mỏi, những tấm huy chương danh giá liên tục tìm đến cô. Từ tấm huy chương bạc đầu tiên ở SEA Games 2013, vận động viên xứ Thanh tiếp tục gặt hái huy chương bạc ASIAD 2014, hai tấm huy chương vàng SEA Games ở các năm 2015 và 2017.

quach thi lan va hanh trinh dieu ky toi olympic tokyo 2020 - anh 0

Cô cũng mang về 3 tấm huy chương vàng cao quý tại các Giải vô địch điền kinh châu Á trong năm 2017, 2019. Người ta thường hay nói rằng, dường như mọi thành công với Lan đều khá chậm rãi. Điều đó thể hiện ở tấm huy chương vàng ASIAD 2018 nhưng phải tới hơn 1 năm sau, cô mới được nhận do VĐV người Bahrain Kemi Adekoya bị tước huy chương do dính doping. 

….tới niềm tự hào châu Á trên đấu trường Thế vận hội

Do không có đại diện thi đấu, Quách Thị Lan trở thành đại diện duy nhất của bộ môn điền kinh nhận được suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử. Nữ vận động viên thi đấu ở cự ly 400m rào.

Có thể bạn chưa biết, 400m rào được xem là nội dung khó nhất và có nhiều yêu cầu cao nhất tại Olympic. Chưa kể, Trong 41 VĐV dự 400m rào nữ ở Tokyo 2021, có hai VĐV châu Á là Aminat Yusuf Jamal và Quách Thị Lan. Tuy nhiên, Aminat là người Bahrain nhưng lại có gốc Nigeria đồng nghĩa với việc chân chạy Thanh Hoá là đại diện gốc Á duy nhất tại Thế vận hội năm nay. 

quach thi lan va hanh trinh dieu ky toi olympic tokyo 2020 - anh 0

Dù tham dự nhờ suất đặc cách, nhưng Quách Thị Lan vẫn làm rạng danh đất nước khi trở thành vận động viên đầu tiên của điền kinh VIệt góp mặt ở vòng bán kết với thành tích cán đích 55 giây 71. Trước thềm bán kết, nhiều chuyên gian đã dự đoán rằng Lan khó làm nên kỳ tích khi thực lực của cô vẫn còn kém hơn so với đối thủ. Và thật tiếc, may mắn đã không mỉm cười khi cơn mưa lớn trong đêm bán kết tối nay đã cản bước cô gái Việt trên con đường chạm tới huy chương. 

Phải nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, thắng thua trong thể thao là chuyện không thể lường trước. Cùng với bơi lội, điền kinh chưa bao giờ được xem là thế mạnh của nước ta tại đấu trường Quốc tế do các vận động viên không có được lợi thế về thể lực.

quach thi lan va hanh trinh dieu ky toi olympic tokyo 2020 - anh 0

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến đội tuyển điền kinh Việt Nam không có cơ hội được luyện tập cũng như cọ xát thường xuyên trong một thời gian dài. Những đảo lộn trong lịch trình tập luyện, nghỉ dưỡng chính là hạn chế lớn đối với các vận động viên như Quách Thị Lan. 

Dù không thể làm nên chuyện tại đấu trường Olympic, nhưng cô gái Thanh Hoá vẫn khiến tất cả chúng ta đều phải tự hào. Kể từ khi nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương vượt qua vòng loại cự ly 100m nữ tại Olympic Bắc Kinh 2008, đã rất lâu rồi Việt Nam mới có được một tuyển thủ điền kinh gây được tiếng vang. 

quach thi lan va hanh trinh dieu ky toi olympic tokyo 2020 - anh 0

Hành trình với tình yêu điền kinh của Quách Thị Lan được nhiều người nhận xét là gắn liền với yếu tố may mắn. Vậy nhưng có ai nghĩ, làm sao may mắn có thể mỉm cười khi chúng ta không biết cố gắng?

Vận động viên nữ như Lan một khi đã bước chân vào con đường thể thao chuyên nghiệp, chỉ có thể rũ bỏ phần nào cuộc sống như các cô gái bình thường khác để luôn cố gắng, cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo. Chân chạy điền kinh luôn giữ tâm thế thoải mái nhất để có thể vươn lên trong mọi kỳ thi đấu. Chính vì lẽ đó, cô trở thành tấm gương sáng của điền kinh Việt Nam, đi vào lịch sử tại Olympic Tokyo 2020. 

Olympic 2020: Huy chương vàng không dành cho tất cả, nên dành điều gì cho những người còn lại?

Olympic 2020: Không chỉ cạnh tranh khốc liệt mà còn có những điều đáng yêu

Simone Biles: Sức mạnh của việc nói "Không!" tại Olympic Tokyo 2020

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ