Khán giả dành nhiều lời khen cho độ chân thực và sự khốc liệt của phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương".
Đạt nhiều giải thưởng lớn ở các Liên hoan phim quốc tế và là tác phẩm đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam lọt top 15 đề cử Phim tài liệu xuất sắc của Oscar, thành công của Những đứa trẻ trong sương phần nào lên tiếng khẳng định: Điều khán giả thực sự cần bây giờ là được rung động bởi những điều bình dị nhất.
Khán giả không cần những "vỏ ốc giả tạo"
Trong phim, nhân vật chính là Di, một cô bé 12 tuổi, sống chung với gia đình ở một ngôi làng hẻo lánh của vùng núi Sa Pa. Hành trình 3 năm gắn bó của Diễm với mảnh đất này đã biến bộ phim trở thành một mối mâu thuẫn nhức nhối về bi kịch của người phụ nữ, tư duy thế hệ, gánh nặng tục lệ của cộng đồng…
Thực tế, kịch bản về một đứa trẻ cùng hoàn cảnh bi kịch và nghị lực vươn lên rất hiếm khi nhận được sự chú ý. Nưng chính cũng nhờ yếu tố đó nên sự xuất hiện của bộ phim mang lại một niềm gió mới lạ, đặc biệt là đặt trong bối cảnh miền núi mơ mộng và câu chuyện về một tập tục lạc hậu.
"Diễn tả chân thực hiện tượng, mâu thuẫn, tập tục đang tồn tại trong cuộc sống, cách xử lý rất nhân văn của chính quyền địa phương", tài khoản Tee Lee Emily chia sẻ. Hà Lệ Diễm cho biết cô không cố gắng đào sâu những drama nóng bỏng hay tình huống éo le, mà chỉ đơn giản để người xem tự sống, tự chuyện trò, tự lớn lên với Di và nhận ra những trăn trở lẫn buồn vui của một cô bé H'mông dễ mến.
"Phim điện ảnh cũng diễn như thực giống phim tài liệu"
Với nhiều nhà làm phim tài liệu, sẽ là cần thiết khi đặt ra ranh giới nhất định giữa chính nhân vật và bản thân người cầm trịch để có cái nhìn khách quan, chân thực nhất. Nhưng trong bộ phim, Hà Lệ Diễm có sự gắn kết trên mức thông thường với chủ thể chứ không đơn thuần là một người cầm máy, một người lạ mặt đứng hóng câu chuyện bên lề đường, dễ dàng nhận thấy từ Diễm những góc quay mang nhiều cảm xúc và sự trân trọng dành cho Di như cho một cô em gái nhỏ.
Đó cũng đơn thuần là cách mà điện ảnh tồn tại, nơi chúng ta chỉ được phép sống thử cuộc đời người khác và tự thân suy ngẫm những gì mà mình theo dõi. "Bao giờ mà phim điện ảnh cũng diễn như thực giống phim tài liệu thì điện ảnh Việt Nam sẽ thoát khỏi cái vỏ ốc giả tạo", chính là những chia sẻ từ một khán giả của bộ phim.
Ấn tượng bởi mạch phim và những cảnh quay
Sau khi ra rạp, Những đứa trẻ trong sương nhận được khá nhiều lời khen cho một mạch phim, góc quay sâu sắc và thấm thía. Không khó để tìm thấy những bình luận như "Mình cực kì ấn tượng với mạch phim, nhiều góc quay đẹp từ ngoại cảnh, đến những cảnh quay thể hiện sự thân thiết giữa đạo diễn và gia đình Di. Một câu chuyện chân thực về tục lệ của dân bản xứ nhưng vẫn đáng suy ngẫm về xã hội nói chung". Trái ngược hoàn toàn với những câu chuyện tình yêu tuổi trẻ màu mè hay cuộc xung đột chị em, gia đình đang làm khán giả ngột thở với màu sắc độc hại và những yếu tố gây tranh cãi.
Cách thức quay và dựng phim nhìn chung khá đa dạng và có những đổi thay về nhịp độ để bắt kịp sự chuyển biến trong câu chuyện, nhất là ở phân cảnh bắt vợ, nhịp máy rung lắc dữ dội và những cú chuyển cũng trở nên đột ngột giúp khán giả cảm nhận rõ hơn cơn khủng hoảng đang sôi sục trong trái tim cô bé người Mông.
Cuối cùng, Những đứa trẻ trong sương vẫn là một bộ phim tài liệu gây thảng thốt, cũng ít nhiều mang lại tự hào và niềm vui của khán giả với sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam sau một thời gian dài chơi vơi trong dòng điện ảnh thế giới.
Nguồn: TH&PL