Everything Everywhere All At Once có cùng hướng khai thác đa vũ trụ như Doctor Strange 2 nhưng ở "cái tầm" cao hơn?
Việc sử dụng đa vũ trụ trên màn ảnh đã trở nên cực kỳ phổ biến trong vài năm trở lại đây nhưng không phải tất cả đều thành công khi truyền tải đến khán giả. Mới đây Everything Everywhere All At Once đã được đánh giá là phim độc lập nhưng đủ sức "tiễn" MCU "ra chuồng gà chơi" bởi cách xây dựng thuyết đa vũ trụ của mình.
Đa vũ trụ trong MCU quá rối rắm và không thống nhất
Đa vũ trụ trong MCU được manh nha từ đầu giai đoạn 4 ở WandaVision (2021) và khai thác sâu hơn tại Loki, What If...? và Spider-Man: No Way Home. Theo đó, cơ quan TVA đã giải thích với Loki rằng nếu có một cá thể nào phát sinh hành động không nằm trong dự định sẽ hình thành nhánh thời gian mới tồn tại song song dòng thời gian thiêng liêng. Còn ở What If...? giải thích đa vũ trụ hình thành từ những thực tại vô hạn và không nhất thiết phải phân nhánh dòng thời gian. Đến Spider-Man: No Way Home thì có 3 biến thể Người Nhện đến từ 3 vũ trụ khác nhau nhưng không thấy sự xuất hiện của cơ quan TVA tại thời điểm đó.
Chính vì cách giải thích và thể hiện qua các bộ phim hoàn toàn không thống nhất khiến đa vũ trụ MCU khá khó hiểu và rối rắm. Như vậy việc phân nhánh thời gian trong Loki có tương đương với một vũ trụ mới của đa vũ trụ không hay 3 Spider-Man là các biến thể hay là một Peter độc lập từ vũ trụ khác đến? Hoặc chính He Who Remains đã không hoàn toàn trung thực về cách thức hoạt động của đa vũ trụ trong Loki.
Everything Everywhere All At Once lại "khôn ngoan" hơn nhiều
Nếu MCU đã mắc lỗi lớn khi đan xen và nhồi nhét quá nhiều thứ vào khái niệm đa vũ trụ thì Everything Everywhere All At Once lại chọn hướng đi hoàn toàn khác cho mình. Các quy tắc hoạt động được thiết lập từ đầu phim rất rõ ràng khi Alpha Waymond - chồng của Evelyn từ Alphaverse giải thích rằng có một đa vũ trụ rộng lớn được tạo bởi những quyết định nhỏ nhất của cá nhân trong suốt cuộc đời họ.
Những quyết định này sẽ tạo ra khác biệt dù nhỏ hay lớn đều dẫn đến sự thay đổi với cuộc sống cá nhân của họ hoặc thế giới xung quanh, đây cũng là cơ sở tạo nên đa vũ trụ trong phim. Cùng với đó các cá thể trong Alphaverse có thể chu du khắp đa vũ trụ bằng cách kết nối (tương tự Bluetooth) để khởi động ý thức của họ trong phiên bản khác. Khi đó họ cũng sở hữu những kỹ năng của phiên bản đó như nữ chính đã làm. Tuy được xây dựng đơn giản nhưng phim độc lập này lại thành công khi truyền tải đến khán giả, giúp người xem không "vừa coi vừa ngẫm".
Nhưng bên nào mới là "đỉnh của chóp"?
Như đã nói, trong khi MCU vẫn đang cố gắng tìm ra chính xác cách thức hoạt động của đa vũ trụ thì Everything Everywhere All At Once đã làm chúng rõ ràng từ đầu. Tuy nhiên khi đặt lên bàn cân để so sánh về lâu dài thì Marvel vẫn được đánh giá cao hơn bởi MCU tạo ra chiều dài phát triển trong khi đối thủ chỉ đơn thuần là bộ phim khoa học viễn tưởng.
Tạm kết lại, Marvel có thể học hỏi từ bộ phim độc lập này bằng cách tạo ra một đa vũ trụ rõ ràng và ít quy tắc hơn để không xảy ra việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các phần phim. Nếu chỉ tính đến thời điểm hiện tại thì Everything Everywhere All At Once đã dẫn đầu về cách khai thác đa vũ trụ tiệm cận người xem nhất.
Nguồn: TH&PL