Điện ảnh Việt và câu hỏi cần thêm gì để chạm tay vào giải thưởng Oscar danh giá.
Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 đang là tiêu điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới quan sát điện ảnh. Hoà vào tinh thần tôn vinh những dự án, cá nhân xuất sắc thuộc loại hình nghệ thuật thứ 7 năm 2023, không ít vấn đề liên tưởng đến nền điện ảnh Việt được gợi mở.
Trong đó, các vấn đề liên quan đến chất lượng và định hướng xây dựng một tác phẩm điện ảnh "mơ lớn" tới các giải thưởng được đề cập.
Tầm nhìn quốc tế
Điện ảnh Việt và những giải thưởng danh giá quốc tế luôn là đề tài thảo luận sôi nổi suốt nhiều năm qua. Hễ có tác phẩm nào của người Việt được vinh danh ở các lễ trao giải lớn nhỏ trên thế giới sẽ lập tức trở thành điểm sáng của truyền thông, báo giới và khán giả bởi đâu có nhiều dự án Việt có được vinh dự ấy.
Bàn về chuyện phim Việt hiếm có tác phẩm lọt sâu vào các vòng trong của Oscar, anh Nguyễn Tuấn - người dành nhiều năm nghiên cứu điện ảnh Việt, cho biết: "Nếu nói tại sao chưa có cơ hội để vào vòng shortlist, chưa nói đến đề cử chính thức cuối cùng thì lý do thật đơn giản là những người làm quản lý không có tầm nhìn, nên họ không có nhiệm vụ làm việc đó.
Tức là bản thân nhà quản lý không đặt ra tầm nhìn và nhiệm vụ để bắt buộc Việt Nam phải đạt được điều gì đó tại giải thưởng danh giá này, thì đâu có hành động cụ thể để giúp điện ảnh Việt Nam có thể có được 1 tác phẩm vào vòng trong".
Anh đưa thêm dẫn chứng về việc chinh phục các giải thưởng lớn của thị trường đầy tiềm năng như Mỹ. "Nếu để ý ta sẽ thấy, 1 năm, 1 hãng studio lớn của Mỹ có rất nhiều phim bom tấn tung ra để kiếm doanh thu phòng vé, tuy nhiên vào những tháng cuối của một năm họ sẽ phát hành các bộ phim của những đạo diễn nổi tiếng.
Những bộ phim này mang tính 'tranh giải' và có nhiệm vụ tranh giải, chúng sẽ được quảng bá, được vận động hành lang... để làm sao đó phim có thể lọt vào vòng cuối và đạt được giải thưởng. Nên nếu không có 1 nhiệm vụ chiến lược như vậy thì cấp quản lý nhà nước đừng mong phim Việt có cơ hội vào vòng trong. Còn lại, ta chờ sự may rủi thôi", Nguyễn Tuấn nêu quan điểm.
Điện ảnh Việt không thiếu tự tin
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh điện ảnh Việt hoàn toàn không thiếu tự tin khi xuất hiện ở các giải thưởng lớn. Năm 1993, Mùa Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng từng lọt đề cử Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Gần đây, một số sản phẩm của Việt Nam cũng xuất hiện tại nhiều giải thưởng lớn trên thế giới như Ròm của Thanh Huy, Taste (Vị) của Lê Bảo, Tro Tàn Rực Rỡ của Bùi Thạc Chuyên.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng tỏ rõ quan điểm cho rằng tỷ lệ phim nghệ thuật của Việt Nam được chọn vào các Liên hoan Phim uy tín là rất lớn. "Vấn đề không nằm ở chỗ Việt Nam làm phim kém quá, cứ gửi đi là bị loại mà là có làm ra phim để gửi đâu. Kinh phí làm phim cũng là câu chuyện đang lưu tâm", anh cho biết.
Nam đạo diễn sinh năm 1984 chia sẻ thêm: "Trình độ thẩm mỹ, trình độ quản trị và hoạch định kinh doanh của ngành điện ảnh đều rất thấp. Bỏ qua những người làm chuyên môn thì phần lớn là người không đủ năng lực làm ở các ngành khác trôi dạt về làm phim. Nói đơn giản, ngành điện ảnh là bãi thải nhân lực cấp trung và cao. Làm giải trí còn thua lỗ nặng nề thì chắc chắn không làm nổi phim nghệ thuật, do đó không thể khai thác trên thị trường quốc tế".
Nhà nghiên cứu điện ảnh Việt - Nguyễn Tuấn cũng khẳng định Việt Nam không phải thiếu sự tự tin mà thiếu các vấn đề cốt lõi để làm nên một dự án chất lượng: "Việt Nam thiếu sự sâu sắc và ngôn ngữ điện ảnh tinh tế, mới lạ. Thực ra bản chất không phải ta không tự tin mà ta chưa có để được lọt vô các giải thưởng lớn, hoặc có lọt vô chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi vì vẫn còn thiếu cái quan trọng là chất lượng ở 3 khâu chủ chốt nhất: đạo diễn, biên kịch và diễn viên".
Nguồn: TH&PL