Phim Nhà nước lặng lẽ phát hành rồi... cất kho

Giới chuyên môn cho rằng những bộ phim tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà Nước đều cần được phát hành rộng rãi, tránh làm rồi để đó.

Tại hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" do Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương, chia sẻ: "Phim tài liệu rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Như vậy, việc chúng tôi sản xuất ra mà để đấy tức là không đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư, cũng chính là Nhà nước. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất lớn".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải Phóng, cũng nhấn mạnh, dù là phim làm ra nhằm phục vụ mục đích chính trị nhưng nếu không đến được với khán giả thì tuyên truyền cho ai? Mong mỏi phim sản xuất được phát hành ở rạp, chiếu trên truyền hình hay các nền tảng khác nhau là nhu cầu chính đáng của tất cả các nhà làm phim.

Thực tế từ nhiều năm qua, các phim sản xuất từ kinh phí Nhà nước gần như không được chú trọng. Hiếm hoi lắm mới có các phim theo hình thức hợp tác công - tư như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác, Thạch thảo… được phát hành rộng rãi ở rạp.

phim nha nuoc lang le phat hanh roi cat kho - anh 0
"Phơi sáng" - bộ phim do nhà nước đặt hàng sản xuất gần đây nhất đã có buổi ra mắt phim không mấy rầm rộ vào ngày 8/12, dù thực hiện đề tài chống tham nhũng khó nhằn.

Phim điện ảnh sau khi hoàn thành cũng chỉ tổ chức được một buổi chiếu ra mắt theo đúng lệ rồi lại cất đi. Gần đây nhất là Phơi sáng; Đào, phở và piano. Các phim của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương hay Công ty CP Phim Giải Phóng đều phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Câu chuyện quảng bá, phát hành là điểm nghẽn lớn nhất của vấn đề này. Hầu hết giới chuyên môn lẫn khán giả đều thấy rằng những tác phẩm được "đặt hàng" lặng lẽ sản xuất, lặng lẽ chiếu trong quy mô hẹp, rồi sau đó lặng lẽ… cất kho.

phim nha nuoc lang le phat hanh roi cat kho - anh 0
"Đào, phở và piano" được đầu tư tới 20 tỉ đồng nhưng vẫn không được biết đến rộng rãi.

"Việc phát hành như thế nào phải xin ý kiến của Cục Điện ảnh. Bởi đây là phim sản xuất theo đặt hàng, các hãng chỉ sản xuất, gia công theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị tư nhân khi sản xuất phim luôn có kế hoạch phát hành song song. Tôi nghĩ đơn vị Nhà nước cũng phải làm như thế, không phải đợi làm phim xong mới quảng bá. Như vậy không hiệu quả", ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thông tin, mỗi năm Nhà nước đặt hàng hơn 20 phim tài liệu để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trên thực tế, khi phim làm xong, chỉ có Cục Điện ảnh sử dụng phim này đưa vào các chương trình phim trong và ngoài nước; các tuần phim phục vụ nhiệm vụ chính trị hay gửi cho 63 tỉnh, thành phố chiếu miễn phí.

phim nha nuoc lang le phat hanh roi cat kho - anh 0
  Ông Vi Kiến Thành cũng cho biết các phim tài liệu gửi cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rất ít khi được sử dụng vì ưu tiên phát phim do họ sản xuất hoặc không khớp với khung sóng.

Song, vấn đề chất lượng của các tác phẩm không hợp thị hiếu cũng là một nguyên nhân quan trọng. Một tác phẩm phim được ra mắt phải có những điểm hấp dẫn khán giả. Điển hình như việc Sống cùng lịch sử ra rạp không bán nổi 1 vé không thể hoàn toàn do lỗi của khâu quảng bá, phát hành.

Hiện nay, nhiều chuyên gia, nhà làm phim đều cho rằng việc tăng cường hợp tác công - tư là giải pháp khá tối ưu trong việc sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Bản thân các phim được "đặt hàng" sản xuất đều là đề tài khó, không phải nhà sản xuất tư nhân nào cũng dám mạo hiểm.

phim nha nuoc lang le phat hanh roi cat kho - anh 0
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một tác phẩm thành công nhờ hình thức hợp tác công - tư.

Tại hội thảo, giới chuyên môn cũng nhận thấy cần có sự thay đổi tư duy làm phim ở nhiều bên, kể cả ở trong quá trình sáng tạo, sản xuất lẫn phát hành. Bên cạnh đó, số tiền được Nhà nước đầu tư cho khâu sản xuất có thể lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng khâu quả bá chỉ có 100 triệu đồng.

Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam bày tỏ cần có quy định về kinh phí quảng bá phim Nhà nước, để nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung sẽ tiếp cận sâu rộng tới khán giả. 

Điều 7 Nghị định 131/2022/NĐ-CP quy định phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước là sản phẩm văn hóa đặc thù, gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến khi hoàn thành.

'Đào, phở và piano': Một bộ phim 'trả nợ' cho Hà Nội

Phim Việt năm 2023: 'Trái chiều nhiều hơn trái ngọt'

Giải được bài toán Quỹ Điện ảnh, ngành phim Việt sẽ như 'hổ thêm cánh'

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ