'Đào, phở và piano' là bộ phim do nhà nước đặt hàng và chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
Ngày 18/2, trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập do lượng người truy cập quá đông. Tình trạng này xảy ra do lượng đặt vé phim Đào, phở và piano tăng đột biến.
Trước đó, phim chỉ chiếu 2-3 suất mỗi ngày, mỗi rạp khoảng 100 khán giả. Tuy nhiên, số lượng khán giả tìm xem phim bỗng tăng vọt. Trong 2 ngày 19 và 20/2, phim tăng lên có 15 suất chiếu/ngày nhưng toàn bộ vé đã bán hết, chỉ còn một số vị trí sát màn hoặc rìa ngoài cùng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Tùng - quyền giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia - gọi việc trang web của trung tâm bị sập là "hiện tượng trước nay chưa từng có". Tới trưa 18/2, trang web của trung tâm này vẫn chưa hoạt động trở lại.
Việc dự án cho nhà nước đặt hàng chỉ chiếu duy nhất tại một điểm chiếu với suất chiếu ít ỏi khiến những người yêu phim tiếc nuối. Trên mạng xã hội, khán giả thể hiện quan điểm rất muốn xem nhưng không có nhiều sự lựa chọn.
Những đối tượng khán giả không ở Hà Nội và không di chuyển đến địa điểm Trung tâm chiếu phim Quốc gia gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận phim.
Đào, phở và piano do Phi Tiến Sơn viết kịch bản và chỉ đạo thực hiện với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, quy tụ sự tham gia của các gương mặt diễn viên quen thuộc như NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng...
Bộ phim được lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội. Một "tâm hồn Hà Nội" trong khói lửa được hiện lên với giàu cảm xúc, có những đổ nát ngổn ngàng mùi thuốc súng, có đậm hương thơm trong món ăn người Việt, có cả chất trữ tình trong tình yêu lứa đôi.
Với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng, dự án nhận về nhiều phản hồi tích cực về hình ảnh, sự chỉn chu trong từng góc quay lẫn cách lựa chọn diễn viên vào vai. Yếu tố được độc giả quan tâm nhiều nhất là kịch bản phim, cũng đã được làm tốt ở Đào, phở và piano.
Đào, phở và piano chinh phục được khán giả bởi cách kể chuyện cuốn hút, truyền tải được tinh thần bi tráng của thời chiến và chất ấm nóng lãng mạn ẩn mình trong hiện thực tàn khốc.
Họa sĩ Vũ Việt Hưng cũng rất công phu khi xây dựng cả một con phố dài 120 mét, rộng 9 mét (theo tỉ lệ 1:1) để làm bối cảnh chính cho bộ phim.
Chia sẻ với Lao Động, họa sĩ Vũ Việt Hưng nói: "Chúng tôi tự làm mọi thứ: gạt nền, đổ nhựa, làm đường, tạo hình các căn nhà, hình thành một khu phố cổ 2 mặt tiền. Sau hơn 5 tháng thi công, chúng tôi đã dựng xong những ngôi nhà cổ Hà Nội thập niên 1940, những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô yêu dấu năm xưa".
Nguồn: TH&PL