OCD là một hội chứng nghiêm trọng không phải chuyện để đùa giỡn.
"Tớ bị OCD, nên làm ơn sắp xếp đồ gọn gàng vào". Không quá lạ lẫm khi chúng ta thường xuyên nghe câu nói này thốt ra từ miệng các bạn trẻ, vậy OCD thật sự là gì?
Những điều bạn nên biết về OCD
OCD là tên viết tắt của thuật ngữ tiếng Anh Obsessive Compulsive Disorder: Rối loạn do ám ảnh thúc đẩy. Đây là bệnh tâm lý liên quan đến chứng rối loạn âu lo.
Người bị OCD thường thấy những tư tưởng hay hình ảnh có xu hướng lặp đi lặp lại liên tiếp gây khó chịu và họ buộc phải làm gì đó để xua tan nó đi. Ý nghĩ hay hình ảnh đáng lo ngại được gọi là "ám ảnh". Những hành vi làm đi làm lại nhiều lần để xua đuổi ý tưởng đó đi gọi là "thúc đẩy". Dù vậy, những hành động này chỉ có thể giảm được tạm thời sự lo lắng mà thôi.
Thông thường, bệnh nhân có thể ý thức được đó là những hành động không bình thường, nhưng họ không thể dừng lại hoặc kiểm soát nó. Bệnh diễn tiến nặng sẽ khiến bệnh nhân sẽ không thể có sinh hoạt bình thường.
Các nhà tâm lý học vẫn chưa hiểu được tại sao con người mắc chứng OCD. Dù vậy, tiền sử gia đình hay sự căng thẳng quá mức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bệnh này.
Một số triệu chứng thường gặp có thể kể đến ví dụ như người bị ám ảnh cưỡng chế luôn tự hỏi bản thân mình đã khóa cửa trước khi đi ngủ hay chưa. Điều này thôi thúc họ phải thức dậy nhiều lần trong đêm để kiểm tra. Nhiều người luôn phải sắp xếp đồ đạc theo một thứ tự nhất định thì mới hết cảm giác lo âu. Hoặc, có những người rửa tay liên tục vì họ sợ vi khuẩn bám vào cơ thể mình,..
Không là chuyện đùa
Có thể thấy rằng, OCD là bệnh lý nghiêm trọng, gây tổn hại không chỉ về tinh thần mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường nhật. Rất nhiều bệnh nhân cứ lặp đi lặp lại một hành động, không phải vì họ thích thú hay mong muốn điều đó. Họ buộc phải thực hiện để khiến họ không còn căng thẳng quá mức.
OCD là bệnh tâm lý phức tạp với nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa khi bạn thích dọn dẹp hay thích rửa tay tức là bạn mắc OCD. Ngày nay, có khá nhiều bạn trẻ thường tự gọi mình mắc chứng OCD.
Điều này xuất hiện do sự ảnh hưởng khá lớn từ các bộ phim đang thịnh hành. Các nhân vật được hâm mộ trong phim mắc bệnh này, và bạn cho rằng đó chỉ là một thói quen trông có vẻ "thú vị" được lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc? Không chỉ vậy, OCD lại được công chúng nhìn nhận theo hướng tích cực bởi thường được đi kèm với những cái mác "sạch sẽ/ gọn gàng"
Chắc hẳn ai cũng sẽ có một người bạn nói rằng: "Tôi bị OCD mà" khi họ chỉ đang lau dọn nhà cửa. Sự lạm dụng quá mức của cụm từ này do thiếu hiểu biết sẽ khiến cộng đồng có nhìn sai lệch về chứng bệnh tâm lý này. Những người mắc chứng OCD thật sẽ bị coi nhẹ hoặc không nhận được sự trợ giúp kịp thời bởi nhiều người cho rằng đây chỉ là thói quen hay tật xấu cần phải giảm bớt chứ không phải là một loại bệnh.
Thói quen hàng ngày và rối loạn ám ảnh cưỡng chế là hai điều hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể quét nhà hàng ngày vì thói quen, nhưng khi quá bận, bạn có thể bỏ qua. Thế nhưng, với người mắc OCD, họ thậm chí phải quét nhiều lần trong một buổi chỉ vì cảm giác bất an sợ bẩn.
Nếu không dọn ngay, bạn sẽ cứ phải nghĩ về nó và hãy tưởng tượng, việc lặp đi lặp lại một việc trong khoảng thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của bạn như thế nào? Đó không là chuyện đơn giản, có phải không?
Không chỉ vậy, người bình thường sẽ không thể nào hiểu được các triệu chứng của bệnh, họ chỉ đưa ra các lời khuyên vô thưởng vô phạt như "Thì đừng rửa tay nữa" hay "Không có gì đâu/ làm hết rồi/ yên tâm đi,....". Điều này khiến bệnh nhân càng thêm hoảng loạn khi họ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể gạt đi sự khó chịu trong lòng, khiến căn bệnh ngày càng nặng nề thêm.
Nguồn: TH&PL