Thủ khoa đại học Ngân hàng cũng đã từng thất bại, rớt học bổng như bao người.
Đại học là chặng đường để mỗi sinh viên khẳng định và chinh phục ngành học mà bản thân đã lựa chọn. Khoảng thời gian để mỗi người tự trả lời cho mình câu hỏi Bạn là ai? Bạn muốn trở thành người như thế nào? Với những câu hỏi, những gạch đầu dòng về con đường tương lai, Trang Diệu Ái (1999), cô nàng thủ khoa Đại học Ngân hàng đã có cho mình thành tích "khủng" khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong thời gian đại học, Diệu Ái đã sở hữu 24/58 môn học đạt điểm A+ và 18/58 môn đạt điểm A.
Ba năm rưỡi đại học, Trang Diệu Ái đã đạt nhiều điểm số cao, được thầy cô và bạn bè ngưỡng mộ với việc nghiêm túc trong học tập và luôn nổ lực từng ngày. Nữ sinh sở hữu 7/7 kỳ học bổng khuyến khích học tập và học bổng hệ chất lượng cao tại trường.
Diệu Ái còn nhận học bổng của ngành ngân hàng, học bổng tài năng, học bổng của Vietinbank trong 3 năm liên tục. Bên cạnh đó, nữ sinh đã chinh phục được học bổng đặc biệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở năm học 2018-2019.
Diệu Ái từng đạt nhiều giải thưởng cao như Á quân cuộc thi Đấu trường tài chính FBAC 2021; Quán quân cuộc thi Đấu trường tài chính FBAC 2020; Top 8 Finance cuộc thi Doanh nhân tập sự; Top 8 cuộc thi The Audit Proud; Top 8 cuộc thi X Audit và Top 5 cuộc thi Unlock Your Power.
Hãy cùng gặp gỡ và lắng nghe những tâm sự của cô nàng thủ khoa chuyên săn học bổng để có thêm nhiều thông tin thú vị!
"Ngã ở đâu đứng lên ở đó"
Việc đạt được học bổng đặc biệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nó có khác gì so với những học bổng trước đây bạn nhận được?
Mình mãi không quên 2 lần ứng tuyển học bổng đặc biệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bản thân đã quyết tâm chinh phục học bổng này từ khi còn là sinh viên năm nhất. Nhưng không phải điều gì mình hoạch định ra sẽ đi đúng hướng như mình mong muốn. Mình cũng không là ngoại lệ, cũng phải đi từ thất bại để gặt hái được hoa hồng.
Năm học đầu tiên ở đại học, qua tìm hiểu mình đã đặt ra mục tiêu đạt học bổng đặc biệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên vì thành tích học tập chỉ đạt loại giỏi, còn thiếu rất nhiều yếu tố phụ nên mình đã không nhận được. Xem thất bại là động lực, mình luôn tự nói với bản thân thất bại ở đâu đứng lên ở đó. Nên năm học 2018-2019, mình tiếp tục tham gia nộp hồ sơ ứng tuyển.
Ngoài việc học, mình cũng tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động của Đoàn Hội, câu lạc bộ để có thể hoàn thiện bản thân hơn từng ngày, năng lực phát triển toàn diện về học thuật và điểm rèn luyện đã được mình "dùi mài" từng ngày và rồi học bổng đã về tay.
Thành tích học khủng cùng với danh hiệu thủ khoa, đâu là động lực để bạn nổ lực trong suốt 3,5 theo học tại Đại học Ngân hàng?
Tại thời điểm này khi mình nhìn lại đúng thật mình có thể tự hào một chút vì những thành tích mà mình đã đạt được nhưng đó thật sự là một hành trình rất là dài. Mình đã tích lũy từng thành tích một và kết nối nó lại với nhau đến ngày hôm nay, mình thấy vô cùng ý nghĩa, nguồn động lực rất là lớn để mình biết rằng mình có thể làm được nhiều thứ hơn mình từng tưởng tượng. Mục tiêu phấn đấu là điều quan trọng, nó vừa là áp lực vừa là động lực để mình cố gắng.
Mình đã đặt mục tiêu vào được một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, may mắn mình đã đậu 3 trên 4 công ty. Mình cho phép bản thân được thử thách hơn ở nhiều nơi, nhiều cuộc thi, có thêm những mối quan hệ xung quanh để học hỏi, biết thêm nhiều thứ. Thành tích của bạn bè, những người mà mình dõi theo cũng là một nguồn động lực vô cùng to lớn để chị không ngừng cố gắng học tập và rèn luyện bản thân.
Nguồn động lực khác nữa, đó chính là xuất phát từ sự tôn trọng, sự biết ơn của mình dành cho quý thầy cô ở trường, dành cho ngôi trường đại học mà bản thân gắn bó, nên mình mong muốn bản thân sẽ là 1 sinh viên ưu tú để khi nhắc đến đại học Ngân hàng, mình sẽ tự hào bằng những thành tích mà mình đạt được cũng như sự thể hiện của mình trong công việc, đối với doanh nghiệp mà mình đã tham gia.
Là một người với thành tích khủng, bạn đã vấp phải những thất bại? Từ thất bại nhỏ đến lớn, bạn vượt qua nó như thế nào?
Mình nghĩ trong cuộc sống của bất kỳ người nào cũng có những khoảnh khắc được gọi là thất bại ngay tại thời điểm đó. Và mình cũng như vậy, khi mà nhìn lại mình trân trọng và xem nó là những bài học vô giá. Đôi lúc mình cũng tự thấy bản thân có nhiều thất bại, khi không đạt được điểm tốt là thất bại nhỏ nhỏ, khi mà mình rớt một công yêu thích mà mình chuẩn bị kỹ lưỡng thì đó cũng gọi là thất bại.
Thất bại của mỗi người sẽ là một giới hạn khác nhau, mình đã từng rớt câu lạc bộ, từng không đạt được học bổng Thống đốc, những khi thì quá tải trong việc học và làm, những mục điều trong cuộc sống mình không đạt được thì mình vẫn là Diệu Ái, vẫn là một sinh viên nhận trái đắng.
Từng làm thầy cô thất bại, không cân bằng được trong cộng việc, ảnh hưởng đồng nghiệp và cũng nhờ có những khoảnh khắc không thuận theo ý mình, thất bại đó giúp cho mình được nhìn lại, có thể sắp xếp lại cuộc sống. Sống một cách khoa học hơn, khỏe mạnh hơn, dần sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc qua những cấp độ quan trọng, ít quan trọng. Và kỷ luật với những cái công việc hàng ngày mà bản thân đặt ra.
Thủ khoa cũng vỡ mộng, đi làm không như mơ, "trầm cảm" đã đến rất gần
Trải nghiệm khi đi học và đi làm khác nhau như thế nào trong mắt một người có bề dày thành tích học khiến nhiều người phải trầm trồ?
Việc đi làm mình thấy nó sẽ khác rất là nhiều so với việc học ở trường lớp, đặc biệt là nhóm ngành kinh tế bởi vì kinh tế là những thứ nó sẽ thay đổi rất nhanh theo thời gian, kiến thức sẽ cập nhật không nhanh bằng nên là khi tiếp xúc với công việc thực tế mình đã từng sốc và ngộp.
Mình vẫn phải đọc rất là nhiều văn bản, quy định, quy trình để thích ứng được với công việc. Có là ai đi chăng nữa, là thủ khoa hay sinh viên thì mình vẫn quay vào ô "thực tế không như mơ". Mình phải rất chủ động hỏi những người xung quanh, các anh chị đi trước, đồng nghiệp, các cấp quản lý để đáp ứng được nhu cầu công việc.
Thủ khoa giỏi có dễ dàng trở thành một nhân viên giỏi?
"Thủ khoa có thể trở thành một nhân viên giỏi hay không?" mình thấy là hoàn toàn có khả năng. Hơn hết là bản lĩnh của mỗi người. Còn việc thủ khoa giỏi dễ trở thành nhân viên giỏi bởi vì với kiến thức nền tảng, những điều mình đã tích lũy thì nó là một lợi thế vô cùng lớn. Phương pháp tiếp cận những cái mới không hẳn là mình biết ngay cách làm nhưng mình sẽ biết cách làm thế nào để có thể tìm hướng giải quyết vấn đề tốt nhất.
Hiện tại mình đang làm một quản trị viên, mình thường xuyên được giao những việc, nhiệm vụ cải tiến tham gia vào các dự án. Mình thấy nhờ vào danh hiệu thủ khoa nó đã giúp mình dễ dàng đạt được vị trí như hiện tại. Mà cũng nhờ danh hiệu thủ khoa, các cấp quản lý tin tưởng hơn về tư duy logic, mình được tham gia dự án lớn.
Mình nghĩ danh hiệu thủ khoa cũng là một điểm cộng rất lớn khi apply vào các công ty, cũng như trong quá trình làm việc nó tạo cho mình nhiều cơ hội để phát triển, nắm bắt và nhanh chân hơn trên đường đua công việc.
Làm cách nào để bạn biến danh hiệu thủ khoa từ áp lực thành động lực khi đi làm thực tế và đặc biệt hơn khi mọi thứ đều đến trong thời gian dịch bệnh kéo dài?
Với thành tích của mình đạt được đó là một áp lực vô hình. Áp lực xem là với những cái danh hiệu đó mình sẽ làm gì trong tương lai, đặc biệt là trong khoảng thời gian dịch bệnh vừa qua. Mình mất đi sự kết nối với đồng nghiệp, bạn bè, có lúc tưởng chừng như rơi vào trầm cảm. Nhưng may mắn, khi cuộc sống quay lại bình thường mới, mình học cách cân bằng lại từ công việc, học tập đến cuộc sống.
Mình nhận thấy vấn đề Thủ Khoa hay không, không phải vấn đề quá lớn nếu mình thay đổi góc nhìn. Những tháng gần đây mình đã biến áp lực thành động lực để tiếp tục học tập, cố gắng, cam kết cao hơn với công việc mà mình đảm nhận.
Thời điểm này cũng là thời điểm minh chứng về sự nỗ lực trong công việc của mình với danh hiệu thủ khoa, cũng như nỗ lực trong giao tiếp sau năm tháng dịch bệnh.
Vậy để bước vào môi trường làm việc thực tế, người trẻ nên chuẩn bị những nền tảng gì để không phải va vấp?
Bước vào môi trường công sở, khi trải nghiệm thực tế mìnhnghĩ cái yếu tố kỹ năng mềm, việc sử dụng những công cụ văn phòng như là: excell, photoshop, chưa kể là các cái phần mềm về data, dữ liệu…
Các yếu tố đó là một trong những yếu tố rất là cần thiết, giảng đường đại học không bắt buộc mình về những yếu tố đầu ra về các kỹ năng sử dụng công cụ đó nhưng nó lại là "chìa khóa vàng" để bạn chinh phục nhà tuyển dụng. Khi đi làm những kỹ năng mềm vô cùng cần thiết, đồng thờinữa là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp mọi người xung quanh để mình dễ dàng được học hỏi và trao đổi.
Ngành học hot hay không chỉ là yếu tố phụ
Ngân hàng, kế toán là những nhóm ngành rất hot trước đây, nhưng hiện nay nó đã "rớt đài". Vậy nó có khó khăn gì cho bạn và các bạn sinh viên theo học nhóm ngành này?
Mình cũng nghe nhiều người nói ngành Ngân Hàng, ngành Kế Toán hết hot và bị dư thừa rất là nhiều. Còn mình không nghĩ như vậy. Mình nghĩ ngành nghề, độ hot chỉ ảnh hưởng một phần, quan trọng bản thân mình có phải nguồn nhân lực chất lượng cao hay không?
Mình có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ đó là những cái mà các bạn sinh viên nên trau dồi để có thể các doanh nghiệp sẵn sàng nhận mình, trả cho mình một quyền lợi tốt. Bản thân mỗi người nổ lực cố gắng đến đâu thì sẽ nhận lại được giá trị đến đó. Sẽ không có khó khăn nếu bạn dám thử, dám làm nhiều hơn và biết nắm bắt cơ hội.
Những điều bạn nghĩ sinh viên nên làm trong 4 năm học đại học là gì để có nhiều cơ hội trong cuộc sống?
Việc giao tiếp, mình cố gắng cải thiện kỹ năng giao tiếp làm sao để khi ai làm việc với mình cũng vui vẻ, thoải mái là điều vô cùng cần thiết.
Ngay từ khi vào đại học nó là cơ hội rất lớn để rèn luyện kỹ năng đó. Khi làm việc với một người vui vẻ, tạo tâm lý thoải mái cho mọi người xung quanh thì ai cũng sẽ rất thích và đâu đó cũng sẽ nâng cao chất lượng làm việc của mình, cũng như mọi người xung quanh.
Không chỉ trong thời gian học đại học mà sau đó nữa, mình nghĩ các bạn nên chuẩn bị tâm thế luôn luôn sẵn sàng khám phá, vượt qua nỗi sợ hãi. Thật ra thì khi làm một việc gì đó hay là apply một cái gì đó thì tất nhiên mình có những nỗi sợ, mình chọn cách mạnh mẽ vượt qua nó thay vì cứ tiếp tục sợ hãi hay tiếc nuối cả đời vì không trải nghiệm được điều đó. Với tâm lý như thế nên trong suốt 4 năm đại học mình đã có rất nhiều những trải nghiệm mà mình tin rằng không phải đa số nhiều sinh viên có thể trải nghiệm được những điều mình đã trải qua.
Các bạn sinh viên thường có khái niệm năm nhất là để “nghỉ ngơi" sau 12 năm đèn sách. Vậy bạn nghĩ như thế nào về việc này?
Việc dành năm 1 để nghỉ ngơi sau 12 năm đèn sách, mình nghĩ là nó hoàn toàn không đúng đắn bởi vì mọi người xung quanh mình vô cùng tài giỏi, mình cảm giác vắt chân lên chạy cũng khó mà với tới được những tấm gương xung quanh.Mình cảm thấy nếu mình có thể hoàn thành sớm hoặc học sớm một điều gì đó càng sớm càng tốt, đồng thời mình cũng phải tận hưởng quá trình học tập, thêm cho mình một kỹ năng. Đừng nghĩ nó như một nghĩa vụ hay là một cái điều gì đó phải làm mà mình mong là chúng ta có thể cảm thấy, cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc trong quá trình thực hiện nó
Người ta có thể lấy đi bất kì điều gì của mình nhưng sẽ không thể nào lấy được những kiến thức, sự tự tin và sự vững trải của mình, nên hãy cứ tiếp tục cố gắng, nó không bao giờ là thừa.
Nguồn: TH&PL