Đối với NSƯT Hữu Châu, làm nghệ thuật phải vất vả mới gọi là "lao động", phải sống đúng với cốt cách của một người nghệ sĩ.
Là diễn viên gạo cội của sân khấu kịch Việt Nam, NSƯT Hữu Châu là người thầy, người truyền lửa nghề của nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ. Ông tâm sự với Thanh Niên :
"Tôi nhắc các em về cách sống, người nghệ sĩ càng giản dị càng được khán giả thương. Tôi chỉ ước sau này mình được mời diễn tới già như cô Phi Điểu vậy đó. Ai cũng kính trọng cô. Làm nghệ sĩ được biết thì dễ, được thương thì khó hơn nữa, và được kính trọng thì cực kỳ khó. Mình ráng rèn luyện thôi".
Đối với ông, làm nghệ thuật khó khăn, vất vả nhưng như vậy mới gọi là "lao động". "Tôi cảm ơn cái nghề đã cho tôi quá nhiều thứ, cảm ơn khán giả đã thương gia đình Thanh Nga cả trăm năm nay. Tôi cảm ơn bằng cách đi hát cho thật đàng hoàng; đi tập, đi quay cũng thật đàng hoàng. Đã xác định đây là cơm ăn áo mặc, thì phải làm cho tử tế, để khán giả thương mà xem nữa, để nhà tổ chức mến mà kêu nữa.
À, tôi nhớ hồi nhỏ, khi diễn xong, ra quán mua đĩa hủ tiếu xào, trả bằng chính tiền cát sê mình vừa lãnh, thiệt vui làm sao! Vậy đó, mình nuôi nghề, và nghề nuôi mình, chính là hạnh phúc", ông chia sẻ với Thanh Niên.
NSƯT Hữu Châu khẳng định làm nghệ thuật giống như bao nghề khác. Người ta làm công nhân, bác sĩ, kỹ sư, nông dân, thợ may..., là đang đóng góp cho xã hội. Làm nghệ sĩ, ông đóng góp theo cách khác. Ông tự thấy may mắn vì nghệ sĩ được nhiều người biết, đi đâu cũng được ưu tiên. Thế nhưng, ông "không dám ảo tưởng": "Tôi chỉ mong mình đóng góp cho đời những giá trị nghệ thuật tử tế là mừng lắm rồi, không làm bậy là mừng lắm rồi".
Sân khấu cũng khiến nam nghệ sĩ có nhiều trăn trở. "Nói thiệt, lương sân khấu tụi tôi không giàu nổi đâu, và khán giả xem vở là biết chúng tôi đã bỏ sức lao động cỡ nào. Vừa nói, gào, khóc, vừa hành động, hình thể, cải lương thì thêm vũ đạo nữa. Nhiều vai khi diễn xong một lớp, vô hậu trường chỉ biết ngồi thở. Như vai Nguyễn Trãi, cả một trường đoạn phải nói liên tục với nhiều cung bậc tâm lý rất mệt, tôi khan cả tiếng và thở không nổi luôn", ông kể với Thanh Niên.
Nhưng như vậy mới đúng là nghề. Ông và nhiều nghệ sĩ khác đã chọn nghề thì sẽ không than vãn, ngược lại phải hạnh phúc khi có vai hay, rút ruột rút gan ra để cống hiến cho khán giả.
NSƯT Hữu Châu sinh ngày 22/1/1966, là một trong những nghệ sĩ gạo cội có nhiều đóng góp và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL