Trong một talkshow gần đây, nghệ sĩ Trung Dân có dịp nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình trong 30 năm qua, đồng thời tiết lộ cuộc sống bên vợ và ba con.
Trung Dân cho biết việc trở thành nghệ sĩ, hoạt động trong môi trường nghệ thuật giúp ông cảm thấy bản thân luôn tươi mới. Tuy nhiên, dù đã trải qua hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng mình chưa có vai diễn thành công.
Nam nghệ sĩ nói: "Cuộc đời tôi chưa có vai diễn nào là thành công trên sân khấu. Tôi còn phải chỉnh, phải sửa và phải làm nhiều thứ để khán giả hài lòng hơn. Bổn phận đó, vai diễn đó, bây giờ tôi vẫn tiếp tục và chưa kết thúc".
Chia sẻ về những điều thú vị khi thực hiện vở kịch, nghệ sĩ Trung Dân cho biết trong vở diễn có gián đoạn ở đầu và gần cuối. Trong khoảng nghỉ đó, nam nghệ sĩ ra ngoài hóng gió và chứng kiến cảnh tượng có một số khán giả đứng núp sau tấm màn đứng khóc vì quá xúc động.
Nhờ vai diễn này, nghệ sĩ Trung Dân được nhiều khán giả biết và yêu thích. Có lần nghệ sĩ ông đi taxi, tài xế nhận ra và không lấy tiền. Hay khi đi ăn ở hàng quán, khán giả nhận ra và lặng lẽ trả tiền cho ông.
"Đó là những giây phút mà tôi thấy khán giả hiểu được tôi nói và đồng cảm được câu chuyện. 'Tiếng Vạc Sành' là một trong những kỷ niệm đặc biệt, nói đến đây tôi vẫn còn nguyên sự xúc động" - nghệ sĩ Trung Dân nói.
Cũng trong talkshow, nam nghệ sĩ kể về gia đình của mình: "3 đứa con tôi đi học chỉ có cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng biết có ba là nghệ sĩ. Trong lớp rất hiếm người biết, thậm chí có những năm không một ai hay. Con tôi không buồn vì điều đó. Cả 3 đứa con của tôi đều muốn mọi thứ bình thường như những người bạn trong lớp".
Theo ông, nhờ như thế mà các con có tuổi thơ yên bình, không bị ảnh hưởng bởi công việc của ba.
Trung Dân sinh năm 1967 là một diễn viên hài nổi tiếng. Ông được biết đến với vai Mười hớt tóc trong vở kịch Dưới bóng cây bồ đề được phát sóng trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn được biết đến với các vai như ông Đối (Tin ở hoa hồng), ông già keo kiệt (Anh chàng xỏ lá), ông già sợ bệnh (Thuốc đắng giã tật), ông cậu (Cậu Đồng), người cha (Thượng đế cũng nổi giận), nhân viên hậu đài (Bay trên cô đơn)...