Tất cả mọi sự bí ẩn của thế giới này đều không thể sánh nổi với sự bí ẩn của người phụ nữ.
Chúng ta đã từng nghe qua những câu chuyện về người phụ nữ qua những mảng ký ức tăm tối của thời kỳ chiến tranh. Họ hiện lên một cách mạnh mẽ, âm thầm làm hậu phương cho những chiến thắng vang danh. Đến thời hậu chiến, những nhà làm phim xoáy sâu và nỗi đau âm ỉ của người phụ nữ sau chiến tranh và những hậu quả mà họ phải gánh chịu. Hình tượng người phụ nữ trong phim ảnh bắt đầu thay đổi qua nhiều giai đoạn của cuộc sống, ngày nay phụ nữ không còn mang dáng dấp của sự đau khổ, tổn thương mà thay vào đó là những màu sắc đa dạng.
Những bộ phim truyền hình Việt đã thực sự tạo ra một cuộc "lột xác" cho hình tượng phụ nữ. Không bác bỏ những phẩm chất tốt đẹp, phim Việt bắt đầu nâng cấp và thay đổi hình tượng nữ giới dung hòa giữa nét hiện đại và truyền thống.
Phụ nữ trong Cây Táo Nở Hoa luôn hướng về yêu thương
Cây Táo Nở Hoa là bộ phim truyền hình Việt phác họa chân thực hình tượng người phụ nữ theo hai xu hướng vừa truyền thống vừa hiện đại. Bên cạnh hình ảnh anh Ngọc với sự khắc khổ là hình ảnh phụ nữ được thể hiện một cách khéo léo, bộc lộ tất tần tật từ tính xấu đến tính tốt.
Chị Hạnh hiện lên như một người mẹ, người chị hết sức quen thuộc trong gia đình Việt, chị chấp nhận cuộc sống chật vật với cơm áo gạo tiền và hy sinh tuổi xuân để sống vì người khác. Hiền lành, chân thật, tình nghĩa và đôi chút ích kỷ là những từ để miêu tả về chị Hạnh.
Còn riêng với Báu, cô là một màu sắc đặc biệt khi luôn đề cao lối sống vì bản thân nhưng lại rất mơ mộng về tình yêu. Báu đại diện cho những cô gái trẻ sốc nổi với tính cách khó chiều nhưng riêng với tình yêu thì luôn hết mình.
Nếu chị Hạnh là một người đi theo lối sống truyền thống với quan điểm về sự hy sinh rõ ràng, Báu là kiểu người sống vị kỷ, đề cao bản thân thì Châu lại là một cô gái điển hình cho những người phụ nữ hiện đại trưởng thành.
Phụ nữ trong Cây Táo Nở Hoa cũng giống như cơn sóng ngầm đôi khi trỗi dậy mãnh liệt, đôi khi lặng im chờ đợi hạnh phúc và Châu là đại diện cho điều đó. Trong Cây Táo Nở Hoa, đạo diễn Võ Thạch Thảo xây dựng nên hình tượng một bác sĩ Châu mạnh mẽ độc lập nhưng luôn trăn trở với những nỗi buồn của riêng mình. Châu thực sự là một cô gái độc lập, chấp nhận sai và chấp nhận sửa không lằng nhằng trong mối quan hệ tình yêu với Tuấn và Phong.
Mỗi người phụ nữ trong Cây Táo Nở Hoa đều mang cho mình một dáng vẻ khác biệt có thể yếu đuối, có thể mạnh mẽ hay hơn thế là ích kỷ nhưng điều duy nhất họ hướng đến là tình yêu thương.
Yêu hết mình, chơi hết sức với phái nữ trong 11 Tháng 5 Ngày
Khác với Cây Táo Nở Hoa, 11 Tháng 5 Ngày không xây dựng hình tượng những người phụ nữ với nội tâm quá phức tạp và sâu sắc mà thay vào đó là sắc màu tươi trẻ hiện đại. Một tiểu thư Tuệ Nhi nổi loạn với tính cách ngang bướng, độc lập và kiên định cùng hành trình trưởng thành với sự thấu hiểu, cô là hình tượng mà nhiều bạn trẻ đang hướng đến.
Bên cạnh một Tuệ Nhi cứng rắn lại là một Thục Anh yếu đuối nhưng sâu thẳm bên trong là hy vọng sống mạnh mẽ. 11 Tháng 5 Ngày xây dựng hình tượng những cô gái hiện đại với lối sống đối lập. Nếu Tuệ Nhi là người mạnh mẽ bên ngoài, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều đau khổ thì Thục Anh lại là người bất hạnh từ nhỏ đến lớn, tưởng sẽ mong manh dễ bị tổn thương nhưng thực tế lại mạnh mẽ và kiên cường.
Đồng thời qua hai câu chuyện của Thục Anh và Tuệ Nhi, khán giả phải công nhận rằng lối sống truyền thống của người Việt vẫn còn mang nặng trên vai người phụ nữ. Điều này được thể hiện ở cụm từ ''chửa hoang'', vốn biết hiện tại quan điểm về mẹ đơn thân đã thực sự cởi mở hơn nhưng làm mẹ đơn thân thật sự chưa bao giờ đơn giản. Và những ai đã lựa chọn cuộc sống như vậy là một người phụ nữ phi thường.
Chân dung người phụ nữ truyền thống trong Hương Vị Tình Thân
Phụ nữ truyền thống trong Hương Vị Tình Thân được định nghĩa là những người luôn hướng về gia đình và bỏ qua những lợi ích cá nhân. Ban đầu nhân vật Nam được xây dựng là một cô gái độc lập, mạnh mẽ nhưng càng về sau Nam càng bộc lộ được nét truyền thống trong tính cách. Điển hình khi về làm dâu nhà Long, Nam dường như hóa thành một người phụ nữ của gia đình, mọi thứ cô suy nghĩ đều hướng về cuộc sống hôn nhân.
Nhắc đến phụ nữ truyền thống không thể quên hình tượng bà Xuân. Bà Xuân được xây dựng là một nhân vật dễ tin người, thường bị điều khiển cùng cuộc sống xung quanh chỉ là chồng con. Phu nhân nhà họ Hoàng hiện lên đúng chất là một người phụ nữ xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt nhưng bị kìm kẹp bởi những quan niệm hà khắc.
Chính vì thế bà luôn muốn thể hiện bản thân và khẳng định giá trị của chính mình. Đến gần cuối, bà Xuân dường như đã thay đổi, không còn nỗ lực vì danh vọng mà thay vào đó bà quyết định hài lòng với cuộc sống của bản thân bên cạnh sự chia sẻ của chồng và các con. Có thể nói bà Xuân là hình mẫu người phụ nữ hướng về gia đình nhưng luôn muốn được công nhận giá trị.
Hình tượng phụ nữ trong phim Việt được khắc họa một cách đa dạng và phong phú thể hiện cho nhiều kiểu tính cách khác nhau. Có thể nói phụ nữ ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của mình, hình ảnh người phụ nữ Việt trong phim thay đổi cũng phần nào cho thấy sự biến chuyển về vai trò của người nữ trong xã hội hiện nay.
Nguồn: TH&PL