Chợ nổi giữa lòng Sài Gòn, những kiếp người lênh đênh bám trụ với sông nước.
Nhắc đến xuồng ghe neo đậu trên những bờ sông Sài Gòn ai cũng sẽ nhớ đến cảnh bến Bình Đông những ngày sắp tết. Nhưng giữa lòng Sài Gòn ồn ào náo nhiệt vẫn còn hiện hữu một chợ nổi tấp nập người mua kẻ bán, những "ngôi nhà" vẫn lênh đênh trên sông ngày cuối năm.
Chợ nổi kênh Tẻ, chợ nổi Sài Gòn hay chợ nổi miền Tây giữa là Sài là những tên gọi mà người dân vẫn thường nói khi nhắc đến khu chợ này. Chợ nổi kênh Tẻ nằm trên đoạn đường Trần Xuân Soạn - Quận 7 với những chiếc ghe neo đậu dọc bờ kênh Tẻ, nơi đây cũng đã trở thành nơi giao thương, vận chuyển trái cây miệt mượt, tạo nên một nét đẹp trên sông đậm chất miền Tây sông nước giữa Sài Gòn.
Bộ ảnh Thấy bến, thấy ghe, thấy nhớ nhà của Nguyễn Kỳ Anh như phần nào khắc hoạ chân thực cuộc sống mưu sinh của những thương hồ. Hằng này, khoảng 17h đến 22h, họ bày bán đủ các loại trái cây trên vỉa hè đường Trần Xuân Soạn bán lẻ cho những người qua đường…Nếp sống của những thương hồ lênh đênh trên sông nhưng nhộn nhịp, nhiều năng lượng tích cực cho một năm dài đã qua, một năm mới đang hứa hẹn ở phía trước.
Chọn bám trụ với xuồng ghe, với sông nước, làm nhà, bám chợ nổi để mưu sinh. Quanh năm trôi dạt trên sông nước. Người Nam Bộ thường gọi họ là "thương hồ". Những thương hồ ở đây đã có gần một thập kỉ neo đậu bên kênh Tẻ, bán đủ các loại trái cây như chuối, dừa, chôm chôm,...mùa nào có gì họ chọn bán nấy.
Nội dung liên quan
Trên những chiếc ghe neo đậu, có những "ngôi nhà" đã kiên cố bám trụ tại đây hết cả nửa đời người. Họ chọn sinh sống, chen chút và lớn lên trong không gian chật hẹp của chiếc ghe, thiếu thốn trăm bề nhưng luôn mong cầu tự do, luôn lấy đó làm kế sinh nhai để cuộc sống "đủ" là được. Ngày nắng rát lưng, ngày mưa ướt vai nhưng với họ chiếc ghe đã trở thành tri kỷ, là nhà, là "con trâu" để cày cuốc, luôn đến cùng nhau và về cũng sẽ cùng nhau.
Ở đây, có hàng trăm tiểu thương, đa phần không có đất đai trồng trọt. Cuộc sống thương hồ lênh đênh, cả gia đình cùng sinh sống trên ghe. Họ bày bán trên cả vỉa hè, bên cạnh bờ sông để giúp người mua dễ dàng lựa chọn, cuộc sống sinh hoạt thì đều diễn ra dưới chiếc ghe nhỏ.
Những chiếc ghe cũ, tơi tả theo theo thời gian vừa là nơi an cư vừa là cần câu cơm giúp người dân kiếm sống. Cuộc sống khó khăn, nhiều chiếc ghe đã vài năm không được sửa sang, rào che bằng những tấm bạt tạm bợ. Nhưng họ vẫn thấy vui khi bán được hàng, thấy hạnh phúc khi có bữa cơm no, cuối năm chẳng mong cầu gì nhiều ngoài đủ tiền mua gạo, có thêm ít dư để cho con cái được đi học,...
Họ chọn bán trái cây, chủ yếu là người dân miền Tây. Hết hàng, thương lái cho ghe trở về tỉnh để thu mua trái cây từ nhà vườn rồi vận chuyển lên TP.HCM phân phối. Mỗi chuyến đi khoảng vài ngày đến một tuần. Sau khi một chuyến cập bến tại chợ kênh Tẻ thì chuyến ghe khác lại luân phiên. Vòng lặp cuộc sống của họ cứ thế luân phiên diễn ra từ ngày này sang tháng nọ.
Cứ thế, "đời con tiếp nối đời cha", những chiếc ghe thả neo, bám trụ dọc bờ sông Tẻ đã trở thành một nét quen thuộc với những người dân sống khu vực này. Những chiếc ghe chở nặng những đặc sản trái cây miệt vườn vẫn như con thoi, bồng bềnh trên sông nước đi về giữa miền Tây và Sài Gòn. Họ trở thành người thương hồ đặc biệt ở "chợ nổi Sài Gòn".
Nguồn: TH&PL