Người ta thường có định kiến với vẻ bề ngoài, về những dấu mực in đen nhẻm trên da thịt. Thế nhưng, giới trẻ ngày nay lại xem xăm hình như một thú chơi nghệ thuật. Liệu rằng, lối thoát nào cho những kẻ yêu nghệ thuật xăm hình giữa xã hội định kiến?
Nghệ thuật xăm hình: thú chơi của giới trẻ hiện đại
Văn hóa hình xăm tồn tại trong lịch sử nhiều nước, từ Tây sang Đông. Sự lan tỏa của nghệ thuật xăm hình đang len lỏi và phát triển ở khắp các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, nó cũng đã trải qua những thăng trầm lịch sử. Ngày xưa, người ta xăm hình là vì tập tục. Tục xăm mình của văn hóa người Việt Nam thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên, thậm chí nó còn là hình thức làm đẹp của người đương thời. Ngày nay, do định kiến xã hội mà việc phơi bày hình xăm khiến người ta không có mấy thiện cảm. Tuy nhiên, “cái áo không làm nên thầy tu”, dáng vẻ bên ngoài không đủ để nhận định giá trị con người.
Khác với những thế hệ trước, Gen Z ngày nay có lối sống thoáng hơn và đang dần bước ra khỏi những định kiến của xã hội. Giới trẻ yêu thích nghệ thuật xăm hình là vì nó mang tính thẩm mỹ, là vì nó chứa đựng những câu chuyện, là vì nó đánh dấu cho sự kết thúc hay đơn giản chỉ là thích thì xăm thế thôi. Hình xăm đã không còn quá xa lạ giữa cuộc sống hiện đại, từ hình xăm bé đến những hình xăm đen kín người với đủ thứ màu sắc khác nhau.
Sự phát triển của xã hội đã thúc đẩy nhu cầu hội nhập của giới trẻ hiện đại. Những năm trở lại đây, sự tham gia ngày càng nhiều của những khách hàng nhỏ tuổi khiến nghệ thuật xăm hình có những sự trở lại đầy mới mẻ với nhiều dáng hình khác nhau. Nó được giới trẻ nhận định là một hình thức trang trí mới của cơ thể chứ không còn là một vẻ ngoài hùng hổ của dân đàn anh đàn chị thể hiện sự thống lĩnh.
Những câu chuyện ẩn mình dưới vết mực đau đớn
Tại chương trình Rap Việt mùa đầu tiên, Trấn Thành đã nói một câu như thế này: “Người ta hay có định kiến về vẻ bề ngoài. Đâu có ai rảnh đi cầm bình mực in đầy lên cơ thể của mình đâu. Mỗi hình ảnh đều liên quan đến một câu chuyện trong đời người ta. Xăm đau không? Đau. Đau để nhớ. Người ta để ký ức tồn tại trên da thịt, để nhìn lại rằng, tôi đã từng trải qua những cột mốc trong cuộc đời như thế.” Chúng ta thấy đó, đôi khi người ta xăm hình không phải là vì nó đẹp, vì thấy thích mà đi xăm mà đằng sau mũi kim đau đớn là những câu chuyện không ai được biết đến.
Giây phút những mũi kim từ từ châm vào cơ thể, mực và máu hòa vào nhau chính là thời điểm những người chọn xăm hình đã bước sang một trang mới của cuộc đời. Bởi lẽ hình xăm luôn bị dè dặt bởi những định kiến của xã hội. Và cũng chẳng có ai muốn mình trở thành kẻ bị chỉ trích khi trên người mang đầy những hình xăm. Hình xăm là thứ gắn liền với chúng ta cả đời, một khi đã quyết định đi xăm thì có nghĩa rằng người ta có những điều không thể nói ra.
Xăm hình đơn giản là vì nó mang tính thẩm mỹ. Người ta có thể làm đẹp cho cơ thể nhờ trang phục, phụ kiện đi kèm và một số người còn xem hình xăm như một món đồ trang trí để làm đẹp cho vẻ bề ngoài. Ngày nay, người ta có thể chọn cho mình những hình xăm bé xíu ở nơi cổ tay, cổ chân để tạo điểm nhấn cho cơ thể.
Xăm hình để nhớ những điều không thể tìm lại được. Chúng ta hay thắc mắc về những hình xăm đầy những con số và hình thù quái dị. Và một điều chắc chắn rằng, chúng ta sẽ không bao giờ lý giải được sự tồn tại của nó mà chỉ có chủ nhân của nó mới biết được sự tồn tại đó. “Đây là con số tôi sẽ không bao giờ quên. Bởi vì, ngày hôm đó tôi đã vĩnh viễn không còn gặp cô ấy trên đời”.
Xăm hình là để ghi dấu những cột mốc quan trọng. Có những hình xăm nhỏ tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại mang “ẩn ý” rất lớn, trở thành “dấu ấn” vĩnh viễn trên cơ thể và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người. Tôi có một người chị, trên cổ tay chị có xăm hình dấu chấm phẩy. Chị bảo: “Dấu chấm phẩy đánh dấu vị trí tạm dừng trong câu, nhưng không phải là kết thúc. Hình xăm này nhắc nhở chi rằng: ngày hôm đó tưởng như chị phải dừng lại, nhưng chị đã lựa chọn tiếp tục để có được vị trí như ngày hôm nay”.
Xăm hình để tạo động lực. Khi cuộc sống gặp nhiều bế tắc, người ta đi xăm để tìm thêm cho mình động lực mà tiếp tục bước tiếp. Nó như một “lần đau” để vực dậy sự đứng lên của con người. Có một vài bạn trẻ khi muốn thay đổi để tốt hơn đã chọn xăm hình mặt trăng trên cơ thể. Bởi vì, mặt trăng tượng trưng cho sự khởi đầu mới, sức sống tái sinh và dẫn dắt ước mơ thành hiện thực.
Đôi khi người ta xăm hình không phải muốn chứng minh mình là dân chơi thứ thiệt, là dân đàn anh đàn chị mà người ta xăm hình vì muôn ngàn lý do khác nữa. Cho dù đó là lý do nào nó thì nó cũng đáng được trân trọng.
Hình xăm và những định kiến xã hội
Mặc dù ngày nay tư duy của thời đại đã đổi mới và có cái nhìn tích cực hơn về hình xăm. Thế nhưng vẫn còn có nhiều định kiến về những người xăm hình. Không chỉ là thế hệ những người lớn tuổi có cái nhìn không mấy thiện cảm về nghệ thuật xăm hình mà còn vài bạn trẻ chưa cởi mở về vấn đề này. Người ta nhìn vào hình xăm để đánh giá một con người. “Thằng này là dân giang hồ máu mặt, nhìn vào là biết không phải người đàng hoàng” hay “Con nhỏ này mới tí tuổi đầu mà bày đặt xăm mình”.
Cũng chẳng ai có thể trách được, bởi những định kiến này đã tồn tại lâu đời trong văn hóa của người Việt Nam. Nghiễm nhiên mà nói, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, một khi đã mang hình xăm là người khác đã dè dặt e ngại khi suy nghĩ. Thế nhưng để xóa bỏ những định kiến về hình xăm thì là một điều rất khó. Bởi lẽ, đó là một con đường dài mà chẳng ai biết được khoảng thời gian là bao lâu. Nhưng thế hệ Gen Z ngày nay đã có cái nhìn thoáng hơn về nghệ thuật xăm hình. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho một loại hình nghệ thuật mới giữa cuộc sống hiện đại.
Nguồn: TH&PL