Các kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 lên kế hoạch điều chỉnh hợp lý cho học sinh, thí sinh.
Một số trường đại học đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài trong vài năm gần đây, các trường đang tính những phương án nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh tham dự.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 hiện đã chốt thời gian tổ chức đợt 1 vào chủ nhật cuối cùng của tháng 3. Thời gian tổ chức đợt 2 kỳ thi này đang được lấy ý kiến rộng rãi để điều chỉnh phù hợp hơn, có thể vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 7 như các năm trước.
Một điểm mới thứ hai, kỳ thi này có thể được tổ chức ở nhiều địa phương hơn nhằm hạn chế việc học sinh, thí sinh phải di chuyển nhiều trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Ngoài 7 địa phương của năm trước đó (TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Đắk Lắk) kỳ thi này có thể diễn ra thêm một số địa phương khác.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dù chưa diễn ra trong năm 2021 do dịch Covid-19, nhưng dự kiến sẽ có nhiều điểm mới trong năm 2022. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết theo kế hoạch kỳ thi này có thể được tổ chức 3 - 4 đợt trong năm 2022 và đợt thi đầu tiên dự kiến diễn ra ngay tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo vị Phó hiệu trưởng này, TS có thể dự thi nhiều đợt trong năm và sử dụng kết quả lần thi tốt nhất để xét tuyển. Kết quả kỳ thi này cũng được bảo lưu trong thời gian 2 năm, TS lớp 11 cũng có thể dự thi nếu có nguyện vọng. Thêm một điểm mới khác là trường có thể sẽ tổ chức thêm điểm thi khác ngoài TP.HCM. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, điều này là cần thiết để hạn chế việc TS phải di chuyển xa. Bởi dù TS làm bài thi trên máy tính nhưng vẫn cần tập trung tại phòng máy ở địa điểm thi do trường tổ chức.
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến có nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có 1 phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong năm tới. Điểm xét tuyển phương thức này gồm điểm 1 môn TS tham dự kỳ thi năng lực (nhân hệ số 2) và điểm trung bình học bạ 6 học kỳ THPT của 2 môn khác (theo tổ hợp truyền thống). TS có thể lựa chọn đăng ký các môn riêng biệt do trường tổ chức gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, tiếng Anh.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cũng khẳng định bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức được giữ ổn định về cách thức và nội dung kiến thức. Theo đó, TS làm một bài thi duy nhất gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn trong thời gian 150 phút.
Bài thi này có cấu trúc 3 phần, mỗi phần kiểm tra những khối kiến thức cụ thể khác nhau. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ với 40 câu gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Phần 2 với 30 câu sẽ kiểm tra khả năng áp dụng kiến thức toán học, khả năng tư duy logic, diễn giải và so sánh phân tích số liệu của TS. Phần 3 giải quyết vấn đề gồm 50 câu hỏi, TS giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử) dựa trên những kiến thức giáo khoa cơ bản.
Nguồn: TH&PL