Rớt môn, thi lại - một đặc sản không thể thiếu thời sinh viên bạn đã "nếm qua" chưa?
Có ai lại mong mình rớt môn? Đôi khi vì những lý do hết sức buồn cười mà nhiều bạn sinh viên đã phải bỏ lại một đống tiền để học lại môn. Nhiều bạn bảo không đáng sợ như bị điểm liệt hồi cấp 3 nhưng cũng đủ để thấm đau cho "cái ví không còn đồng cắc" nào của mình.
Môn giáo dục thể chất: Tạch nhiều thứ 2 không môn nào chủ nhật!
Giáo dục thể chất là một thứ gì đó "rất gì và này nọ": "Năm ngoái chuẩn bị thi thì bị ốm phải đi viện nên là không thi được 2 môn: tiếng anh với thể chất, đến giờ thì vẫn chưa trả xong môn thể chất" – Ngô Việt Duy nói.
"Hí, thức xuyên đêm ôn bài, sáng dậy sớm ăn sáng đón bình minh và hít thật sâu để bắt đầu vào thi, thi xong còn ra bàn ê cái này dễ tao làm được hết bài, mấy hôm sau chễm chệ ly trà mở lên hệ thống báo rớt môn. À ừm" – chia sẻ của bạn Võ Kiều My.
Còn nhiều lí do khác nữa, vô lý nhưng rất thuyết phục. Từ trễ báo thức, vô tình quên lịch thi hay xui rủi giữa đường thủng lốp xe và 7749 tình cảnh "éo le" khác.
"Một pha rớt môn trời ơi đất hỡi từ vị trí ngu ngốc của một Gen Z nhớ nhớ quên quên này. Lag đến nỗi đọc giờ kiểm tra 8 giờ sáng thành 8 giờ tối. Chuyện là một ngày đẹp trời nhận được mail xếp lịch thi môn giáo dục thể chất, thời gian thi là 8 giờ ngày 24/10, ma xui quỷ khiến tui nhớ thành 8 giờ tối một cách rất vô tư. Thì đó, cái gì tới cũng tới, không thi nên rớt môn, học lại, 3 tín chứ nhiêu" - Kim Bình, một sinh viên năm 2 chia sẻ.
"Ngủ quên, vâng do ngủ quên, nên quên luôn thi kết thúc học phần. Ngủ không biết trời đất trăng sao gì, ngủ xuyên lục địa, xuyên ngày đêm, uống nhầm thuốc ngủ ha gì mà ngủ như lợn chết. Một lý do xứng đáng để rớt môn, nhưng mà nói chung cũng buồn. Rút kinh nghiệm phải cài 100 cái báo thức để không vấp phải cái lỗi ngu ngốc này nữa" - chia sẻ của ban Tuấn Anh, một sinh viên năm 2.
Vậy rớt môn là loại cảm giác như thế nào?
Mất tiền, tốn thời gian học lại, thời gian học lại thì bị trùng với lịch học chính, tuyệt đối không nên rớt môn – là những review chân thực nhất đến từ vị trí những "chuột bạch rớt môn" đi trước.
Chưa kể việc học lại còn ảnh hưởng đến tinh thần của mình rất nhiều: "Mất thời gian nữa, người ta ra trường đúng thời hạn kiếm được tiền trong khi mình còn lo chạy môn sấp mặt" – chia sẻ của bạn Kim Yến.
Người ta nói 4 năm đại học nhất định phải 1 lần lấy được học bổng, rớt 1 môn, yêu 1 người và chia tay 1 lần thì mới trọn vẹn. Nhưng việc rớt môn cũng không nên được bình thường hoá một cách dửng dưng đến vậy và đồng ý rằng có những tình huống bất ngờ không mong muốn khiến chúng ta rớt môn.
"Có một câu khiến tớ hơi khó chịu khi nghe đó là 'học đại học nhất định phải rớt môn một lần'. Để có kỉ niệm ư? Bạn nên biết rằng cái kỉ niệm đó sẽ lấy mất của bạn thời gian, công sức và tiền bạc không ít. Thời gian đó bạn dành để học thêm những kiến thức mới hoặc nghỉ ngơi chẳng tốt hơn sao.
Thay vì vậy hãy đặt mục tiêu "học đại học nhất định phải giành được học bổng khuyến khích học tập một lần". Thường thì tiền học bổng rất hậu hĩnh, như đại học của tớ học bổng loại giỏi có khi hơn tiền học phí cả triệu ấy" - chia sẻ của bạn Khuê Sa.
Đại học là một môi trường mở thử thách cách sống, học tập và làm việc độc lập như thế nào của mỗi sinh viên. Luôn có những cơ hội có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào cho nên hãy luôn nỗ lực và học tập chăm chỉ.
Đúng đại học nhàn vì ở đại học không ai ép các bạn phải đến lớp đúng giờ, đi học đầy đủ. Bạn có rớt môn hay bị điểm kém cũng chẳng ai biết. Nhưng tất cả điều đó chỉ đúng khi bạn không thật sự hứng thú với việc học, hay học cho đủ qua môn.
Nguồn: TH&PL