Những đề tài tiểu luận "ngon bổ rẻ" đến từ phía sinh viên các trường không làm chúng ta thất vọng.
Tiểu luận - hình thức kiểm tra không thể thiếu trong chặng đường 4 năm đại học cũng là nỗi ám ảnh của sinh viên vì biết bao nhiêu rắc rối liên quan đến nguồn tài liệu, kiểm tra đạo văn,... Nhưng đau đầu nhất vẫn là "vắt óc" suy nghĩ đề tài cho "công trình nhỏ" của mình. Tìm đâu xa khi những vấn đề thời sự luôn quanh ta và gần gũi hơn nữa là những câu chuyện xoay quanh giới trẻ, xoay quanh Gen Z.
Dù chỉ là những bài đăng "J4F" (nội dung chỉ mang tính chất giải trí) nhưng tên những đề tài này cũng một phần phản ánh cuộc sống "360 độ" của Gen Z, đưa đến những "tin tức", thực trạng "nóng hổi" nhất trong thế giới Gen Z.
"Gen Z lắm trò thứ 2 không ai dám nhận chủ nhật" - "Biết là những đề tài mang tính giải trí thôi nhưng mà nói thật, thầy cô cho làm những đề tài như thế này thề là chữ tuôn như thác đổ, ý cứ thế mà lia lịa ra giấy, ra word luôn. Như bấm dò đúng đài FM ấy, cứ thế mà nói thôi, riêng tôi, tôi thích mấy này lắm à" - chia sẻ của bạn sinh viên Tuấn Nghĩa.
Những đề tài tiểu luật rất sinh viên, rất thực tế và phản ánh rất rõ các yếu tố ảnh hưởng đến "chất lượng cuộc sống" đặc biệt của thế hệ Gen Z. Từ chuyện "học ăn, học gói, học nói, học mở" đến 7749 chuyện tâm linh, xin vía,...tất cả đều được tái hiện một cách hài hước thông qua những bài đăng giải trí đến từ chính sinh viên.
Lên đại học, việc làm tiểu luận phải nói là như cơm bữa, vì vậy các bạn học sinh sinh viên cần chuẩn bị cho mình những lưu ý cần thiết để hoàn thành tốt phần bài của mình.
"Chú ý đọc kĩ những yêu cầu về hình thức trong đề bài, trình bày mạch lạc, khoa học và chú ý kiểm tra lỗi chính tả thật kĩ nha mọi người. Mọi người có thể sử dụng phần mềm Google Docs để kiểm tra lại bài làm của mình nha. Một bài tập được trình bày đẹp, đúng chính tả và đúng yêu cầu sẽ tạo được thiện cảm cho các thầy cô, và điểm trình bày cũng là điều quan trọng lắm đó! Vì nhỡ gặp phải giảng viên khó tính thì toi đó các bạn.
Hầu hết đề tài thì chúng ta sẽ tự chọn. Với kinh nghiệm của Vi thì Vi khuyên bạn là hãy chọn những đề tài liên quan đến những bài học ở tầm giữa chương trình. Những bài đó thường các thầy cô sẽ dạy rất kỹ nên có làm thì cũng đỡ nhọc hơn.
Luôn luôn lên dàn ý trước nha các bạn. Dù minh mẫn tới đâu thì cũng cần phải có một chiếc sườn thật chắc để dựa vào đúng không nào . Vì bộ não của mình đôi khi nó cũng "láo toét" lắm. Cứ nghĩ là nhớ nhưng đến khi cần dùng đến thì lại quên béng đi. Việc lên dàn ý sẽ giúp bạn dễ hệ thống nội dung và có thể kích thích khả năng sáng tạo của bạn nữa đấy.
Đừng ngại xin ý kiến tư vấn của thầy cô nhé, vì họ chính là người chấm bài cho chúng mình. Tuy nhiên lưu ý là đừng làm xong bài rồi mới xin hoặc gần đến hạn mới xin ý kiến nhé. Bởi vì thứ nhất là nếu đã hoàn thành xong rồi, bài sẽ dài, các thầy cô không có thời gian để đọc kĩ đâu, hãy lên dàn bài cẩn thận, chi tiết rồi xin ý kiến tư vấn của thầy cô. Thường khi xin ý kiến, các thầy cô sẽ nhắc cho mình những ý quan trọng cần phải có trong bài và sách để tham khảo viết bài đó. Còn việc gần đến hạn mới xin thì rõ ràng rồi - không có thành ý gì hết".
Chia sẻ thêm về cách chú thích cho những tài liệu tham khảo Vi cho biết mình luôn trích dẫn đầy đủ nguồn tài liệu tham khảo ở cuối trang tạo cảm giác chuyên nghiệp hơn. Khi viết danh mục tài liệu tham khảo ở cuối cùng, Vi thường viết theo thứ tự là nguồn Việt Nam trước, xong đến nguồn nước ngoài, văn bản luật đến dưới luật, đến giáo trình, đến sách, đến tạp chí, báo điện tử, cuối cùng mới là các trang web.
Thứ tự viết nguồn tham khảo sẽ là: Tên tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản hoặc tên tạp chí, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang (có thể thì thêm dòng) trích dẫn. Cố gắng trích dẫn đầy đủ vào, bởi vì theo mình nhận thấy thầy cô sẽ đánh giá cao hơn cho sự đầu tư của mình.
"Đầu xuôi, đuôi lọt"- Các bạn cũng nghe câu này nhiều rồi mà đúng không? Nên có đầu, có đuôi, bố cục rõ ràng thì mới ăn điểm được. Ở phần mở đầu, bạn hãy nêu lí do chọn đề tài, tính cấp thiết của đề tài, dẫn dắt vấn đề và đưa ra cấu trúc bài tiểu luận.
Phần kết luận thì tóm lược những vấn đề bài viết trình bày và đừng quên gửi lời cảm ơn các thầy cô nhé! Câu quen thuộc cửa miệng là : "Do còn hạn chế về kiến thức chuyên môn nên bài làm của em còn nhiều thiếu sót. Kính mong nhận được sự góp ý của thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!"
Đó là một số kinh nghiệm xương máu làm trên dưới 70 cái tiểu luận từ năm nhất ngáo ngơ cho đến hiện tại của Thảo Vi, một sinh viên năm 2.
Nguồn: TH&PL