VĐV nhảy xa Nguyễn Tiến Trọng đã chia sẻ về những khó khăn, khắc nghiệt lúc tập luyện và đam mê thể thao sau khi nhận HCV SEA Games 31.
Thanh xuân dành hết cho thể thao
Để chuẩn bị cho kỳ SEA Games 31, Nguyễn Tiến Trọng đã kiên trì, nỗ lực tập luyện suốt 2 năm liền. Ngoài ra, anh cũng chi ra số tiền tích góp được trong thời gian dài để mua thực phẩm chức năng, bổ sung năng lượng và thể chất.
Nội dung liên quan
Thậm chí, Tết Nguyên đán mình cũng phải chấp nhận xa nhà để duy trì tập luyện. Nếu có về cũng chỉ là vài tiếng, quá lắm là 1 ngày rồi lại đi. Vì nhà khá xa, 100 km nên mình không dám đi lại liên tục.
Với việc tập luyện, chế độ tập được đẩy lên cao hơn giáo án nhiều, các bài tập khó hơn, độ nguy hiểm cũng cao hơn.
Mình đã mạnh dạn bỏ số tiền tích góp sau 2 năm tập luyện và thi đấu là 80 triệu đồng để bổ sung thực phẩm cao cấp, cung cấp dinh dưỡng và tăng cường thể lực, giúp chịu đựng được cường độ và hấp thụ bài tập tốt.
Mình xác định SEA Games 31 không phải là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, mà còn là danh dự của bản thân. Vì đây là giải đấu trên sân nhà, rất thiêng liêng và quan trọng. Thật sự chia sẻ, tiền thưởng từ SEA Games 31 là 45 triệu đồng, chưa đủ khoản mình bỏ ra đầu tư, nhưng mình chấp nhận. Mình làm được và mình đã thành công, mình rất tự hào.
Động lực lớn nhất giúp mình vượt qua là phía gia đình, bố mẹ cùng với người yêu - Phương Trinh - VĐV cầu mây. Họ luôn kề vai sát cánh, chăm sóc về công tác hậu cần và tinh thần rất lớn, giúp mình cảm thấy tiêu tan mệt mỏi, giảm căng thẳng và vơi bớt đi khổ cực, nỗi nhớ nhà, cố gắng chiến đấu hết mình.
Còn mình có biết chút nấu ăn, không có nhiều thời gian đi ăn ngoài nên mình thường tự tay vào bếp để làm những món ngon mà người yêu thích. Mình làm vậy để cảm ơn cũng như chiều lòng cô ấy, giúp cô ấy đỡ tủi thân và cảm nhận được sự yêu thương qua các món ăn.
Nội dung liên quan
"Người ta đưa bạn gái đi du lịch, còn mình cứ mãi... điền kinh"
Để bù đắp những thiệt thòi và đền đáp xứng đáng cho người yêu, Nguyễn Tiến Trọng quyết tâm tập luyện, bằng mọi giá phải lấy được tấm HCV để cầu hôn cô. Và sau đó, màn cầu hôn ngay dưới bục vinh quang của anh đã làm cõi mạng dậy sóng.
Bạn ấy đã chịu thiệt thòi quá lớn so với những người con gái khác. Tại sao cũng là con gái, người ta được bạn trai quan tâm, đưa đi ăn uống, xem phim, du lịch… Còn bạn ấy thì phải chăm sóc ngược lại cho mình, không được đi chơi hay hưởng điều mà mọi cô gái đang yêu được hưởng. Thật sự quá thiệt thòi.
Chính vì vậy, mình đã đưa ra quyết định tập không biết mệt mỏi, bằng mọi giá giành tấm HCV để có thể cầu hôn cô ấy, dành sự đặc biệt, thiêng liêng này cho cô gái của mình, để bù đắp một phần nhỏ nào đó mà cô ấy đáng được hưởng.
Lúc đó, đơn giản mình chỉ muốn dành món quà, điều thiêng liêng, tình cảm chân thành này tới Phương Trinh theo cách thật ý nghĩa mà cô ấy đáng được hưởng.
Nhiều bạn trẻ nhắn tin và mình được nghe nhiều lời tâm sự từ những người hâm mộ sau màn cầu hôn. Mình và Trinh rất vui, điều mình muốn cũng chỉ đơn giản là dành sự chân thành này tới cho người con gái mình yêu, bằng tấm chân tình.
Bạn gái nói nhỏ với mình rằng: "Em trân trọng điều đó, cảm ơn anh vì tất cả". Nhưng mình luôn muốn nói với Trinh: "Em xứng đáng được nhận hạnh phúc vì những thiệt thòi mà em đã chịu trong thời gian qua".
Bố mẹ ủng hộ hết mình để 2 đứa chủ động việc tình cảm và yêu nhau. Chỉ cần bọn mình chân thành và nghĩ về nhau thì phụ huynh 2 bên luôn theo dõi, ủng hộ và giúp đỡ hết mình khi cần thiết.
Hiện tại, bọn mình vẫn muốn cống hiến cho thể thao nước nhà. Khi hết thời đỉnh cao, mình sẽ lo việc gia đình, kinh tế cũng như xa hơn thì có lẽ là phải suy nghĩ nhiều.
Nội dung liên quan
Nghề VĐV "bạc", nhiều chấn thương, đồng lương ít ỏi
Tiến Trọng chia sẻ, nghề VĐV rất bạc vì tuổi đời ngắn, chấn thương nhiều nhưng đồng lương ít ỏi. Anh theo nghề chỉ đủ nuôi thân, thậm chí mẹ còn bảo: "Khi nào không còn đam mê nữa thì về mẹ nuôi".
Tuổi đời VĐV rất ngắn, đỉnh cao tới khoảng 27-28 tuổi thôi. Quá trình tập luyện, thi đấu cũng vất vả và gian nan khắc khổ, chỉ mong giành được vinh quang, cống hiến cho quê hương, đất nước .
Nghề VĐV bạc lắm. Vì thanh xuân dành cả cho thể thao, đội nắng đội mưa, đổ mồ hôi sôi nước mắt, có khi đổ cả máu, nguy hiểm cũng rất nhiều nhưng lương lại không cao. Mẹ mình nói, mẹ chấp nhận cho con theo không phải vì tiền, vì lương của con chỉ đủ nuôi con thôi, không giúp được cho gia đình. Nhưng mẹ vẫn chấp nhận vì đó là đam mê của con, và con cứ cháy với nó tới khi không còn muốn nữa thì về mẹ nuôi.
Nói vậy mọi người cũng hiểu thể thao bạc bẽo tới đâu rồi. Nhưng VĐV mà, họ vì đam mê, vì nhiều điều thiêng liêng nên chấp nhận. Hết tuổi đỉnh cao, họ về có hướng đi tốt hơn số ít người đam mê ở lại.
Khi thi đấu là dùng 100% sức, 200% ý chí, nên sau mỗi giải đấu quan trọng mình đều dính chấn thương. Nhẹ thì dập gót, không thì căng cơ, nặng thì rách cơ hoặc lật cổ chân. SEA Games 31 vừa qua mình cũng gặp chấn thương dập gót chân và viêm gân bánh chè. Nhưng sau cùng, mọi thứ đều xứng đáng khi đứng trên bục vinh quang, vượt qua bản thân và những cố gắng được khẳng định.
Về mục tiêu quốc tế, mình sẽ cố gắng tập luyện, chuẩn bị thật tốt cho Asian Games - Đại hội Thể thao Châu Á, mục tiêu 8m20 - 8m30, tranh tấm HCV vươn tầm châu lục.
Nguyễn Tiến Trọng sinh năm 1997, là VĐV nhảy xa của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Anh được mệnh danh là VĐV có thể hình đẹp nhất đội tuyển điền kinh Việt Nam khi cao 1m93.
Nguồn: TH&PL