Trong từng khoảnh khắc đầu xuân, những mong cầu đều được gửi gắm một cách tự nhiên nhất.
Tết Nguyên Đán là thời điểm các gia đình quây quần bên nhau, là họ hàng chúc Tết với những hồng bao chứa đầy tiền mừng tuổi và cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon.
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên Đán là một kỳ nghỉ kéo dài 15 ngày, tuỳ thuộc vào khu vực và phong tục tập quán ở từng địa phương mà mỗi nơi có một cách đón năm mới khác nhau. Nhưng dễ bắt gặp nhất là hình ảnh những chiếc đèn lồng từ ngõ ra đến phố, những câu đối đỏ tốt lành mà trước nhà nào cũng treo. Một màu đỏ tràn ngập sắc xuân, xua đuổi ma quỷ, mang đến may mắn và khởi đầu một năm mới suôn sẻ.
Trong dịp đầu xuân, cũng là bắt đầu một năm mới truyền thống, ông bà, cha mẹ gửi gắm những mong muốn vào những câu chúc, mong cho con cháu thuận lợi mọi điều. Có thể là thời gian quây quần bên mâm cơm Tất niên, trong khoảnh khắc đón Giao thừa hay chỉ là ngồi bên nhau xem chương trình xuân,…những mong cầu đều được gửi gắm một cách tự nhiên nhất.
Cho con quen thuộc dần với những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày Tết
Văn hóa chúc phúc - trao truyền tri thức không chỉ là văn hóa trong sách vở mà còn trong lời nói và tinh tế được thể hiện qua từng việc làm, hành động. Sau một năm bận rộn, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán tạo cơ hội cho các bậc cha mẹ có thể bỏ điện thoại di động xuống, cùng con học hỏi và sáng tạo qua các công việc như dọn dẹp và trang trí nhà cửa, cùng viết một câu đối đỏ, làm những món ăn ngon hay bày biện hoa Tết,…
Không chỉ riêng các bậc cha mẹ ở Trung Quốc mà các nước có phong tục đón Tết cổ truyền khác cũng vậy, ngoài để cùng nhau chơi và hoàn thành những công việc cuối năm, những công việc nhỏ như vậy khi khi cha mẹ làm cùng con cái sẽ giúp các thành viên gắn kết tình cảm, con cũng được quen thuộc dần, gìn giữ và xa hơn là phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương.
Những lời chúc tốt đẹp mà chúng ta gửi gắm cho nhau trong những ngày đầu năm hẳn là một truyền thống tốt đẹp. Biết ơn và chúc phúc - những lời cầu chúc cho năm mới cũng là điều mà nhiều bậc cha mẹ luôn dạy cho con trẻ: Kính trọng, lễ phép mừng thọ cho ông bà, chúc Tết và tỏ lòng biết ơn cha mẹ đã nuôi nấng, đi thưa về gửi, gọi dạ bảo vâng, hai tay nhận lì xì và cảm ơn cô dì chú bác,… Dạy con chúc Tết cũng là dạy con cách tiếp đãi và giáo dục con phép xã giao.
Gia đình là một điều thiêng liêng và không quá khi nói gia đình là trung tâm cuộc sống của mỗi người. Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ và tuổi thơ là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời. Những điều mà cha mẹ dạy ở lứa tuổi nhạy cảm này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến con trẻ sau này.
Dạy con quản lý tiền mừng tuổi
Ngày nay, với mức sống của con người ngày càng được nâng cao, những phong bao lì xì mà cha mẹ, người lớn tuổi tặng cho con cái ngày Tết có lẽ là "dày" hơn theo năm tháng. Nhiều bậc cha mẹ chủ động "giữ giúp" tiền lì xì để tránh con không cất giữ cẩn thận hay tiêu xài hoang phí nhưng nếu không nhận được sự đồng ý tự nguyện sẽ dễ khơi dậy tâm lý nổi loạn của các em.
Thay vào đó có thể dạy trẻ cách quản lý và sử dụng tiền lì xì đúng cách, từ đó trau dồi quan niệm về tiền bạc và quản lý tài chính cho trẻ. Cha mẹ có thể hướng dẫn con chia tiền Tết thành nhiều phần khác nhau, lập thời gian biểu, tiêu tiền đúng kế hoạch còn con sẽ quyết định cách phân phối các phần khác nhau: Tiền lì xì được chia làm "4 con heo đất".
"Heo đất yêu cầu"
Cha mẹ có thể hướng dẫn con cái sử dụng tiền lì xì của chính mình để mua cá loại văn phòng phẩm, tài liệu học tập,…Trên cơ sở đề xuất được trẻ đưa ra và chấp nhận, một phần tiền cũng sẽ được cân nhắc dùng làm học phí.
"Heo đất mục tiêu và ước mơ"
Ban đầu là những mục tiêu thấp, chẳng hạn như đồ chơi mà trẻ muốn. Sau đó là những mục tiêu lớn dần tỉ lệ với số tiền và số năm tích góp tiền lì xì chẳng hạn để tổ chức một chuyến du lịch gia đình, lấy địa điểm mà trẻ muốn đến là đích đến và trẻ sẽ sử dụng tiền lì xì làm chi phí cho chuyến đi của mình. Bằng cách này, trẻ không chỉ được chủ động sử dụng phong bao lì xì mà còn có được ý thức tiêu dùng.
"Heo đất tài khoản đầu tư"
Cha mẹ có thể giúp con đăng ký một tài khoản ngân hàng riêng đứng tên con. Bằng cách này, con có thể nhận ra rằng quản lý tài chính là một phần trong cuộc sống của chúng ngay từ khi còn nhỏ, giúp chúng hình thành ý thức trách nhiệm tài chính và hình thành thói quen tích lũy tài sản tốt, có lợi cho việc quản lý tài chính gia đình khi chúng trưởng thành.
"Heo đất lưu giữ tình yêu"
Cha mẹ có thể hướng dẫn con cái sử dụng tiền lì xì để làm một số việc từ thiện, chẳng hạn như quyên góp cho các vùng thiên tai và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cũng có thể giúp trẻ chọn quà biếu để bày tỏ lòng hiếu thảo và tình yêu thương đối với người lớn tuổi như ông bà, với bố mẹ và anh chị em.
Nguồn: TH&PL