Sự phát triển du lịch tự phát khiến Sa Pa trở thành… "một công trường thu nhỏ" thay vì những gì thuộc về tự nhiên như trước đây.
"Mọi người không biết Sapa ngày trước đẹp như thế nào đâu, nhưng bây giờ mình không muốn du khách đến rồi đi với sự thất vọng", đó là lời tâm sự của Trương Công Đắc - một người trẻ làm du lịch tại Sapa và nhận ra sự thay đổi khắc nghiệt của một địa điểm du lịch từng nằm trong top 7 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh do Tạp chí National Geographic của Mỹ bình chọn.
Nhắc đến Sapa, người ta thường hình dung đến vùng đất phủ sương quanh năm, những cung đường đi bộ qua ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, hay những ngọn đồi thoai thoải nằm sâu trong thung lũng Mường Hoa. Tuy nhiên, "thất vọng" là từ mà nhiều người thường dùng để nói về Sapa trong những năm gần đây. Sự phát triển du lịch tự phát khiến vùng đất trong mơ này trở thành… một công trường thu nhỏ thay vì những gì thuộc về tự nhiên.
Đó cũng là niềm trăn trở của những người trẻ làm du lịch tại Sapa như Công Đắc, không thể ngồi yên nhìn Sapa "xi măng hóa" theo thời gian. Anh đang góp phần định hướng lại du lịch nơi đây trở thành trải nghiệm văn hóa bản địa, khám phá tự nhiên thay vì nơi du lịch nghỉ dưỡng với những homestay và công trình mọc lên như nấm. Đồng thời, Công Đắc cũng muốn tạo dựng lại lòng tin của khách du lịch sau những review "thổi phồng" về Sapa suốt một khoảng thời gian dài.
Sapa bây giờ bụi mờ còn nhiều hơn cả sương mù
Trương Công Đắc, hiện đang là một reviewer, hướng dẫn viên, bạn đồng hành và là admin của group Vivu Sapa trên nền tảng Facebook. Là một trong rất nhiều người làm du lịch tại đây, nhưng thay vì câu khách và sử dụng những chiêu trò thổi phồng về Sapa, Công Đắc lại hướng khách hàng đến những gì "chân thật" thậm chí là "phũ phàng" nhất về vùng đất trứ danh này.
"Mình không muốn du khách mang quá nhiều hy vọng về Sapa rồi đến và đi bằng nỗi thất vọng. Sapa đẹp hay không là do cảm nhận của mỗi người, chứ không phải là những lờ review có cánh", Công Đắc nói.
Đồng hành cùng Sapa trong một khoảng thời gian dài, Công Đắc tự nhìn nhận nơi đây như một "công trường thu nhỏ", đâu đâu cũng thấy công trình mọc lên làm che mất những cảnh quan vốn có. "Không biết tương lai Sapa sẽ được đắp xi măng lên đến mức nào nữa, nhưng hiện tại mình cảm thấy Sapa chỗ nào cũng bụi mù…", Công Đắc chia sẻ.
Có lẽ, khi nhìn vào số lượng du khách đổ về Sapa, người ta sẽ xem đó là một phần của thành công. Nhưng sự thật phũ phàng rằng thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề bởi bàn tay của con người. Sự tàn phá càng trở nên nặng nề giữa mùa dịch khi các cơ sở thay nhau đổi chủ quản, dẫn đến tình trạng đi đâu cũng thấy xe tải chở nguyên vật liệu.
"Sự thật là ở trên đây toàn người Kinh làm dịch vụ chứ có mấy người dân bản làm đâu, mỗi người một tư duy một cái nhìn khác nhau xây dựng lên những công trình theo ý mình, thật sự mà nói khiến Sapa ngày càng xấu đi…", Công Đắc chia sẻ.
Những khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng hỗn tạp không theo nguyên tắc chung nào. Sapa và các địa điểm du lịch tự nhiên đang cùng lúc phải dung nạp vào quá nhiều công trình kiến trúc nhân tạo, cứa vào da thịt núi rừng khiến chính bản thân những người làm du lịch như Công Đắc cũng phải trầm lặng nhìn Sapa "thay áo".
Sapa không nói dối, chỉ là…
"Du lịch Sapa phát triển nhưng chưa chắc đời sống người dân đã phát triển đâu. Mình không nghĩ đó là một đánh đổi đáng, trong khi đó bản sắc, văn hóa của vùng đất này đã là một yếu tố tuyệt vời để người dân phát triển cả kinh tế lẫn văn hóa của mình, nhưng nó đã bị các cơ sở làm du lịch 'chiếm lấy' và thương mại hóa đến mức 'nghẹt thở' đến người dân bản địa cũng không rõ chuyện gì đang xảy ra…", Công Đắc thẳng thắn chia sẻ.
Công Đắc còn khẳng định, đa số người dân bản địa ở đây chưa biết cách làm du lịch, đời sống của họ vẫn còn khó khăn với hàng loạt những hình ảnh phổ biến như việc mẹ bế con, cho con đi bán đồ xin tiền hay làm lụng công việc vất vả để kiếm tiền.
"Có những hoàn cảnh khiến người ta thắt tim lại. Trời mưa lạnh cắt da cắt thịt có những bé chân không giày dép, đầu không mũ đi bán móc đeo chìa khóa rồi xin tiền khách du lịch, đêm đến co ro không một tấm bìa kê để ngủ nằm luôn ra đất mặc mưa nắng…", Công Đắc tâm sự về một phần mặt trái của đời sống người dân vẫn "giậm chân tại chỗ khi du lịch tại Sapa phát triển.
Đồng thời, anh cũng thẳng thắn nói về thực trạng du lịch tại Sapa bị thổi phồng để kinh doanh bán hàng trong thời gian qua. Đặc biệt là lúc rộ lên tin tuyết rơi ở Fansipan vào cuối năm 2021. Công Đắc khẳng định thời điểm đó đúng là có tuyết rơi nhưng chỉ rơi trong khoảng thời gian ngắn chỉ hai ba tiếng nhưng các cơ sở du lịch lại đua nhau đăng ảnh năm trước tuyết rơi trắng phủ Sapa để bán tour "đánh lừa" khách du lịch.
"Trong đêm đó có mưa rào làm trôi hết cả lớp tuyết mỏng. Những anh chị đặt lịch hôm đó đúng là chỉ đi ngắm sương mù thôi chứ làm gì có tuyết. Mọi người cũng đừng nên quá cả tin vào những nick ảo các công ty du lịch và những thông tin không chính thống", Công Đắc nói.
Để tạo dựng niềm tin của khách du lịch về Sapa, Công Đắc đã lập nên group "Vivu Sapa" để mọi người có thể tham khảo về thời tiết Sapa hiện tại và mấy ngày sau như thế nào, cũng như các kinh nghiệm khi đi du lịch Sapa để tránh bị tình trạng chặt chém giá hoặc bị dẫn dụ bởi những lời review "có cánh".
"Có thể nói xu hướng du lịch ngày nay của các bạn trẻ là 'bỏ phố về quê', hay các du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng ưa chuộng nhiều hơn mô hình trải nghiệm thực tế đời sống văn hóa người dân như cuốc đất bắt cá, leo núi, trồng cây,... Mình mong mọi người đến du lịch Sapa hãy 'tỉnh táo' thay vì vào những khách sạn 3 sao tự phong rồi bị 'dẫn dụ' đến mức không dám quay lại Sapa lần nữa", Công Đắc tâm sự.
Làm thế nào để du khách ở lại Sapa lâu hơn thay vì thất vọng và rời đi sớm? Đó là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý, chủ đầu tư, những người làm du lịch và cả những người dân vốn đang từng ngày sống nhờ vào du lịch để Sapa có thể "đi nhanh" và "đi xa" hơn nữa.
Nguồn: TH&PL