Mang sức trẻ và tư duy tiến bộ lên vùng núi nghèo Yên Bái, chàng phóng viên Cao Tuấn Ninh đang trên hành trình "gieo mầm" một cơ hội "đổi đời" cho người dân nơi đây.
Người trẻ bỏ phố lên núi đã không còn là câu chuyện mới mẻ trong thời gian gần đây. Nhưng thay vì "trốn chạy thực tại" như xu hướng chung, chàng phóng viên Cao Tuấn Ninh lại lên núi để gầy dựng nên một "thực tại" khác: giấc mơ muốn vực dậy cả một cồng động.
Cao Tuấn Ninh (25 tuổi, TP. Yên Bái) cựu phóng viên điều tra của Báo Đời sống và pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam. Thậm chí trong những khoảng thời gian còn là sinh viên, chàng trai này còn có cơ hội làm việc trong Đài truyền hình Việt Nam. Dù có một cuộc sống đáng mơ ước tại Hà thành với nhà cửa, xe cộ đủ đầy,... nhưng Tuấn Ninh sẵn sàng bỏ lại tất cả công việc, tiền đồ để lên vùng núi nghèo Yên Bái - "đỉnh núi mờ sương" thuộc vùng 135 của chính phủ.
*Chương trình 135 là một chương trình giảm nghèo lớn và quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước, nhằm hỗ trợ hiệu quả đối với việc phát triển KT-XH tại các vùng đặc biệt khó khăn, tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới.
Từ chàng phượt thủ đến phóng viên điều tra và giờ là một "ân nhân" nơi vùng núi
Tuấn Ninh cho biết anh từng tốt nghiệp cử nhân ngành Báo chí truyền hình và ngành Luật Đại học Mở Hà Nội. Từ những năm hai đại học anh đã may mắn có cơ hội thực tập tại VTV3 và tham gia sản xuất chương trình Điều Ước Thứ 7, Cà Phê Sáng,... và cộng tác cho nhiều tờ báo khác nhau.
Sau 1 năm, anh trở thành phóng viên điều tra của Báo Đời sống và pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam ở mảng điều tra viên với nhiều vụ phá án ma túy, trực tiếp tham gia tại nhiều tòa xét xử vụ án và đã tìm ra rất nhiều công bằng cho người dân với công việc của mình. Từng bước lên vị trí vững chắc tại báo Pháp luật nhưng rồi Tuấn Ninh quyết định dừng lại vì một số lý do cá nhân.
"Mình cũng không muốn làm môi trường nhà nước nữa mà muốn thử sức mình ở một môi trường khác mới" - Tuấn Ninh nói.
Chính công việc phóng viên là cơ hội để Tuấn Ninh được đi nhiều nơi và trải nghiệm văn hoá, con người ở từng vùng miền. Năm 19 tuổi, Tuấn Ninh từng được nhiều người biết đến khi đi phượt khắp Việt Nam chỉ với 4,5 triệu bằng xe máy.
Chia sẻ với , chàng phượt thủ tiết lộ: "Mình rất yêu du lịch và đam mê xê dịch. Đó là lý do vì sao 19 tuổi mình lại đi hết các tỉnh thành Việt Nam bằng xe máy. 22 tuổi thì mình đi đến 10 quốc gia khác nhau từ những đồng tiền mà mình kiếm được. Kiếm bao nhiêu tiền mình dành để đi du lịch hết. Mình rất thích đi lại, và không chịu ở yên nhưng bằng một cơ duyên nào đấy mà mình lại về bản và ở lâu đến như vậy".
"Cảm tình" dành cho đỉnh núi mờ sương - nơi nghèo nhất Việt Nam
Đã 212 ngày lên núi, Tuấn Ninh nói anh đã đếm từng ngày và trân trọng từng khoảng thời gian được sống và tận hưởng sự bình yên của đỉnh núi cheo leo này. Đó là vùng quê nghèo Yên Bái ở độ cao 1.300 mét với 98% là người đồng bào H'Mông.
"Tỉnh Yên Bái là một tỉnh nghèo của Việt Nam và đỉnh núi mà mình đang ở lại thuộc vùng 135 của chính phủ, nơi nghèo nhất Yên Bái và cũng là nơi nghèo nhất cả nước. Đó là lý do mình quyết định bỏ lại tất cả để lên đây giúp đỡ người dân thoát nghèo" - Tuấn Ninh nói.
Với đôi chân cuồng đi, chàng phượt thủ Tuấn Ninh cho biết quyết định lên núi là để trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn. Anh đã cùng người bạn của mình là kiến trúc sư Đào Đức Hiếu đã lên nhiều kế hoạch phát triển mô hình tạo sinh kế bền vững cho bà con người dân tộc thiểu số.
Nơi anh ở là vùng núi Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Anh cho biết đây tuy là vùng núi nghèo nhưng lại giàu có về tài nguyên. Đặc biệt là tài nguyên về cây trà cổ thụ, những cây trà cổ thụ trên 300 năm tuổi ở đây đã được xếp vào 1 trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới.
Tuấn Ninh cho biết ở các khu vực trà trung du như Bảo Lộc, Lâm Đồng hay Thái Nguyên thì chỉ cần 20 ngày sẽ thu hoạch được một lần nhưng trà ở vùng trà Shan tuyết cổ thụ 1 năm chỉ có 3 vụ. "Với những cây đã 300 - 400 tuổi rồi thì sản lượng cũng rất hạn chế nên giá thành của nó đáng lẽ phải cao hơn thế nhưng để xuất khẩu tự nhiên sang Trung Quốc lại phí quá" - Tuấn Ninh tiếc nuối.
Chính vì thế, anh muốn gây dựng lại nghề trà này để tìm cho nó một chỗ đứng, thương hiệu riêng, và để bà con cũng có được một nguồn thu nhập cao hơn thay vì cứ bán nguyên liệu của mình sang các nước.
Ngoài ra, ở đây còn có tài nguyên đá bán quý, nguồn nước dồi dào, rừng nguyên sinh và khí hậu sạch. Đó là tất cả những gì mà đỉnh núi này có được và Tuấn Ninh cùng rất nhiều người trẻ quyết định lên đây tìm cách tận dụng những nguồn tài nguyên quý giá này kết hợp để giúp đỡ người dân "vực dậy".
Sẽ còn tiếp tục hành trình cho đến khi đời sống người dân "khấm khá" hơn
Trong mùa dịch vừa qua, anh cùng những người bạn xây dựng một khu du lịch đặc biệt. Hàng ngày có 50-60 công nhân là người dân bản địa, giúp họ có thêm thu nhập lên đến 10 triệu/ tháng. Bên cạnh đó, anh cùng các bạn trẻ còn khôi phục làng nghề thổ cẩm để bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân và khôi phục làng nghề rèn để vừa phát triển du lịch, vừa giúp người dân có thể sản xuất ngành công nghiệp của họ như ngày xưa.
"Mình và những người bạn cũng đã từng xây dựng một lớp học sẻ chia trên bản, lớp học này xây dựng miễn phí cho trẻ em vùng cao và dạy 3 thứ bao gồm: Tiếng Anh, kỹ năng sống và dạy nghề làm trà. Lớp học được mở ra với hai thông điệp: 'Người học cũng được học và người dạy cũng được học' và 'người học miễn phí, người dạy không nhận lương" - Tuấn Ninh chia sẻ.
Nói về việc dạy nghề làm trà cho trẻ em, anh cho biết vì mong muốn trẻ em tại đây sẽ được giáo dục và dạy nghề trà đặc trưng của quê hương ngay từ khi còn nhỏ. Các bạn sẽ tự biết cách làm trà, trồng trà và có sự hiểu biết nhất định về trà để có thể góp phần phát triển vùng trà Shan tuyết cổ thụ này trong tương lai.
Hiện tại Tuấn Ninh và "đồng đội" đang thực hiện dự án xây dựng mô hình mới là homestay Giàng House và đang trong quá trình kêu gọi đầu tư với mục đích giúp cho bà con có thể phát triển sinh kế bền vững. Anh cho biết hàng năm, Yên Bái đã xây dựng rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho người nghèo, nhưng nhà tình nghĩa cũng chỉ dừng lại ở hai từ "tình nghĩa" mà không thể tạo ra sinh kế cho bà con một cách lâu dài.
"Thay vì cho bà con một con cá thì mình cho họ cái cần câu để họ tự câu cá mà duy trì cuộc sống của mình một cách bền vững hơn" - anh nói.
Tuấn Ninh cho biết mình vẫn còn giữ đam mê làm nghề báo và sẽ trở lại công việc này khi có cơ hội. Còn hiện tại: "Mình cứ làm tốt ngày hôm nay vì kết quả ngày mai và nỗ lực từng ngày thôi. Với mình hạnh phúc không phải đích đến mà là một quá trình. Cơ duyên cuộc sống của mình chuyển sang hướng nào thì mình cứ làm tốt cái hướng đó. Cho đi và không nhận lại ở phía sau, dù có đi lên núi và đi bất cứ đâu thì mình vẫn cho giúp đỡ mọi người".
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL