Thời điểm Hãng phim truyện dừng hoạt động, người lao động rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi bị cắt lương và tiền bảo hiểm xã hội.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhà quay phim Nguyễn Việt Hùng vẫn không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi về nơi anh từng công tác - Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 phố Thụy Khê, Hà Nội), nơi từng quy tụ hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân làm việc, sản xuất hàng chục phim mỗi năm nhưng hiện nay lại vắng bóng với quân số chỉ còn hơn 20 người bám trụ.
Từng đồng hành cùng nhau nhưng giờ đây, anh Hùng cay đắng nhìn nhiều đồng nghiệp phải vất vả mưu sinh để trang trải cuộc sống hằng ngày. Anh và một số đồng nghiệp có chuyên môn khác may mắn có thể kiếm việc làm ngoài đúng sở trường, nhưng nhiều người phải chuyển sang mở quán bia vỉa hè, bán hàng online, thậm chí chạy xe ôm công nghệ như Grab, Be để kiếm sống.
Cũng như các anh chị em nghệ sĩ khác của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa, biên kịch Tống Phương Dung phải chuyển sang công việc bán hàng online, kết hợp viết kịch bản cho các đơn vị làm phim bên ngoài từ 6-7 năm nay vì không có thu nhập từ Hãng phim truyện Việt Nam.
Chị Dung cho biết trước đây, những người tốt nghiệp loại giỏi mới được xét tuyển vào làm việc. Nhưng đến nay, nhiều người không có việc làm dù vừa là người lao động, vừa là cổ đông.
Đạo diễn Anh Tuấn, người đã có nhiều năm đóng góp tại Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ thêm trước đây, người lao động tại hãng phim rất đông nhưng sau đó bị cắt giảm toàn bộ, chỉ giữ lại tầm 10 người được đóng lương và bảo hiểm xã hội đầy đủ để duy trì bộ máy.
Những người trong danh sách cắt giảm gần như không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Thời điểm đó, đời sống của các nghệ sĩ, nhà làm phim, cán bộ nhân viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải trang trải bằng đủ mọi nghề và làm việc như những lao động tự do.
"Giờ đây, gác lại nỗi buồn không được làm việc đúng chuyên môn và đam mê, thì mong muốn lớn nhất của tập thể nghệ sĩ, cán bộ công, nhân viên là sớm thoát ra tình trạng này, được đóng nối BHXH và được trả tiền lương để đảm bảo quyền lợi hợp pháp.
Tập thể nghệ sĩ, cán bộ công, nhân viên vẫn không ngừng hy vọng, dẫu biết có xa vời, rằng các cơ quan thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại còn vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam, giành lại công bằng cho người lao động đã chịu thiệt thòi nhiều năm qua", đạo diễn Anh Tuấn kỳ vọng.
Hãng phim truyện Việt Nam, tiền thân là Doanh nghiệp quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, thành lập ngày 15.3.1953. Đến năm 1959, Hãng Phim truyện Việt Nam chính thức ra đời, đặt trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Nơi đây được coi là "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh cách mạng với nhiều bộ phim giành được các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, ghi dấu với nhiều tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt, và cũng từng là địa chỉ gắn bó một thời với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh...
Năm 2015, Hãng được cổ phần hóa, với nhà đầu tư mới là Tổng công ty Vận tải thủy - VIVASO. Đến nay, tuy đã gần 8 năm nhưng quá trình cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa hoàn tất và xảy ra nhiều lùm xùm. Từ năm 2017, các nghệ sĩ, nhà làm phim, cán bộ nhân viên hãng phim đã nhiều lần làm đơn kêu cứu xung quanh việc không có việc làm, bị cắt lương, cắt bảo hiểm, v.v.. Tập thể người lao động ai cũng đều đau xót trước nguy cơ xóa sổ hãng phim có ý nghĩa về mặt lịch sử.
Nguồn: TH&PL