Có người lên sân khấu từ 18 ngày tuổi và người khác nhận cát-xê 2 cây vàng khi ở thời đỉnh cao.
NSND Ngọc Giàu và cát-xê 2 cây vàng
Trong chương trình Sau Ánh Hào Quang, NSND Ngọc Giàu từng chút một kể lại thời trẻ của mình, khi 13-14 tuổi đã làm đào chánh. Là cái tên gạo cội của làng cải lương Việt Nam, nữ nghệ sĩ đã bắt đầu đi hát từ năm 10 tuổi.
"Mình đi làm kiếm tiền mà, người ta ganh tị chứ nhưng lúc đó tôi không biết. Hồi xưa không phải nổi tiếng nhờ đi hát mà là thu đĩa. Ngọc Giàu chỉ ca 1-2 bài là nổi tiếng" - nữ nghệ sĩ kể.
Một năm sau đó, bà trúng được hợp đồng thu âm trị giá 50.000 đồng - tương đương 2 cây vàng (lúc đó chỉ 1.500 đồng/lượng) cho ca khúc Áo Tình Đắp Mộ Người Yêu. Nhận được số tiền lớn, bà gửi về cho ba mẹ xây nhà.
Năm 1960, NSND Ngọc Giàu đạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm, từ đây danh tiếng cô đào 16 tuổi lên như diều gặp gió.
Chia sẻ thêm về thời đi hát cải lương khắp các sân khấu, NSND Ngọc Giàu nói ngày đó, mọi người thương nhau, dù có ghét thì đến lúc mở màn vẫn sẽ cùng khóc cùng cười như một gia đình.
"Hồi đó nghệ sĩ đi hát có thuê phòng ngủ được đâu, làm gì có tiền. Mọi người cứ ở trong sân khấu đó rồi trải chỗ này chỗ kia mà ngủ" - bà kể.
Trải qua 62 năm theo nghề, bà cảm thấy showbiz bây giờ ghê quá. Thậm chí có lúc, NSND Ngọc Giàu nghe người khác kêu đừng giao vai chính cho bà vì "bị lẫn rồi".
NSND Kim Cương lên sân khấu từ khi "không có tuổi"
NSND Kim Cương cho biết, cô xuất thân từ cải lương và được gọi bằng cái danh "kỳ nữ". Nữ nghệ sĩ luôn nhớ lời má dạy, rằng hát không phải cái nghề mà là đạo.
Nội dung liên quan
"Đạo dạy người ta làm nghề, làm sao mà khán giả đi coi tác phẩm của mình mà người ta sống tốt hơn, làm cho cuộc đời đẹp hơn.
Tôi theo truyền thống của gia đình, hát để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của mình đồng thời mang nó đi phục vụ cho xã hội, làm cho xã hội tốt hơn. Cái lương có cái hấp dẫn riêng của cải lương nhưng đi vô sâu trong xã hội, kịch nói đi nhanh hơn" - cô nói.
Chia sẻ trong Gõ Cửa Thăm Nhà, NSND Kim Cương nói rằng cô không có tuổi khi lên sân khấu lần đầu. "18 ngày tuổi, tôi đã lên sân khấu rồi, diễn vai con của Thị Màu mang đi trả cho Thị Kính. Người ta ra sân khấu có đạo cụ, còn đạo cụ của tôi lúc đó là bình sữa" - nữ nghệ sĩ kể.
Vở diễn giúp tên tuổi NSND Kim Cương đi sâu vào lòng khán giả là Lá Sầu Riêng, và đây cũng là vở diễn đóng vai trò một phần trong cuộc đời cô.
"Tôi nghiên cứu mãi vì sao vở diễn này lại đi vào lòng quần chúng nhiều. Thứ nhất là nó đề cao tình mẹ con, thứ hai - một yếu tố không thể bỏ qua đó là diễn xuất của má Nam và chị.
2 mẹ con ngoài đời diễn đau khổ trên sân khấu nên không còn là diễn nữa. Vì vậy, Lá Sầu Riêng đã đi vào lòng công chúng, thậm chí có những người thuộc từng câu thoại. Lần đó, tôi sang Pháp và gặp một khán giả người Việt. Biết tôi là Kim Cương, cô ấy ôm tôi khóc" - NSND Kim Cương kể.
Nghệ sĩ Bảo Trí từng nhận 15 show diễn/đêm
Trong chương trình Gia Đình Nghệ Sĩ, nghệ sĩ hài Bảo Trí gây xúc động về tuổi thơ chật vật, đau xót của mình và em gái khi sống với mẹ kế. Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ cũng chia sẻ về thời hoàng kim của mình khi có lúc, anh nhận 15 show diễn/đêm.
Bén duyên với nghệ thuật từ bộ môn cải lương, Bảo Tri bôn ba ở nhiều gánh hát khác nhau. Từng muốn bỏ nghề nhưng nam nghệ sĩ vẫn cố gắng và từng bước gây dựng thành công tên tuổi của mình ở 3 lĩnh vực là cải lương, hài kịch và phim ảnh.
Những năm 1990, có lúc nghệ sĩ Bảo Trí nhận 15 show diễn/đêm nhưng lại không đủ sức để chạy. Lập nhóm với đồng nghiệp nhưng Bảo Trí thừa nhận đôi khi mọi người nhận show đại trà, không để ý kỹ nên rơi vào tình cảnh có show cách nhau 10 phút.
Vì lỡ nhận, cả nhóm phải cật lực chạy bởi nếu không như thế sẽ mất show về sau. Thành ra có những đêm, Bảo Trí và nhóm của mình diễn được 8-9 suất. Nhưng phải đến năm 2016, nhờ vai diễn trong Hồn Ma Báo Oán, Bảo Trí mới có chiếc Huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của mình ở Liên hoan sân khấu kịch.
Nguồn: TH&PL