Giữa trung tâm thành phố từ ban sơ cho đến khi mọc lên những toà nhà cao tầng sầm uất chốn Sài thành hoa lệ, có một khu Chợ Cũ vẫn ảm đạm ngắm nhìn sự chuyển mình của thành phố suốt nhiều thế kỷ trôi qua.
Vào cuối năm 2021, UBND TP.HCM vừa ra báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động chợ Tôn Thất Đạm, dự kiến vào quý II năm 2022. Thông báo này khiến không ít tiểu thương gắn bó cả chục năm trời, thậm chí có những tiểu thương gắn bó nhiều đời buồn bã, những người khách quen thì đầy tiếc nuối.
"Nhân chứng" lịch sử tồn tài hàng trăm năm
Chợ Tôn Thất Đạm vẫn thường được người ta gọi với cái tên là "Chợ Nhà Giàu", "Chợ Cũ". Chợ hoạt động từ sáng cho đến khuya giữa lòng lề đường Tôn Thất Đạm khúc giao với đường Hàm Nghi và kéo dài đến đường Huỳnh Thúc Kháng (phường bến Nghé, Quận 1).
Qua bao nhiêu thăng trầm, sóng gió của thời gian, Chợ Cũ vẫn luôn âm thầm chứng kiến sự chuyển mình của thành phố suốt hàng trăm năm qua, từ khi đất nước còn chiến tranh cho đến khi đã hoà bình và phát triển. Giờ đây, khi những toà nhà cao tầng chen chúc mọc lên như nấm, ô tô xe máy đi lại náo nhiệt, Chợ Cũ vẫn ở đây, vẫn mang trên mình những vết tích của thời gian.
Nội dung liên quan
Theo một số tài liệu cũ về Sài Gòn, một số tác giả đả thông tin Chợ Cũ ngày ấy nằm tại trung tâm vận chuyển đường thủy qua kênh rạch ở thế kỷ 18. Xung quanh Chợ Cũ tập trung nhiều cơ sở buôn bán của người Hoa, người Việt và người Ấn. Sau năm 1910, kênh rạch trong thành phố bị lấp dần, vai trò của Chợ Cũ trong nền kinh tế cũng bị giảm sút theo, mãi cho đến khi có Chợ Mới (chợ Bến Thành ngày nay) vào năm 1914, hoạt động kinh tế của khu chợ mới ổn định trở lại.
Được biết, tầm 30 năm về trước, đây là khoảng thời gian hưng thịnh của khu chợ này. Nơi đây là địa chỉ quen thuộc của giới thượng lưu Sài Gòn lúc bấy giờ. Mọi người thường ra đây để tìm mua những mặt hàng hiếm, những món đồ ngoại đắt đỏ. Có lẽ vì vậy mà nó còn có tên gọi khác là "Chợ Nhà Giàu".
Có một Sài Gòn rất xưa...
Mang danh là khu chợ nằm ở quận 1, nhưng Chợ Cũ lại khoác lên mình một vẻ ngoài rất đỗi bình thường như bao khu chợ khác trong địa bàn thành phố. Ki-ốt của các tiểu thương được thiết kế thành những khối hộp hình vuông đơn giản, cùng với cách bày trí cửa hàng theo lối xưa cũ làm cho mỗi lần ghé qua đây du khách lại có một cảm giác rất hoài niệm.
"Bình cũ rượu mới".
Tuy thân xác là chợ cũ nhưng linh hồn ở đây lại không hề cũ. Những tiểu thương nơi đây vẫn luôn thay đổi, cập nhật những mặt hàng mới theo kịp xu hướng nhất, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhờ thế mà có rất nhiều người trẻ thường xuyên chọn chợ Tôn Thất Đạm là một địa điểm lý tưởng để mua sắm, ăn uống.
Rồi một ngày, "Chợ Cũ" chỉ còn là kỷ niệm
Đáng buồn, chợ Tôn Thất Đạm tiền thân là một khu chợ tự phát, không đúng theo quy định, không được UBND TP. HCM quyết định công nhận, nên nó nằm trong kế hoạch giải toả để trả lại lòng lề đường cho các phương tiện thuận tiện di chuyển.
Phải chăng, đã đến lúc một "huyền thoại" phải "nghỉ ngơi", khép lại ký ức của một thời vang bóng? Một thời thanh xuân gắn liền với biết bao thế hệ.
Dẫu biết bất kể thứ gì tồn tại trên đời cũng phải theo quy luật vận hành của thời gian, cái cũ phải ra đi để nhường chỗ cho cái mới phát triển. Chợ Cũ cũng không ngoại lệ, nhưng khi nghĩ đến ngày chợ dừng hoạt động, trong lòng chúng ta lại có gì đó nghẹn lại. Có lẽ đã đến lúc khu chợ này phải nói lời tạm biệt, tạm biệt những người tiểu thương gắn bó hàng chục năm với mình, tạm biệt những người khách quen thường xuyên lui tới, tạm biệt những du khách đã dành tình cảm đến sự cũ kỹ, hoài niệm này.
Nguồn: TH&PL