Đại học hay học đại? Những băn khoăn khi chọn ngành, chọn trường của học sinh cuối cấp.
Đến mùa thi, thời gian điền nguyện vọng, những suy xét đắn đo khi chọn lớp, chọn trường luôn là điều canh cánh của mỗi bạn học sinh cuối cấp. Nên chọn trường mình thích hay trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình?
Một câu hỏi tưởng dễ nhưng lại khó để trả lời vì hoàn cảnh của mỗi gia đình là khác nhau. Bạn có mong muốn, bạn đủ năng lực, bạn quyết tâm nhưng đôi khi vẫn bị chi phối bởi nhiều những yếu tố khác.
Những quan điểm về đam mê và kinh tế khi chọn ngành, chọn trường
Những trường top đầu luôn là mục tiêu của không ít các bạn học sinh, sinh viên. Đỗ đạt vào một trường danh tiếng ngoài cho bạn được học tập rèn luyện trong môi trường đầy đủ, chất lượng thì ngoài ra cái danh "bạn này bạn kia đỗ trường xịn" cũng khiến cho các bạn "nở mày nở mặt".
Thừa nhận rằng sinh viên tốt nghiệp từ các trường top đầu thường được doanh nghiệp "săn đón" vì vậy cơ hội việc làm cũng cao hơn nhưng song song với đó các chi phí kèm theo và chi phí phát sinh trong quá trình học tập cũng không phải thấp.
"Mình thì mình nghĩ nên chọn trường phù hợp với kinh tế gia đình nhé. Cái năm mà mình lên đại học là thời điểm gia đình mình sa sút nhất và mỗi lần xin tiền học nó như một gánh nặng vậy. Cũng hơi áp lực và cảm thấy gánh nặng quá nên 2 năm cuối mình thực sự tự lo cho bản thân, tự đi làm, tự chi trả tiền học và sống. Bây giờ thì xong rồi không còn lo phải trả nợ tiền học các thứ nữa nên rủng rỉnh nhưng mà nghĩ lại vẫn thấy sợ!"- chia sẻ của bạn Nguyễn Khánh Huyền.
Cũng không hẳn phải rạch ròi việc chọn lựa ưu tiên giữa kinh tế và mong muốn của bạn thân. Nếu bạn không vào được Ngoại thương, bạn có thể học Kinh tế quốc dân, học Thương mại hay cả những trường khác nữa. Mỗi trường đều có một thế mạnh khác nhau, thế nên, đừng hám danh rằng trường này trường top, trường kia trường điểm rồi chọn bừa một ngành trong đó thay vì ngành mà mình có đủ năng lực và đam mê.
"Mình thì ưu tiên kinh tế gia đình rồi đến trường mình thích. Đầu tiên cứ phải chọn đúng ngành sau đó khoanh vùng những trường mình có khả năng học từng bước tính đến chuyện trường mình thích. Có thể là gần nhà, nghe danh trường đã lâu, được các anh chị chia sẻ về những điều thú vị của trường và bản thân muốn khám phá và trải nghiệm chẳng hạn" – chia sẻ của bạn Hoàng Yến.
Vậy làm sao để chọn đúng
Trước hết, hãy phân biệt rõ "thích" và "đam mê" để chọn ngành nghề đào tạo phù hợp năng lực. Song, cũng phải lựa trường phù hợp kinh tế nhưng cũng đừng vì kinh tế mà lựa ngành nghề không giúp ích gì cho mình lâu dài.
Vẫn cứ nên cân nhắc cả hai, vì nếu được đào tạo tốt ngành nghề mà mình đam mê, thì sau này ra trường đi làm vừa làm được "nghề" đúng với mong muốn vốn có của bản thân lại vừa giúp đỡ được kinh tế gia đình tốt hơn, ổn định hơn.
"Nên chọn ngành mình thích và cả phù hợp với kinh tế gia đình nữa thì mình sẽ có khá nhiều sự lựa chọn, riêng mình thấy chung chung thì trường top phí mắc, trường dở phí rẻ. Thay vào đó chúng ta có thể chọn trường ở dạng khá nhưng phí tương đối vượt qua sức ba má bạn một chút cũng được bạn có thể đi làm thêm một chút là có thể xoay sở. Như vậy là lựa chọn khá phù hợp" – chia sẻ của bạn Vũ Tường Vi.
Thật ra lên đại học học được thầy cô tốt là một phần mà tự học cũng một phần. Nếu bạn chọn trường mình thích mà thêm gánh nặng kinh tế thì không những gia đình gồng gánh mà chính bản thân các cũng áp lực, không an lòng chuyên tâm học tập, rèn luyện.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, tùy theo điều kiện, tình hình gia đình cũng như những cân nhắc của bản thân mà chọn một trường vừa tầm rồi chăm chỉ học, cơ hội là công bằng cho mọi người, chúng ta cạnh tranh với nhau bằng năng lực chứ không phải bằng "danh trường điểm, trường top".
Nguồn: TH&PL