Sau khi những ca khúc như See Tình hay các bài hát của GenZ như tlinh, MCK, Mỹ Anh,... viral, câu hỏi về việc liệu âm nhạc Việt đã "vươn tầm thế giới" hay chưa lại được đặt ra.
GenZ vươn tầm thế giới?
Trong những năm gần đây, nhạc Việt ngày càng đi ra quốc tế nhiều hơn. Khán giả biết đến Hoàng Thùy Linh, Mỹ Anh hay cả tlinh với những sản phẩm âm nhạc chất lượng và phù hợp với xu thế của âm nhạc thế giới.
Tại nhiều diễn đàn, khán giả cũng liệt kê sản phẩm âm nhạc Việt đang dần tiệm cận với xu hướng thế giới: "Hãy Trao Cho Anh, CITOPIA, To The Moon,... Ngoài ra, những nghệ sĩ như tlinh, Wren Evans, MCK, MONO,... là những cái tên cần được nhắc đến".
Trong số những sản phẩm này, CITOPIA của Phùng Khánh Linh từng nhận được những lời khen từ tờ The Japan Times của Nhật Bản, cho rằng album này thể hiện một xu hướng âm nhạc của thế giới là City Pop. Đây cũng là dự án được nữ ca sĩ này đầu tư "khủng" với việc có mặt tại Nashville trong nhiều tháng để thực hiện.
Chia sẻ về album CITOPIA, Phùng Khánh Linh tâm sự: "Đây là một màu sắc rất lạ, và chưa có một album chính thức nào ở Việt Nam. Một bài toán khó khác là City Pop rất quen thuộc với Nhật Bản, nhưng làm sao để nó trở nên Việt Nam hơn.
Tôi là ca sĩ Việt và hát nhạc Việt mà. Khi nghe CITOPIA, tôi nghĩ mọi người cũng sẽ nhận ra một cô gái "thuần Việt" trong đó".
Trước đó, ca khúc To The Moon của hooligan. từng khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng khi biết đây là một sản phẩm "thuần Việt".
Ngoài ra, trong cuối năm 2022 - đầu năm 2023, See Tình do nhóm producer GenZ là DTAP sản xuất cũng đã tạo ra sự viral ở mức toàn thế giới trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Chính điều này khiến nhiều người cho rằng nhạc Việt đang dần "tiệm cận quốc tế".
Nội dung liên quan
"Đã tiếp cận với trend, nhưng khó 'tiệm cận' quốc tế"
Xét về mặt thống kê, producer Machiot cho rằng âm nhạc Việt vẫn chưa "tiệm cận quốc tế" về lượt streaming: "Nếu mọi người tìm thử trên các nền tảng streaming, số bài hát có trên 1 triệu lượt stream thì có khoảng mấy chục nghìn bài. Còn ở Việt Nam, chắc đâu đó khoảng 2 đến 3 trăm bài như thế".
Tuy vậy, về mặt âm thanh, nhạc Việt phần nào đó chạm vào được xu hướng của âm nhạc thế giới thông qua những website thường xuyên được các producer sử dụng trong việc tạo ra những phần beat hay các bản phối thú vị.
Nam producer từ Young Flames phân tích rõ hơn: "Về mặt âm thanh, chúng ta đã tiếp cận được với trend rồi. Nhưng để nói từ 'tiệm cận' thì chưa. Thuật ngữ đúng phải là chúng ta đang đi học hỏi từ âm nhạc quốc tế khá nhiều, cái gì đang trend sẽ được nhặt nhạnh về.
Một hai bài hát của Việt Nam lọt top trending TikTok thế giới chưa đủ để phản ánh bộ mặt nền âm nhạc Việt. Hi vọng tương lai gần, chúng ta có thể tiệm cận các nền âm nhạc lớn của châu Á".
Một hai bài hát lọt top trending TikTok thế giới chưa đủ để phản ánh bộ mặt nền âm nhạc Việt
Theo Machiot, anh nhận định rằng âm nhạc Việt đang có sự phát triển tốt. Tuy vậy, sự thiếu hụt kĩ sư âm thanh đang là một thực trạng. Đồng thời, việc đào tạo chính quy để tạo ra các kỹ sư âm thanh vẫn chưa thực sự được đưa vào thành một chuyên ngành liên quan đến âm nhạc.
Muốn nhạc Việt phát triển, hay nói xa hơn là "tiệm cận quốc tế", trình độ sản xuất âm nhạc của nhạc Việt vẫn ngày càng được gia tăng. tThjam
Nguồn: TH&PL