Tưởng chừng cái mác “con nhà người ta” là điều ai cũng mơ ước nhưng ẩn sau nó lại là những mặt tối ít ai biết.
"Con nhà người ta" - một ngụ ý so sánh quen thuộc mà ông bà, cha mẹ thường dùng để nói về một đứa trẻ ngoan ngoãn nhằm răn đe con cái của mình. Thế nhưng liệu sự ngoan ngoãn mà ai cũng mong muốn có thực sự tốt đẹp?
Một đứa trẻ ngoan ngoãn được định nghĩa như thế nào?
Không khó để nhìn ra được những đặc điểm của "con nhà người ta". Lúc còn bé, con nhà người ta là những đứa trẻ hoàn thành bài tập đúng giờ; lễ phép, vâng lời bố mẹ; hay ngại ngùng và sẵn lòng giúp đỡ người lớn. Lớn lên "con nhà người ta" là những đứa trẻ học giỏi, chăm chỉ, không khiến ba mẹ phụ lòng dù chỉ là một sai phạm nhỏ nhất.
Và bởi vì chúng không dễ bộc phát lỗi lầm ngay lập tức, nên chúng ta thường cho rằng những đứa trẻ này được nuôi dạy trong môi trường giáo dục tốt. Chúng thường không phải là mối lo khiến người lớn phải bận tâm. Thay vào đó, họ chỉ chú tâm đến những đứa trẻ lười biếng, hay quấy phá. Mọi người cho rằng không có gì phải lo lắng với những đứa trẻ ngoan, bởi vì chúng rất dễ sai bảo, rất biết nghe lời.
Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề. Những áp lực và khó khăn ở tương lai đều khởi nguồn từ những kỳ vọng của người lớn buộc chúng phải tuân thủ tuyệt đối. Những đứa trẻ được coi là "ngoan" thật ra chúng không ngoan. Bởi sự méo mó trong cách nuôi dạy đã khiến chúng dường như chẳng hề có một định hướng để trở thành bất cứ điều gì khác. Chúng ngoan bởi vì chúng không có con đường khác. Sự ngoan ngoãn của chúng là một điều cần thiết, một điều phải tuân theo hơn là một sự lựa chọn.
Mặt tối của việc trở thành một đứa trẻ ngoan
Mặt tối của việc trở thành một đứa trẻ ngoan nằm ở việc phớt lờ những cảm xúc, mong muốn cá nhân của mình. Tuy việc tỏ ra ngoan ngoãn có thể mang lại sự dễ chịu trong một thời gian ngắn, nhưng nó cũng có thể âm thầm hủy hoại cuộc sống của đứa trẻ sau này. Nó có thể dẫn đến nhiều áp lực tâm lý kéo dài theo năm tháng và những đứa trẻ "con nhà người ta" có thể tiêu cực hóa vấn đề.
Về lâu dài, đứa trẻ ngoan sẽ trở thành người luôn che giấu tâm tư, chúng sẽ trở nên e ngại, lo sợ khi phải nói ra suy nghĩ trái chiều. Thay vào đó, chúng chỉ nói điều bố mẹ chúng hài lòng. Chúng giỏi trong việc vuốt ve thỏa mãn và làm hài lòng những khán giả của riêng mình. Đổi lại, suy nghĩ, cảm xúc thật sự sẽ bị chôn chặt trong lòng và từ đó hình thành biến chứng về mặt thần kinh, những cơn xung động, giận dữ bất chợt hay ngậm đắng nuốt cay.
Trong môi trường làm việc, những đứa trẻ lớn lên trong sự áp đặt của gia đình cũng gặp nhiều vấn đề đáng nói. Ta có thể thấy khi họ còn nhỏ, họ chơi theo luật, luôn làm theo quy tắc; không bao giờ phạm lỗi và luôn giữ mình không chọc giận một ai đó.
Thế nhưng, chúng ta sẽ không thể nào tiến xa nếu như luôn cố gắng tuân thủ mọi luật lệ. Gần như những gì thú vị trong cuộc sống, đáng để làm và quan trọng nhất cả đời người luôn cần đến ít nhiều sự mạo hiểm, vượt ra khỏi sự kiểm soát.
Một ý tưởng xuất sắc luôn có thể làm phật lòng người khác – nhưng cũng rất đáng để thử. Những đứa trẻ ngoan thường có một sự nghiệp dậm chân tại chỗ, và sẵn sàng an phận tại vị trí an toàn: chịu sai bảo và nghe lời người khác.
Vậy chúng ta có cần nhất thiết phải ngoan hoài như "con nhà người ta" hay không?
Để có thể thật sự trưởng thành, chúng ta cần thành thật với chính bóng tối, tham vọng và sự phức tạp của bản thân mình. Nó bao gồm việc chấp nhận rằng: không phải mọi thứ khiến chúng ta hạnh phúc đều sẽ làm hài lòng người khác hoặc được xã hội tôn vinh là tốt đẹp – thế nhưng, nó vẫn xứng đáng để chúng ta khám phá và theo đuổi đến cùng bất kể như thế nào đi chăng nữa.
Việc chúng ta khao khát trở thành một người tốt đẹp dường như là một việc ai cũng mong muốn nhất trên thế giới này, nhưng để có được một cuộc sống thực sự tốt đẹp, đôi khi chúng ta cần phải trở nên đầy màu sắc và thậm chí, hãy can đảm để dám bị ghét ở một mức độ cho phép nào đó.
Nguồn: TH&PL