Khi bi kịch đã lên đến tận cùng, nỗi đau không còn được đong bằng nước mắt.
Không nhiều câu thoại thâm thuý, cũng không có bất kỳ triết lý sống mang tính vĩ mô, Manchester By The Sea (Bờ Biển Manchester) mang đến người xem một nỗi buồn thực tế hơn bao giờ hết mà ở đó, những chấn thương tinh thần có thể đi theo người ta đến hết cuộc đời.
Đôi mắt của Casey Affleck và một câu chuyện buồn tan thật chậm
Manchester By The Sea xoay quanh câu chuyện về Lee Chandler (Casey Affleck), một người làm tạp vụ và sống trong một căn hộ tầng hầm tồi tàn tại Boston. Cách Lee xuất hiện trên màn ảnh cho thấy anh là một kẻ kiệm lời, có chút lúng túng và vụng về trong những giao tiếp hàng ngày, đồng thời cũng là một gã nóng nảy, sẵn sàng đả thương người khác trong quán bar. Xen giữa cuộc sống tăm tối của Lee ở đầu phim, là những mảnh ký ức vụn vặt về chuyến ra khơi tại quê nhà vào mùa hè đầy ấm áp.
Đạo diễn Kenneth Lonergan đã rất tinh tường khi chọn Casey Affleck, một người chuyên trị nhưng vai ít nói và bí ẩn. Không cần quá nhiều câu thoại, sự nặng nề trong tâm trí Lee để biểu hiện rõ ràng qua từng cử chỉ đến ánh nhìn của Casey Affleck. Nhờ vào sự hoá thân tròn vẹn của anh, người ta dễ dàng cảm nhận được cuộc sống của Lee không khác gì một đống hoang tàn sau một trận bão lớn, cùng một vết thương nặng trĩu, day dứt trong lòng. Với Lee Chandler, Casey Affleck đã nhận giải thưởng Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất năm 2017.
Trong suốt chiều dài của phim, người ta nghe được, thấy được và cảm được nỗi đau qua giọng nói và đôi mắt của Casey Affleck. Đạo diễn Kenneth Lonergan đã khắc hoạ một bi kịch thương tâm, và có phần thảm khốc đối với người đàn ông một cách vô cùng chân thực và đáng thương. Giống như nhịp độ của bộ phim, từng lớp câu chuyện của Lee được bóc tách một cách rõ ràng và tinh tế, qua từng mảng hồi ức không toàn vẹn, dẫn dắt người xem vào những nỗi đau của nhân vật này, một cách từ tốn và chậm rãi.
Có những vết thương không bao giờ được chữa khỏi
Đến khi Lee nhận được tin rằng Joe Chandler (Kyle Chandler), anh trai của anh qua đời, người ta mới thấy nhiều hơn những cảm xúc trên khuôn mặt Casey Affleck. Mất mát như thể đã trở thành một phần trong cuộc sống của anh, Lee chầm chậm hôn lên cơ thể người anh trai đã không còn thở một lần cuối. Sau một loạt những thủ tục cần thiết, Lee bất ngờ phát hiện mình được giao quyền giám hộ Patrick (Lucas Hedges), con trai duy nhất của Joe, mà chưa từng được anh trai mình bàn bạc trước.
Bộ phim dần dần hé mở quá khứ đầy đau lòng và ám ảnh của Lee tại Manchester, một cách song song và trơn tru với câu chuyện chính. Cách kể chuyện song song đầy khéo léo này giúp người xem giữ nhịp được với các sự việc hiện tại và cả những câu chuyện trong quá khứ của nhân vật chính. Từng góc khuất đầy tội lỗi trong Lee hiện ra rõ ràng và chậm rãi. Những kỷ niệm đẹp đẽ với vợ và ba đứa con, cùng đêm kinh hoàng đã lấy đi ba đứa con của anh trong cơn hoả hoạn, chỉ vì trong lúc không tỉnh táo, anh đã không đậy nắp lò sưởi khi ra khỏi nhà.
Qua từng thước phim tại Manchester, xen lẫn giữa quá khứ và thực tại, người ta thấy được những tổn thất dằn vặt đó đã thực sự dày vò Lee đến trầm cảm, đến chống đối xã hội và chẳng tha thiết gì đến bản thân lẫn thế giới xung quanh. Như để làm rõ hơn cảm giác của người xem ở đầu phim, đống đổ nát của nhân vật chính được quay cận cảnh hơn, rõ ràng hơn và day dứt hơn, dù cơn bão đã đi qua nhiều năm về trước. Kenneth Lonergan đã chỉ ra thông điệp rất rõ ràng, đó là có những nỗi đau mãi mãi cũng không thể vượt qua.
Manchester hay nơi hội ngộ của những kẻ mất mát?
Trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến quyền giám hộ Patrick, con trai của Joe, cả Lee và Patrick đã gặp phải những bất đồng. Từ một người đàn ông trưởng thành, người xem được hé lộ thêm về Patrick, một chàng trai ở tuổi vị thành niên. Cũng giống như Lee, Patrick cũng đang phải trải qua những mất mát to lớn trong cuộc sống tinh thần. Anh mất cha, trong khi chứng nghiện rượu của mẹ đã khiến anh xa bà trong một khoảng thời gian dài. Chợt nhận ra, cuộc hội ngộ giữa hai chú cháu Lee-Patrick lại là cuộc gặp gỡ của những tâm hồn đầy tổn thương và mất mát nhất.
Manchester By The Sea không đưa người xem đi từ những cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác mà thay vào đó, người xem được đi vào chiều sâu của nội tâm nhân vật, để cảm nhận những nỗi đau ngày càng rõ ràng và chân thực hơn trong suốt chiều dài phim. Ở đó, người ta thấy Lee đang bất lực trong việc qua những ám ảnh của mình, và một Patrick đầy tình cảm, hết lòng muốn giữ con tàu kỷ niệm của Joe để lại, thể hiện rõ ràng nhất qua giây phút anh bật khóc vì đã kìm nén cảm xúc quá nhiều.
Những vết thương chờ được chữa lành và nghệ thuật kể chuyện của Kenneth Lonergan
Không tô đậm những mất mát và nỗi đau, cũng không có những khúc nhạc lấy đi nước mắt khán giả, Kenneth Lonergan đã khắc hoạ nỗi đau của nhân vật một cách vô cùng tự nhiên và chân thực. Chính điều đó đã giúp Manchester By The Sea đã chạm đến trái tim của đại đa số người xem. Ở những cảnh cao trào cảm xúc, thay vì là những khúc nhạc động lòng, khán giả lại được xem ở với một nhìn trực diện, tĩnh và mặt đối mặt với phản ứng của chính nhân vật ở thời điểm đó.
“You can’t just die” (“Anh không thể chết như thế”) - đó là câu nói của Randi (Michelle Williams), vợ cũ của Lee nói với chính anh. Người ta thấy được những giọt nước mắt hiếm hoi trong bộ phim cùng những phản ứng của Lee trong phân cảnh này được thể hiện rất tự nhiên, không bị “highlight” quá nhiều và chính điều đó như bóp nghẹt trái tim của người xem, vì những mất mát và đau khổ dằn vặt Lee trong suốt thời gian đó, gần như đã giết chết trái tim anh từ lâu rồi.
Một phân cảnh đầy cảm xúc khác được thể hiện rất tự nhiên là cảnh Patrick bật khóc khi thấy gà đông lạnh. Anh liên tưởng đến hình ảnh bố mình phải nằm phòng lạnh để chờ được chôn vào mùa xuân. Cảnh quay này cho thấy nhưng bộc phát cảm xúc rất bình thường của một cậu trai tuổi mới lớn, sau khi phải kìm nén quá lâu sau cái chết của bố mình. Không cần một khoảnh khắc “chạy đà” hay tín hiệu nào cả, sự tự nhiên đến khó chịu đó lại khiến khán giả cảm nhận được nỗi đau rõ ràng hơn bao giờ hết.
Là một phim với kinh phí thấp, Manchester By The Sea đã thắng lớn với 79 triệu USD từ phòng vé, cùng hai giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar 2017. Một bộ phim tâm lý mang nhiều bi kịch và nỗi đau, nhưng lại không vẽ bằng nước mắt chắc chắn sẽ là lời miêu tả thích hợp nhất cho Manchester By The Sea.
Nguồn: TH&PL