Cái Tên Khắc Sâu Trong Tim Người là một bộ phim đặc sắc về chủ đề đồng tính nam.
''Chẳng phải đồng tính đều đáng phải xuống địa ngục sao? Xin Cha hãy giúp con xuống địa ngục, ở đó có lẽ sẽ có người hiểu con hơn.''
Cái Tên Khắc Sâu Trong Tim Người (tên tiếng Anh: Your Name Engraved Herein) là bộ phim ăn khách nhất Đài Loan trong năm 2020, cũng là bộ phim điện ảnh đề đồng tính nam đầu tiên vượt 100 triệu Đài tệ tại phòng vé. Công chiếu lần đầu tại vào ngày 30/0, sau đó phát hành toàn cầu vào 23/12, bộ phim do Liễu Quảng Huy đạo diện nhận được năm đề cử tại Giải Kim Mã và giành chiến thắng với hai hạng mục Kỹ thuật quay phim xuất sắc và Nhạc phim xuất sắc.
Cảnh báo: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Bộ phim kể về Đài Loan năm 1987 khi vừa dỡ bỏ Thiết Quân Luật, hai chàng trai cùng theo học trường nam sinh Công giáo, Gia Hán và Birdy, rơi vào lưới tình với nhau. Dù lấy bối cảnh trường học, phim vượt xa khỏi câu chuyện thanh xuân vườn trường, khắc họa chậm rãi những giằng xé của nhân vật trong việc nhận ra tình yêu, chống lại áp lực và phản đối từ xã hội theo đó phản ánh sự bất cập, đè nén quyền tự do con người của xã hội lúc bấy giờ.
Trong thời kỳ Thiết Quân Luật, quân đội trực tiếp nắm mọi quyền hành chính trị, trường học thắt chặt giới nghiêm, không cho phép học sinh tùy ý ra ngoài. Quyền tự do ngôn luận hoàn toàn không có, ngay cả tiết mục biểu diễn văn nghệ trong trường cũng không được dùng bài hát kể về tình yêu hay tự do, nếu cương ngạnh làm trái ý, ngay cả học sinh cũng có thể bị sĩ quan dùng bạo lực uy hiếp. Dưới tình trạng đó, Gia Hán và Birdy hiện thân cho những khao khát tình yêu và nghệ thuật chính đáng của con người, thể hiện qua những khung cảnh hai người cùng nhau leo rào ra ngoài trường vào giờ giới nghiêm, cùng nhau đi Đài Bắc du ngoạn một cách tự do, Gia Hán ở trong xưởng phim dùng tay tạo thành bóng hôn Birdy, còn hứa sẽ viết nhạc cho bộ phim đầu tay Birdy sản xuất.
Tuy nhiên, ngay khi Gia Hán nhận ra tình cảm của mình dành cho Birdy, cậu vấp phải sự phản đối kịch liệt, thể hiện qua màn tranh cãi gay gắt giữa Cha Oliver và Gia Hán. Cha khuyên Gia Hán hãy từ bỏ tình yêu với Birdy, nhưng cậu không chấp nhận. Cha Oliver là hiện thân của Công giáo - tôn giáo trong rất nhiều thế kỷ không chấp nhận người đồng tính, và Gia Hán lại dám dùng những điều trong Kinh thánh để chất vất Cha: ''Chúa nói, kẻ tin ta sẽ được sự vĩnh hằng, con vẫn tin vào Chúa. Chúa cũng nói, khoan dung kẻ có tội, cứu kẻ đói khát, mở cửa cho người gõ lên. Vậy vì sao con nỗ lực gõ cửa đến thế, Chúa lại không thể mở rộng cửa cho con?''
''Chẳng phải người đồng tính đều phải xuống địa ngục sao? Hãy cho con xuống địa ngục đi, có lẽ ở đó sẽ có người hiểu con hơn.''
Điểm thú vị ở đây là, mặc dù Cha Oliver là hiện thân của tôn giáo, nhưng ông cũng là hiện thân cho tính nhân văn và tư tưởng tiến bộ. Ban đầu, chính Cha Oliver đã cổ vũ các nam sinh sống trong khoảnh khắc, bảo vệ họ trước thế lực sĩ quan quân đội, và sau cùng, chính Cha cũng là người mang hai nhân vật về bên nhau.
Cảnh cuối của bộ phim tua nhanh dòng thời gian 20 năm sau, đưa nhân vật đã ở tuổi trung niên đến bối cảnh hiện đại tại Thành phố Quebec, với lý do tham dự đám tang của giáo viên cũ, Cha Oliver. Hình ảnh hai nhân vật chính vui vẻ nắm tay nhau đi bộ giữa phố, tuy không liền mạch với câu chuyện khi còn trẻ, nhưng ngầm nhắc đến một tương lai tươi sáng phía trước sau những vật vã đau khổ thời đại trước đó đã gây ra. Điều này đặc biệt mang lại hy vọng cho cộng đồng LGBT, đặc biệt là khi bộ phim khởi chiếu chỉ vài tháng sau khi Đài Loan thông qua luật hôn nhân đồng giới.
''Tuy rằng ngày trước chúng ta không được ở bên nhau, nhưng bây giờ đã có thể rồi.''
Hưởng ứng tháng tự hào dành cho những người thuộc giới tính thứ 3, tuyến bài #PrideMonth của CineON sẽ đưa bạn khám phá những bộ phim lấy cảm hứng từ cộng đồng LGBT. Bất kì giới tính nào cũng xứng đáng được công nhận trong nghệ thuật và cuộc sống. Cùng nhìn lại hành trình cộng đồng lục sắc lan toả những thông điệp ý nghĩa trên màn ảnh lớn nhỏ khắp thế giới!
Nguồn: TH&PL