Tín hiệu mừng là yếu tố LGBT đang ngày càng được cởi mở đưa vào các sản phẩm âm nhạc Việt Nam.
Một vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ đã mạnh dạn hơn trong việc đưa yếu tố LGBT vào các sản phẩm âm nhạc. Khi xã hội và nhận thức con người ngày càng văn minh, và cộng đồng lục sắc đang dần được yêu mến và cảm thông thì âm nhạc/nghệ thuật cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Đây có thể xem là một sự khởi sắc đối với làng nhạc Việt khi không chỉ là sự nỗ lực của giới nghệ sĩ mà còn là sự mở lòng đón nhận của công chúng.
Trạng thái "bình thường mới" của đề tài LGBT trong nhạc Việt
Nếu để ý kĩ, trong phần đông các MV Vpop đều có một điểm chung là "sad ending" cho nhân vật thuộc giới tính thứ 3. Những kết cục buồn cho các tình yêu đồng giới trong MV xuất phát từ việc cặp đôi (hoặc một trong hai người) không thể vượt qua được rào cản định kiến xã hội dẫn đến sự chia ly.
Không thể phủ nhận ý tốt của những người làm nên sản phẩm (bao gồm nghệ sĩ và ekip, nhà sản xuất) khi đưa những vấn đề nhức nhối vào sản phẩm để thôi thúc sự đồng cảm và mong muốn gầy dựng nhận thức nơi công chúng. Tuy nhiên, đó có phải là cách tốt nhất để triển khai (tạm gọi là) "trạng thái bình thường mới" của LGBT trong âm nhạc?.
Cụ thể hơn, có thể kể đến một vài MV nổi bật khai thác yếu tố đồng tính như "Đong tình" (Hương Tràm vừa ra mắt), "Nghe nói anh sắp kết hôn" (Văn Mai Hương), "Màu nước mắt" (Nguyễn Trần Trung Quân), "Người mình yêu chưa chắc đã yêu mình" (Gil Lê),...
Trong MV "Đong tình", cô gái đau khổ vì người yêu mình phải lòng một chàng trai khác. Hai chàng trai cũng không hạnh phúc hơn vì họ không thể sống thật với giới tính và tình yêu của mình.
Ở "Màu nước mắt", cặp đôi Denis Đặng và Quỳnh Lương kết thúc bên cạnh nhau nhưng đánh đổi là cái chết của Nguyễn Trần Trung Quân vì bị phản bội.
"Nghe nói anh sắp kết hôn" chào tạm biệt khán giả bằng giọt nước mắt của cả hai nữ chính, Đồng Ánh Quỳnh nhìn người mình thương đi lấy chồng, còn Văn Mai Hương cũng dành ánh mắt xót xa lần cuối cho Quỳnh,...
Tương tự, Dương Triệu Vũ mang đến một nhân vật nam tự tử sau khi chia tay để bạn trai mình kết hôn cùng cô gái khác trong MV "Muộn màng".
Hãy kêu gọi hành động thay vì chăm chăm lấy nước mắt
Trong marketing có một thuật ngữ gọi là "phễu marketing", là mô hình 5A chỉ ra quá trình từ lúc những khách hàng tiềm năng trở thành khách mua hàng. Các giai đoạn trong mô hình 5A này bao gồm: Awareness (nhận thức), Appeal (thu hút), Ask (tìm hiểu), Action (hành động), Advocate (ủng hộ thương hiệu). Theo đó, để đưa khách hàng đi từ giai đoạn nhận thức về sản phẩm cho đến hành động thực tế là mua hàng là cả một quá trình không hề dễ dàng.
Tương tự như vậy, trong âm nhạc, không thể chỉ dừng ở giai đoạn giáo dục (educate) nhận thức cho khách hàng (ở đây chính là khán giả) là đủ, hãy thu hút sự quan tâm sâu sắc hơn từ họ, hãy truyền thông để kêu gọi họ hành động.
Nếu các MV Vpop mãi quanh quẩn ở những tình tiết bi ai, mỗi đau thương chia ly của các cặp đôi đồng tính thì nhiều lắm chỉ lấy được vài giọt nước mắt thoáng qua của người xem chứ chưa đủ để thúc giục tinh thần vực dậy từ ai cả. Khi con người không nhìn thấy được tương lai đẹp đẽ, kết cục hạnh phúc ở phía cuối cùng đường, họ chẳng biết bản thân phải đấu tranh vì điều gì.
Ngoài xã hội hiện đại, không khó để nhìn thấy các cặp đôi đồng tính vui vẻ, thoải mái tay trong tay đi giữa chốn đông người. Bao quanh là những con mắt ngưỡng mộ, ủng hộ và yêu thương của người thân, bạn bè vì thứ tình cảm đầy mạnh mẽ ấy. Việc tận dụng những hình ảnh đẹp đẽ ấy để khắc họa vào âm nhạc cùng một lời kêu gọi hành động thiết thực thì hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn nhiều.
Một đại diện đáng nhắc đến là Trúc Nhân với MV "Sáng mắt chưa" khai thác hướng đi đầy mới lạ so với Vpop từ trước đến nay. Một sản phẩm hài hước, vui nhộn, lan truyền tinh thần tích cực và chứa cả những câu hát viral kích thích người xem phải chia sẻ ngay. Từ đó mà mọi người có cái nhìn thiện cảm và thích thú hơn với cộng đồng lục sắc dễ thương này. Lượt xem MV hiện tại là 115 triệu trên Youtube, chứng tỏ sức lan truyền mạnh mẽ của "Sáng mắt chưa". Đã qua rồi thời Vpop ngập chìm trong sự buồn bã, đau khổ, ngày nay, công chúng có xu hướng ưu tiên những sản phẩm tích cực.
Trên thế giới, đề tài về LGBT đã được khai thác trong âm nhạc từ rất lâu, không thiếu những sản phẩm khiến bạn rơi nước mắt đau lòng vì chuyện tình trái ngang, nhưng cũng đầy những sản phẩm khiến bạn cảm thấy thật ấm lòng vì khai thác góc nhìn tươi sáng, không bi lụy.
"The Village" của Wrabel tạo dựng câu chuyện của một người trẻ vị thành niên gặp rắc rối với gia đình, cuộc sống khi đấu tranh cho bản ngã chính mình. Cuối cùng, nhân vật chính tìm được ánh mắt đồng cảm từ những người xung quanh.
Demi Lovato cùng Cher Lloyd cực máu lửa khi biểu diễn giữa đám đông những người đồng tính, song tính và chuyển giới trong cuộc diễu hành tự hào của cộng đồng LGBT tại Los Angeles trong MV "Really Don't Care".
Tạm kết
Đề tài LGBT đã dần trở thành một yếu tố "bình thường" và quen thuộc trong giới nghệ thuật Việt Nam. Đây là một sự tiến bộ rất lớn về quan điểm ở cả nghệ sĩ lẫn công chúng trong quá trình hội nhập sự văn minh của thế giới.
Câu chuyện tiếp theo là việc khai thác yếu tố này sao cho không chỉ đúng đắn mà còn phải hiệu quả.
Không chỉ gầy dựng sự cảm thông mà còn kêu gọi hành động đấu tranh ở mỗi người.
Không chỉ bi thương, đẫm nước mắt, động lòng người mà hãy còn hướng đến những điều tích cực.
Vì đôi khi, nước mắt chẳng giải quyết được vấn đề gì nếu chúng ta không bắt tay vào giải quyết nó.
***
"Ngày 28/6/1969 được coi là mốc đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới, cũng là căn nguyên của Tháng Tự Hào sau này, một dịp để toàn thế giới tôn vinh sự đa dạng về giới và tính dục. Sau 52 năm, ngày 28/6 năm nay, tập trung chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng LGBTQ+ Việt nhưng đặt trong giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình vì 28/6 cũng là ngày Gia đình Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe để xóa bỏ những định kiến còn tồn tại vì sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+!"
Nguồn: TH&PL