Làm mờ mặt và viết tắt tên trẻ em: Sự tôn trọng tương lai của cá nhân

Làm mờ danh tính là sự tôn trọng tối thiếu cho tương lai của mỗi cá nhân, đặc biệt là trẻ em!

Thời gian qua, những ồn ào xoay quanh Tịnh Thất Bồng Lai đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận. Cụ thể, vào ngày 5/1, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Lê Tùng Vân về các tội danh bao gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và loạn luân.

Đặc biệt, khi kết quả giám định ADN được cho là của ông Lê Tùng Vân có quan hệ cùng huyết thống với nhiều người trong đó có trẻ em chưa vị thành niên đã được chia sẻ tràn lan khắp trên mạng xã hội. Rất nhiều người trong chúng ta thản nhiên lan truyền những tờ giấy giám định có đầy đủ thông tin cá nhân của người trong cuộc, kể cả hình ảnh của họ cũng "đường đường chính chính" xuất hiện khắp mọi nơi.

lam mo mat va viet tat ten tre em su ton trong tuong lai cua ca nhan - anh 0
Bản xét nghiệm ADN Tịnh Thất Bồng Lai bất ngờ được lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh: Facebook)

Chưa kể đến việc một số người còn tự do vẽ "sơ đồ phả hệ" của Tịnh Thất Bồng Lai và "nhiệt tình" đưa cả tên lẫn gương mặt của người trong cuộc lan truyền khắp nơi mà không nghĩ đến hệ luỵ rằng: Những đứa trẻ vô tội có thể phải nhận lấy sự kì thị và bị huỷ hoại cả một cuộc đời sau này!

Làm mờ danh tính là sự tôn trọng tối thiếu cho tương lai của mỗi cá nhân, đặc biệt là trẻ em

Còn nhớ vào đầu tháng 9/2021, bộ phim Ranh Giới về cuộc chiến khốc liệt giành sự sống của các y bác sĩ và các thai phụ mắc COVID-19 nhận được vô vàn sự đồng cảm, lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Tuy vậy, vẫn có những luồng ý kiến cho rằng phim chưa "nhân bản" khi quay cận mặt bệnh nhân khi đưa lên sóng truyền hình những cảnh quay bệnh tật, ốm yếu của họ mà không có sự che mờ. 

Nhà nghiên cứu Huy Nguyễn cho rằng đoàn làm phim nên che mặt các bệnh nhân và không tiết lộ thông tin cá nhân của họ: "Quyền riêng tư của bệnh nhân và gia đình họ cần được tôn trọng", anh nói. 

lam mo mat va viet tat ten tre em su ton trong tuong lai cua ca nhan - anh 0
Bộ phim tài liệu “Ranh giới” từng vấp phải ý kiến tranh cãi về việc không che mờ thông tin, hình ảnh của bệnh nhân (Ảnh: VTV)

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy việc báo đài, truyền hình cần nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ thông tin cá nhân của người khác là hành động thiết thực để tránh xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm của công dân. Căn cứ theo Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015, việc báo chí và cả người dùng mạng xã hội đăng tin tức kèm với những hình ảnh của người khác không che mờ là hành vi thiếu cẩn thận. 

Cụ thể như các trường hợp một người chỉ mới bị cơ quan điều tra bắt tạm giam… nhưng vì các báo, và các trang mạng xã hội đưa tin kèm với việc công nhiên sử dụng bức ảnh người khác, và làm lộ thông tin cá nhân dù cho người đó chưa đồng ý và cũng chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan điều tra, điều đó đã gián tiếp khiến cho người dân lầm tưởng và vội kết luận người này là tội phạm.

Đây không chỉ là hành vi thiếu sót của người đưa tin mà còn là hành vi vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp 2013 và của Bộ luật hình sự 2015, cụ thể: Nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và Nguyên tắc suy đoán vô tội. 

lam mo mat va viet tat ten tre em su ton trong tuong lai cua ca nhan - anh 0
Trẻ em - đối tượng vô tội trong mọi hành vi sai trái của người lớn, cần được chung tay bảo vệ tương lai thay vì sự kì thị (Ảnh: Dân Trí)

Theo đó, việc sử dụng hình ảnh người khác không che mờ khi chưa được sự cho phép của người đó là hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người. Cụ thể ở đây, mỗi cá nhân có quyền được tôn trọng hình ảnh của bản thân và người nào muốn dùng hình ảnh thì phải có sự chấp nhận của người đó. 

Trả lời Dân Trí, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, ông Đặng Hoa Nam cho biết: "Đề nghị cộng đồng xã hội giữ bí mật thông tin cá nhân để bảo vệ các trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai. Lỗi lầm của người lớn không liên quan đến trẻ em và sự việc các em bé tại đây bị các đối tượng trục lợi bất chính đã có cơ quan công an xử lý. Pháp luật có quy định rõ việc lộ bí mật thông tin của các em bé tại đây sẽ bị xử phạt".

"Share chậm lại, like chậm lại"

Có thể nói, dù luật pháp đã đưa ra quy định về quyền được tôn trọng hình ảnh và thông tin cá nhân của người khác nhưng đây vẫn còn là một vấn nạn chưa thực sự được chú trọng để ngăn chặn với những biện pháp triệt để. 

Việc tờ giấy khám định ADN của những người trong Tịnh Thất Bồng Lai không rõ nguồn được lan truyền trên mạng xã hội khiến câu chuyện ngày càng đi xa khỏi giới hạn của một vụ án. Mới đây, nhà báo Trần Thu Hà đã có những chia sẻ trên trang cá nhân của mình liên quan đến sự việc trên như sau: "Trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai, nhìn hình ảnh và tên tuổi, thông tin giám định DNA, cây phả hệ,... của các cháu bé lan khắp chốn, thấy buồn lắm. Cho dù cha già có tội thì các bé cũng đâu có tội gì? "Ai làm người đó chịu" chứ, còn hình ảnh và tên tuổi đã lưu vào google thì bao giờ xóa được?".

lam mo mat va viet tat ten tre em su ton trong tuong lai cua ca nhan - anh 0
lam mo mat va viet tat ten tre em su ton trong tuong lai cua ca nhan - anh 0
Những sơ đồ phả hệ Tịnh Thất Bồng Lai được chia sẻ rầm rộ khắp nơi với đầy đủ họ tên và năm sinh cá nhân

Theo đó, nữ nhà báo cũng dẫn chứng một vụ án ở nước Áo về sự việc người cha loạn luân Fritzl 73 tuổi nhốt con gái dưới hầm 24 năm để lạm dụng tình dục, vụ án này đã gây chấn động cả thế giới. Tuy nhiên, cô khẳng định chúng ta không hề nhìn thấy một bức hình nào của nạn nhân và 6 đứa con của cô ấy. Các bé cũng được thay tên đổi họ, bí mật chuyển đi nơi khác sinh sống để không phải chịu cảnh bị kỳ thị. 

"Ở mình, sự quản lý lỏng lẻo, quyền riêng tư chưa được tôn trọng, những nút share vô tư, hồn nhiên cũng có thể làm ta trở thành nhẫn tâm" - nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ.

Theo đó, cô cho rằng bản năng làm chúng ta muốn biết tại sao có những cuộc đời chịu nhiều bất hạnh và cũng nóng lòng muốn biết cụ thể họ là ai, làm gì và như thế nào. Tuy nhiên, cô cũng khuyên mọi người hãy nhẹ tay, đừng share, đừng click vào những trang mạng khai thác quá mức thông tin cá nhân và nỗi đau của người thân phạm nhân. "Share chậm lại, like chậm lại! Bởi vì với những tâm hồn đang bầm dập, im lặng là một món quà còn cần thiết hơn cả oxy để thở nữa", cô nói.

lam mo mat va viet tat ten tre em su ton trong tuong lai cua ca nhan - anh 0
Quá trình xã hội hóa với nhiều biến đổi giúp con người càng có nhiều nhận thức và tư duy để thấy rằng hành vi đó là sai trái (Nguồn ảnh: Facebook)

Hơn cả một nút like và share đơn thuần, không ít những hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội còn ra sức đào lại những hình ảnh, clip cũ của những người liên quan trong sự việc để... cười nhạo và trêu đùa họ. Bên cạnh những cái "rùng mình" về sự việc không tưởng này, nhiều người còn đang vô tình làm tổn thương những người vô tội. 

Tạm kết 

Không ai có quyền được kết tội người khác khi chưa có bản án kết tội của Tòa án. Đồng thời, việc nhiều người đưa tin kèm hình ảnh không che mờ trong các vụ việc hình sự đã gián tiếp khiến cho người dân mặc nhiên suy đoán, kết luận người bị sử dụng hình ảnh cá nhân là tội phạm.

Hơn cả, hành vi lan truyền thông tin cá nhân này có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với những người vô tội, đặc biệt là để lại hậu quả lâu dài đối với trẻ em - những người chưa kịp hiểu chuyện. Đó là việc phải đối mặt với những cú sốc vô cùng lớn thời gian sau này khi hiểu hết mọi sự thật hay chính cái nhìn ác cảm từ dư luận về một cuộc đời không may mắn là sản phẩm của hành vi lệch lạc từ những người sinh ra chúng.

Tại sao quan hệ cận huyết bị loại bỏ và không thể chấp nhận trong xã hội loài người?

Bạo lực học đường vẫn trong tình trạng báo động, trường học kiệt sức với bài toán ứng phó

Đòi hỏi những điều công bằng, tại sao lại chỉ trích ứng dụng chống gian lận?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ