Cốt truyện của Lady Bird khá đơn giản, với trung tâm là một nữ sinh 17 tuổi, thế nhưng bộ phim để lại nhiều dư âm bởi cách truyền tải thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Lady Bird (Tuổi Nổi Loạn) là một bộ phim thuần về tâm sinh lý của tuổi mới lớn đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Với những khán giả chưa có nhiều hiểu biết về tình hình nước Mỹ trong giai đoạn được tái hiện trong phim, có thể họ sẽ cảm thấy không có nhiều liên đới với bối cảnh xã hội được phản ảnh.
Tuy vậy, 93 phút gọn ghẽ của bộ phim vẫn có cách để lay động toàn bộ khán giản, bởi vì câu chuyện về năm cuối cấp của nhân vật nữ chính vẫn là "câu chuyện toàn cầu" với những căng thẳng, xung đột trong các mối quan hệ, thêm cả sự tò mò về giới tính, hay cảm xúc chợt chớm nở,... mà bất cứ thanh thiếu niên mới lớn nào cũng trải qua.
Cảnh báo: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Lady Bird ghi lại cuộc sống của một thiếu niên trung học nổi loạn, nhưng không theo “vết xe đổ” sáo rỗng và “lên gân”
Christine "Lady Bird" McPherson (Saoirse Ronan thủ vai) là một nữ sinh lớn lên ở Sacramento, đang theo học năm cuối tại một trường trung học Công giáo để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Lady Bird (tạm dịch: Điểu cô nương) là cái tên Christine tự đặt cho mình và mong muốn gia đình, thầy cô, bạn bè xung quanh cũng gọi cô như vậy.
Trong mắt Điểu cô nương, thành phố Sacramento quá ảm đạm, cô mơ ước được đến New York học đại học để thỏa chí tang bồng, nhưng vấp phải sự phản đối từ người mẹ Marion (Laurie Metcalf thủ vai). Bà ra sức thuyết phục và "ép buộc" con gái mình đăng ký một trường đại học địa phương vì tình hình tài chính gia đình eo hẹp.
Tiêu đề của bộ phim - Lady Bird, tự thân nó đã là một câu chuyện. Cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Điểu cô nương để được gọi bằng cái tên này, là cuộc đấu tranh cho bản ngã của những thanh niên mới lớn. Lady Bird (Tuổi Nổi Loạn) là bộ phim "coming-of-age" (phim dành cho lứa tuổi mới lớn) đề cập đến những chủ đề mà hầu như thiếu niên nào cũng trải qua: xung khắc với cha mẹ, ứng tuyển vào đại học, cảm thấy lạc lõng, làm lành với bạn thân, thất tình, v.v.
Nhưng sức hấp dẫn của bộ phim, để khiến nó trở thành cái tên bội thu đề cử tại hàng loạt lễ trao giải điện ảnh vào năm 2017, không nằm ở cách thiết lập nội dung, mà phải là các chi tiết - điều tạo ra thế giới cảm xúc và những nét hay ho lẫn sự duyên dáng của các nhân vật, dưới bàn tay của nữ đạo diễn đồng thời là biên kịch Greta Gerwig.
Dẫu cốt truyện Lady Bird không mới và được xem như là tác phẩm bán tự thuật (semi-autobiography) của Greta Gerwig, đây vẫn là một bộ phim mang tính cá nhân sâu sắc. Không chỉ với Greta Gerwig, hay ngôi sao chính Saoirse Ronan, bộ phim còn thuộc về bất kỳ ai xem nó.
Lady Bird như một cuốn album ảnh mà người xem có thể bắt gặp những ký ức của mình: ký ức về tuổi trẻ, về những đấu tranh "bồng bột" nhưng đáng yêu. Bộ phim như lời tạm biệt đầy yêu thương gửi đến tuổi ẩm ương một thời "trăn trở" với câu hỏi: "Tôi là ai?"
Phim chủ yếu được kể dưới góc nhìn của Lady Bird, và giống như hầu hết các học sinh trung học, sự chú ý của cô nàng chỉ tập trung vào bản thân và những rắc rối của chính mình.
Diễn viên Saoirse Ronan từng thừa nhận sự khác biệt của nữ chính Lady Bird so với motif làm phim coming-of-age: "Lady Bird có những bất an, hoài nghi của riêng mình, nhưng cô ấy luôn tin tưởng vào bản thân, tôi nghĩ cô ấy thích chính mình. Cô ấy có chính kiến, dẫu 'giải mã' bản thân cần một quá trình, nhưng ít nhất Lady Bird luôn biết chính xác những gì mình muốn nói".
Từ trước đến nay, khán giả có lẽ đã quen thuộc với câu chuyện về một nữ chính luôn luôn tự ti về mình, và hành trình lột xác chỉ bắt đầu khi cô gái ấy cảm thấy thua kém các bạn gái lộng lẫy xung quanh, hoặc vì tình yêu với một cậu trai "hotboy" nào đó. Lady Bird gần như là nữ chính tuổi teen đầu tiên có được sự tự tin và niềm kiêu hãnh đặt vào bản thân.
Nhưng không vì vậy mà Lady Bird "đánh mất" những rắc rối thường thấy của tuổi mới lớn: Điểu cô nương cũng ương ngạnh với thầy cô, cũng từng "bỏ rơi" người bạn thân chất phác của mình để chạy theo những cô cậu bạn sành điệu khác, hay tự mình đóng giả là một đứa trẻ giàu có,... Chỉ là trong từng quyết định, khán giả luôn thấy Lady Bird tôn trọng chính mình, chứ không "gồng" lên thay đổi vì một tác động ngoại cảnh ẩn chứa sự phán xét của khuôn mẫu xã hội.
Đó có lẽ là tinh thần "yêu bản thân" và chủ nghĩa nữ quyền lặng lẽ, nhưng nổi bật của tác phẩm. Không có anh hùng, không có khẩu hiệu, không có bài phát biểu, chỉ là tầm nhìn sắc sảo của Gerwig về một phụ nữ trẻ, thông minh với những ý tưởng lớn. Lady Bird là ví dụ đầy thuyết phục về một bộ phim nơi không chỉ diễn viên, mà đạo diễn cũng là ngôi sao.
Những thông điệp đơn giản nhưng sâu sắc, thể hiện qua nhiều câu thoại đắt giá
Một điểm đặc biệt đáng khen của Lady Bird là Greta Gerwig đưa vào rất nhiều diễn viên phụ. Nhiều nhưng không hề "loãng", sự xuất hiện của từng nhân vật, dẫu có ngắn ngủi, nhưng khán giả chắc chắn sẽ đồng ý với vai trò họ thể hiện trong phim.
Ma sơ Sarah-Joan (Lois Smith thủ vai) chỉ có hai phân cảnh chính, nhưng vị giáo viên sắc sảo này đã nhìn thấu Lady Bird hơn bất cứ ai. Sơ Sarah-Joan là người đầu tiên để ý đến bản tính thích thể hiện của Lady Bird. Và phát hiện "tình yêu và sự chú ý đôi khi cũng giống nhau" thể hiện qua câu thoại của sơ Sarah-Joan là một quan sát đắt giá của bộ phim.
Trong một phân cảnh khác, lập luận "bốc đồng" làm náo loạn cả hội trường của Lady Bird khi tranh luận với giáo viên về việc có nên phá thai, nếu thực sự nghĩ kỹ thêm một chút thì… không phải là không có lý.
Dẫu sau đó Lady Bird phải nhận giấy đình chỉ vì "nông nổi" mà nói rằng buổi tọa đàm của cô giáo là ngu ngốc, nhưng góc nhìn có phần táo bạo và "ngang ngược" của Điểu cô nương chính là đang lột tả chân thực cách tư duy mới lạ, nhưng không phải lúc nào cũng bồng bột hay vô lý của những thiếu niên tuổi vị thành niên.
Ẩn sâu bên trong bộ phim Lady Bird là những suy ngẫm về cách nuôi dạy con cái, về cuộc vật lộn với tiền bạc, và những ngã rẽ vào tương lai không hoàn toàn giống như những gì chúng ta mong muốn. Nhưng chủ đề mạnh mẽ nhất, cũng là tinh tế nhất của phim là sự quan tâm "sát sao" đến thế giới xung quanh ta và những người thân cận với ta nhất.
Người lớn không hoàn hảo, và họ có thể cũng đang "học" làm bố mẹ
Cặp đôi trung tâm của Lady Bird là Điểu cô nương và người mẹ Marion. Bộ phim khá tinh tế khi xây dựng nhân vật Marion làm y tá - một công việc đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ và thận trọng.
Tính cách này của người mẹ, trong bối cảnh gia đình gặp khó khăn về tài chính, là một "tương phản" với cá tính bay bổng và khát khao theo học nghệ thuật tại New York sành điệu của cô con gái. Sự khó khăn của gia đình McPherson chính là sự thật nước Mỹ vào thời điểm những năm 2002 - 2003, sau sự kiện khủng bố 11/9 chấn động và giai đoạn "giông bão" của nền kinh tế.
"Trên toàn thế giới, mỗi phút có 8 người mẹ ra đời". Đây có thể là câu tiêu đề "đảo ngược" của thông tin "Mỗi phút có 8 đứa trẻ ra đời" được đăng trên một tờ tạp chí về sức khỏe, nhưng về ý tứ, dẫu góc nhìn có chút "ngược ngạo" giống cá tính của Lady Bird, nó đâu đó cũng ẩn chứa một phần sự thật. "Sinh con rồi mới sinh cha", đôi khi sự thiếu trải nghiệm của những đứa trẻ cũng vô tình tạo nên cảm nhận "hà khắc" đối với cha mẹ mình.
Chúng có thể không nhận ra thực chất bố mẹ cũng chẳng hoàn hảo, hay không ai bẩm sinh đã biết cách làm cha mẹ. Có thể người lớn cũng phải học cách trở thành một ông bố, bà mẹ tốt, và một khi đã "học", thì không thể nào tránh khỏi những lúc phạm lỗi lầm.
Ma sơ Sarah-Joan đã đúng, khi tình yêu là sự chú ý. Có chăng tình yêu của người mẹ khó tính dành cho Lady Bird cũng là một sự chú ý quá đà vào cô con gái đang lớn của bà.
Bà ngoại của Lady Bird là một người nghiện rượu. Có thể chính ký ức buồn đó về mẹ mình đã khiến người mẹ Marion có phần "khắt khe" với những biểu hiện nổi loạn, nhưng kỳ thực là để cố chứng minh bản ngã của con gái mình.
Còn về phần Lady Bird, hẳn là trong suy nghĩ, đứa con nào cũng có một khát khao được bố mẹ - những người thân cận nhất chấp nhận và yêu thích con người thật của mình, dẫu chúng ta có khác biệt với người sinh thành ra ta.
Trong khi cô con gái Lady Bird chỉ cần một câu khen của mẹ, rằng "Con xinh lắm!", thì người mẹ lại có chút bối rối và ngập ngừng để bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của mình. Dẫu vậy, chúng ta vẫn nhìn ra ánh mắt có chút "hối hận" của mẹ, khi không thể nói nên lời khen con mình và bị con sập cánh cửa ngay trước mắt.
Hay cái "ngắc ngứ", ậm ừ khi đột nhiên bị hỏi "Mẹ có thích con không?" chính là sự bối rối của người làm mẹ. Lá thư xé đi viết lại trước ngày con đi học xa mà người bố cuối cùng lén "dúi" vào vali Lady Bird cũng là một nỗ lực "học làm mẹ" của nhân vật Marion.
"- Nhưng mẹ có thích con không?
- Mẹ muốn con là phiên bản tốt nhất của chính mình.
- Sẽ thế nào nếu đây mới là phiên bản tốt nhất?"
Thế nhưng, sau tất cả, Lady Bird đã có một hành trình "đi để trở về". "Thoát kén" thành công để đến được thành phố New York mơ ước, cô gái mới nhận ra mình nhớ Sacramento đến nhường nào, và sự vô giá của tình yêu thương giữa người thân trong gia đình. Chỉ một chi tiết cuộc điện thoại gọi về nhà của Lady Bird, khán giả sẽ biết cô nàng đã "trở về".
Cũng như cảnh phim kết - khi Lady Bird lái xe và quang cảnh ảm đạm quen thuộc của Sacramento dần xuất hiện, đó dường như là mối dây liên hệ vô hình giữa mỗi cá nhân với nơi "nuôi dưỡng" tuổi thơ của mình.
Dù chỉ là phim "nhỏ" - một phim độc lập với kinh phí sản xuất chỉ khoảng 10 triệu USD, nhưng Lady Bird hoàn toàn xứng đáng được xem như một tác phẩm "lớn". Như dòng chữ "Fly away home" (tạm dịch: Cánh chim rời tổ) xuất hiện trên poster phim, cánh chim chỉ có thể bay đi tìm kiếm chân trời mới một khi đã đủ lông đủ cánh.
Với toàn bộ những thông điệp nhân văn được truyền tải, Lady Bird là một thước phim hoàn hảo để dành tặng cho những ai đang, hoặc đã từng trải qua "tuổi nổi loạn".
Nguồn: TH&PL