Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tại 17 tỉnh, thành.
Vừa qua, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) đại diện cho biết năm 2022, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi ở các trường thành viên hơn so với những năm trước.
Tính đến hiện nay, đã có 80 trường đại học, cao đẳng chính thức ký kết sử dụng kết quả của kỳ thi này. Dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trong năm 2022.
Năm nay, kỳ thi được tổ chức thành 2 đợt. Đợt một được tổ chức vào ngày 27/3, tại 17 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Kết quả thi đợt một được công bố vào ngày 5/4.
Đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tổ chức thi vào ngày 22/5, trước kỳ thi THPT khoảng 1 tháng, tại 4 địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, An Giang. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố sau một tuần (ngày 29/5).
Đặc biệt, kỳ thi năm nay sẽ có 2 đợt đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi. Cụ thể, thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 1 và xét tuyển ngày 28/1-28/2. Đợt 2 từ ngày 6/4-25/4. Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng để xét tuyển.
Năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp. Sau khi kết quả thi đợt một được công bố, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết những nỗ lực đổi mới trong kỳ thi năm nay là để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho thí sinh cũng như các đơn vị tuyển sinh bằng kết quả của cuộc thi này.
Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh bằng đánh giá năng lực năm 2022 của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đều tăng. Trong đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành đến 70%, ĐH Kinh tế - Luật là 60%, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là 50%.
Nội dung đề thi vẫn không thay đổi sau 4 năm tổ chức, tập trung đánh giá kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
Nguồn: TH&PL