Nửa đầu năm, showbiz Việt không ngừng rung chuyển bởi sự "đổ gục" của các trụ cột. Nhưng trong một góc nhìn khác, biết đâu nó lại là tín hiệu tích cực cho thấy công chúng đã "để tâm", nghiêm túc và yêu cầu nghệ sĩ nhiều hơn trong quá khứ.
Sau 2 năm đóng băng vì dịch bệnh và ngập ngụa trong scandals, 2022 được mong chờ là năm làng giải trí tung ra những cú hit đột phá, mang thời huy hoàng quay trở lại. Thế nhưng, 6 tháng trôi qua, showbiz Việt lại liên tiếp chứng kiến những cái "cúi đầu" đầy tiếc nuối của các tên tuổi lớn.
Trong nửa đầu năm, các vấn đề như tranh chấp bản quyền, nghi án đạo nhái, văn hoá ứng xử hay đến cả nghi án PR bẩn đều lần lượt tạo nên làn sóng phản đối rầm rộ. Điều này cho thấy công chúng không còn thưởng thức âm nhạc trên "bề mặt" mà đã quan tâm và mạnh tay hơn rất nhiều đối với thị phi đằng sau tác phẩm.
Rõ ràng, nó cho thấy công chúng đã thông minh và tinh tường hơn khi thường thức nghệ thuật, đồng thời là báo động cho nghệ sĩ phải chỉn chu hơn nữa.
Sơn Tùng và MV There's No One At All là minh chứng cho thấy khán giả đã gắt gao và quyết đoán hơn hẳn khi đứng trước yếu tố tranh cãi trong âm nhạc đại chúng.
Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ rõ thời mà nhạc Việt tràn ngập các yếu tố "người lớn", các chi tiết phi logic hay thậm chí là tràn lan sản phẩm vô nghĩa, nhạc chế, hài nhảm trên top trending. Đó là giai đoạn người người nhà nhà làm MV theo kiểu "càng drama càng tốt" nhưng thiếu đầu tư về mặt ý nghĩa chỉ để lôi kéo sự chú ý của công chúng.
Thế nhưng, sự kiện "Sơn Tùng" đã cho chúng ta thấy thị hiếu và tư duy cảm thụ của khán giả đã thay đổi ít nhiều, nhiều nhất là khi họ sẵn sàng phán "án tử" cho một sản phẩm chứa nội dung đang nhạy cảm trong xã hội như ở There's No One At All. Người ta dần quan tâm hơn đến không gian "sống" và bối cảnh của tác phẩm, hơn cả là quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ tinh thần cộng đồng. Một vấn đề rất khác và có lẽ là lần đầu tiên diễn ra rầm rộ thế này trong nhạc Việt.
Và đương nhiên, đứng trước phạm vi ảnh hưởng đến cả xã hội, sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào dù đó là ngôi sao hàng đầu như Sơn Tùng M-TP.
Bên cạnh đó, làn sóng phản đối Sơn Tùng cũng cho thấy công chúng bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn đến bối cảnh, đến concept và đến chi tiết của một sản phẩm nghệ thuật, chứ không đơn thuần là xem cho "giải trí" nữa. Có lẽ đây là lúc mà chúng ta cần làm rõ "giải trí" không có nghĩa là vô nghĩa, nhảm, mọi tác phẩm đều phải có "linh hồn" của riêng nó.
Quay ngược trở lại những năm trước đây, thời mà người ta lên tiếng ầm ĩ phản đối cách làm nghệ thuật của Chi Pu nhưng vẫn đều đặn và dễ dãi "cày" MV Từ Hôm Nay đạt 23 triệu views trên youtube, thì bây giờ, họ đã có thể mạnh tay, quyết đoán hơn trong làn sóng yêu cầu gỡ bỏ MV Sơn Tùng.
Không chỉ Sơn Tùng, Đen Vâu cũng đã phải thay đổi lời bài hát khi lời ban đầu có yếu tố khơi nguồn bạo lực gia đình. Đối với 1 vấn đề nhạy cảm như thế, khán giả đã buộc anh chàng phải thay đổi.
Đây có lẽ là tín hiệu rất đáng mừng cho nền âm nhạc Việt bởi có cầu mời có cung, yêu cầu và mong muốn âm nhạc chỉn chu từ phía khán giả sẽ là tiền đề để nghệ sĩ thay đổi mình. Đồng thời nó cũng là hồi chuông báo động cho thấy khán giả ngày nay đã không còn chỉ là "quyền lực ảo" trên mạng xã hội.
Nhìn cách công chúng trung lập thảo luận và lên tiếng về câu chuyện cư xử của Đông Nhi đối với fandom của mình, người ta thầm mừng vì công chúng thời nay đang dần đề cao nhân cách và cách hành xử của người nổi tiếng.
Khác với "láng giềng" Kbiz coi trọng quy tắc ứng xử, người nổi tiếng ở Việt Nam rất thường có những pha "bệnh ngôi sao", "ngông cuồng" và "loạn ngôn" trên cả mạng xã hội và bên ngoài đời sống thực. Chuyện một ai đó, một lão làng hay thậm chí một ngôi sao mới nổi lớn tiếng trên báo chí, cư xử cộc cằn và thiếu tôn trọng chẳng còn gì là xa lạ đối với người hâm mộ nữa. Thậm chí, những cuộc khẩu chiến, những màn sụp đổ hình tượng vì scandal đời tư là chuyện "dăm ba bữa" trong showbiz Việt.
Thậm chí, nhân cách và văn hoá cư xử của nghệ sĩ đã từng là rào cản lớn nhất để ta có được nền nghệ thuật văn minh.
Tuy nhiên, đây có lẽ là lúc nghệ sĩ cần phải nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi, bởi đây là thời mà công chúng dần nghiêm túc và đanh thép hơn trong văn hoá cư xử của nghệ sĩ. Cụ thể, trong vụ "Đông Nhi lời qua tiếng lại với FC", khán giả trung lập lại là những người tỉnh táo và đưa ra các cảnh báo cho chính cô nàng này.
Một làn sóng tẩy chay và phản đối nữ ca sĩ cũng theo đó mà dần nổi dậy. Đối với một cái tên được "cưng" nhất nhì làng nhạc Việt như Đông Nhi, phản ứng kịch liệt này cho thấy khán giả đã không còn dễ dàng bỏ qua qua nghệ sĩ thiếu kiềm chế trong ứng xử như trong quá khứ. Dù đó có là những tên tuổi được yêu thương như Đông Nhi.
Nếu quay trở về thời điểm cách đây 2, 3 năm, thời mà người nổi tiếng chẳng ngần ngại "đốp chát", "tố tụng" đồng nghiệp, ekip và có khi là cả người yêu. Khi đó, có lẽ trường hợp của Đông Nhi chẳng là gì đáng chú ý vì công chúng đã bận mải mê với những màn "combat" căng thẳng sặc mùi độc hại của một ai đó và đang chờ đón xem ngày tiếp theo sẽ là ai bị "bóc phốt". Tôi cho rằng, "gay gắt" với nghệ sĩ thiếu văn minh là điểm sáng lớn nhất trong nửa đầu năm, bởi nó sẽ là tiền đề cho sự thanh lọc làng giải trí.
Hơn cả văn hoá ứng xử, ồn ào tình ái là một "loại bệnh" của showbiz Việt.
Đời tư nghệ sĩ luôn là món ngon khó cưỡng. Chính đó mà nó cũng là "topping" không thể thiếu trong các chiến lược truyền thông. Thành thật mà nói, câu chuyện truyền thông sản phẩm gắn liền với tình cảm bao giờ cũng "hot". Tôi nói điều này hoàn toàn không có ý cho rằng nó hoàn toàn xấu, với sự kiểm soát chặt chẽ, nghệ sĩ sẽ rất có lợi, trường hợp của Đông Nhi - Ông Cao Thắng là một ví dụ điển hình dùng tình cảm đời tư để xây dựng hình ảnh hôn nhân bền chặt.
Tuy nhiên, nếu dùng tình cảm như một "nước cờ" không có "chân tình", nghệ sĩ sẽ mất cả chì lẫn chài.
Câu chuyện nghệ sĩ dùng tình cảm mập mờ, ấp úng để "doping" cho sự nghiệp không hiếm, khán giả đã có lúc tức giận, nhưng mãi đến trường hợp của Phương Thanh, công chúng mới thể hiện rõ ràng sự tức giận, sự tức giận của công chúng thời đại này. Không chỉ bởi người ta đã hết lòng mong đợi cô hạnh phúc, mà còn là vì cô là người nghệ sĩ trụ cột, biểu tượng của một thời thanh xuân.
Từng có làn sóng ủng hộ bao nhiêu thì khi phản đối, làn sóng tẩy chay tăng gấp bội. Trong câu chuyện của Phương Thanh vẫn còn nhiều góc chưa rõ ràng. Thế nhưng không thể phủ nhận việc Phương Thanh tự "ship" mình và bạn diễn để dẫn dắt khán giả là một sai lầm khó tha thứ. Bởi nó không còn đơn thuần là thiếu chuyên nghiệp mà nó là sự thiếu tôn trọng khán giả, một cách nặng nề hơn là "lừa dối" lòng tin và sự thương yêu của người hâm mộ.
Phương Thanh có lẽ là "biển cảnh báo" cho bất kỳ nghệ sĩ nào vẫn còn muốn dùng chuyện tình cảm để "hỗ trợ truyền thông" cho sản phẩm mới. Khán giả đã khác, họ ngày càng thông minh và tinh tường, kéo theo đó là những "bản án" cũng ngày một nặng nề hơn.
Bản quyền và đạo nhái là vấn đề muôn thuở nhưng chưa bao giờ được giải quyết tận gốc trong showbiz Việt. Thậm chí, nó trở thành chuyện hiển nhiên không có gì bất ngờ cũng không có gì đáng lưu tâm.
Nghệ sĩ thoải mái sử dụng ca khúc của người khác, "vay mượn" ý tưởng tràn lan, "gom" ở đây một chút, ở kia một chút thế là đã có của riêng mình. Trong một thời gian dài, showbiz Việt thậm chí "không ai chưa từng dính nghi án đạo nhái".
Nói rõ hơn về đạo nhái. Có lẽ chưa bao giờ khán giả quan tâm đến vấn đề này nhiều như trong thời gian gần đây. Cả hai cái tên hàng đầu là Đông Nhi và Sơn Tùng MTP đều bị đem lên "đầu sóng ngọn gió" khi tác phẩm bị tố vay mượn ý tưởng. Sơn Tùng nhận hậu quả gỡ bài cho nội dung, nhưng trước khi bài được gỡ bỏ, vấn đề trùng hợp ý tưởng MV giữa anh chàng và G-Dragon vẫn chưa từng nguội. Khán giả không ngừng yêu cầu anh chàng đưa ra phản hồi hoặc cách giải quyết.
Tương tự Sơn Tùng, Đông Nhi khi comeback hoành tráng trong MV Đôi Mi Em Đang U Sầu, cô nàng bị "bắt bài" bởi cả phần biên đạo vũ đạo giống đến 90% với MV Toxic của AliENZ. Không lâu sau đó, Đông Nhi khẩu chiến với fandom, fan tỏ ra cực kỳ thất vọng, không chỉ với cách ứng xử của cô nàng, mà còn là vì với chất lượng sản phẩm và độ "tinh khiết" về mặt ý tưởng.
Nhưng thật vui mừng rằng vấn đề này đang dần được công chúng nhìn nhận một cách nghiêm túc và rõ ràng hơn. Một loạt những cái tên đình đám bị đưa ra "bàn tán" như Lệ Quyên, Tùng Dương,... khi hát không xin phép ca khúc Ai Chung Tình Được Mãi, là dấu hiệu cho thấy vấn đề bản quyền đang được công chúng quan tâm hơn bao giờ hết.
Trong số những lần công chúng lên tiếng mạnh mẽ về đạo nhái, đây có lẽ là thời gian mà người ta mạnh tay lên án nhất, khác hoàn toàn với tình cảnh "đã thấy nhưng làm ngơ" trước đây của khán giả.
Trong 6 tháng đầu năm, showbiz Việt không ngừng rung chuyển bởi sự "đổ gục" của các trụ cột. Nhưng trong một góc nhìn khác, biết đâu nó lại là tín hiệu tích cực cho thấy công chúng đã "để tâm", nghiêm túc và yêu cầu nghệ sĩ nhiều hơn trong quá khứ.
Liệu phải chăng đây là dấu hiệu "khải hoàng cho nền nghệ thuật Việt văn minh?
Nguồn: TH&PL