"Sa thải âm thầm" đang là vấn đề nhiều lao động trẻ và lao động GenZ gặp phải trong bối cảnh việc làm ngày càng cạnh tranh hiện nay.
Nhảy việc hay nghỉ việc trong im lặng đã trở thành một trào lưu của giới trẻ khi phải chịu những áp lực trong công việc như: không phù hợp công việc/công ty cũ, muốn tăng thu nhập, muốn trải nghiệm nhiều… Đây được xem là một cách "phản kháng" của người trẻ khi không đạt được những kì vọng trong công việc. Tuy nhiên, ở phía nhà tuyển dụng, để đáp lại trào lưu nghỉ việc trong im lặng, các nhà quản lý đã chọn cách "sa thải âm thầm".
Nội dung liên quan
"Sa thải âm thầm" (quiet firing) không phải là một khái niệm quá mới, chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe hoặc từng gặp trường hợp các công ty cố ý gây khó khăn, áp lực buộc nhân viên tự nguyện rời bỏ công ty.
Những dấu hiệu dễ dàng để bạn nhận biết mình đã bị "sa thải âm thầm":
- Cấp trên hạn chế trao đổi, thảo luận về công việc và giao những công việc không đúng năng lực, không đúng chuyên môn cho bạn.
- Không được tăng lương, thăng chức mà không có lý do cụ thể dù bạn có thâm niên công tác đủ lâu, công việc luôn đạt chỉ tiêu.
- Khối lượng công việc tăng một cách đột ngột.
- Đơn vị quản lý chủ động rút lại những cơ hội phát triển hoặc ép bạn vào những lộ trình không phù hợp.
Khi gặp phải những trường hợp trên nhân viên thường sẽ rơi vào trạng thái hoài nghi năng lực của bản thân, cô lập và tự động xin thôi việc. Có thể thấy, "sa thải âm thầm" và "nghỉ việc trong im lặng" có mối liên kết với nhau, vì sự chán nản, thờ ơ của những người bỏ việc im lặng có thể bắt nguồn từ môi trường công sở không hỗ trợ họ phát triển sự nghiệp.
Vậy nếu gặp phải những trường hợp nêu trên, bạn có thể tham khảo một số cách giải quyết sau:
Hãy ngồi lại và tự vấn chính mình, tự đánh giá tình hình hiện tại: Bạn cần tự trả lời các câu hỏi sau: Mình sẽ ổn nếu như mất công việc này chứ? Bạn yêu thích công việc này nhiều đến mức nào? Giới hạn chịu đựng của bạn đến đâu? Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên bạn cần phải thật bình tĩnh và thành thật. Việc này giúp bạn có cái nhìn thấu đáo hơn trong các lựa chọn tiếp theo.
Nói chuyện trực tiếp với cấp trên: Việc để tình trạng "im lặng" kéo dài chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả xấu nhất là nghỉ việc vì bạn và nhà tuyển dụng đều không hiểu đối phương muốn gì, chất lượng công việc đi xuống do không trao đổi cụ thể. Vậy nên thay vì để tình trạng "im lặng" khiến bạn phải "đau não" đoán già đoán non, hãy thẳng thắn trao đổi với sếp về những nguyện vọng trong công việc. Nếu cấp trên không đưa cho bạn một phương án hay lời giải thích rõ ràng, bạn nên cân nhắc một công việc mới.
Tìm hiểu đầy đủ kiến thức về hợp đồng lao động, chính sách làm việc và nghỉ việc: để xác nhận mình có trong trường hợp bị "sa thải âm thầm" hay không và chuẩn bị cho buổi gặp mặt trao đổi với cấp trên, bạn cần tìm hiểu kiến thức cơ bản về quá trình thăng chức, tăng lương của công ty qua các thông tin trong sổ tay nhân viên. Những căn cứ này có thể giúp cuộc trò chuyện với người quản lý trở nên dễ dàng hơn và giúp bạn có cơ sở để đàm phán về trường hợp hiện tại của bản thân.
Bên cạnh đó, chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là cả hai bên không đạt được thỏa thuận tiếp tục làm việc, kiến thức về hợp đồng lao động, chính sách nghỉ việc và bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp bạn yên tâm ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc mới.
Sau khi trao đổi với cấp trên nhưng vẫn gặp tình trạng "sa thải âm thầm", bạn nên cân nhắc tìm việc mới: có thể môi trường làm việc hiện tại không phù hợp với bạn vì trong trường hợp bạn không đáp ứng được những kỳ vọng trong công việc, cấp quản lý nên cung cấp những phản hồi, hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để nhân viên có thể phát huy năng lực làm việc thay vì "sa thải âm thầm". Tìm một công việc mới, tìm hiểu về chính sách nghỉ việc, giúp bạn không bị rơi vào thế bị động, làm chủ được cuộc sống, thu nhập và công việc.
Nội dung liên quan
Thử thách về năng lực và những yêu cầu về kĩ năng mềm là điều tất yếu trong công việc. Thay vì bi quan, các bạn trẻ có thể tìm cách giải quyết, linh động và lạc quan trong cách nhìn nhận vấn đề là chìa khóa để tìm được công việc phù hợp.
Hãy nhớ, một cánh cửa đóng lại, thì một cánh cửa khác-phù-hợp-hơn, đang chờ bạn phía sau!