Thời gian gần đây nhiều vụ việc xâm hại tình dục để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra như một hồi chuông báo động về việc giáo dục giới tính ở Việt Nam còn hời hợt, nhiều thiếu sót.
Ngày 17/9, thông tin từ Công an H.Quế Phong (Nghệ An) cho biết, cơ quan này đang tạm giữ ông P.H (70 tuổi, ngụ H.Quế Phong) là bảo vệ trường mầm non trên địa bàn để xác minh, điều tra vụ việc một nữ sinh 11 tuổi bị xâm hại tình dục.
Nội dung liên quan
Nạn nhân là một nữ sinh lớp 6, em được gia đình đưa đi bệnh viện kiểm tra khi có những dấu hiệu bất thường và phát hiện đã có thai hơn 6 tuần. Sau khi gia đình gặng hỏi, cháu bé này cho biết đã bị ông H. nhân viên bảo vệ một trường học ở gần nhà xâm hại khi cháu sang trường để chơi. Ngày 15/9, người nhà của cháu bé đã làm đơn gửi cơ quan chức năng huyện Quế Phong tố cáo ông H.
Thời gian gần đây, những vụ việc xâm hại trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng. Đối tượng gây án thường là người quen, tạo được lòng tin với các nạn nhân. Từ đó dẫn đến việc sau khi bị xâm hại có nhiều nạn nhân không dám kể về những gì đã xảy ra, sự việc bị lặp đi lặp lại. Việc bị tấn công tình dục liên tiếp xảy ra bởi những người thân, người quen và có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào, từ trường học hay chính trong ngôi nhà của các em đang ở.
Đáng báo động là các nạn nhân đã ở tuổi vị thành niên nhưng không đủ kiến thức về giáo dục giới tính, dẫn đến việc các em bị lợi dụng, xâm hại tái diễn nhiều lần và chỉ bị phát hiện khi đã có hậu quả nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tinh thần. Không thể phủ nhận, sự tránh né các vấn đề nhạy cảm của bậc phụ huynh cùng với sự thiếu sót về giáo dục kĩ năng mềm, kiến thức giới tính của nhà trường là một lỗ hổng lớn trong việc giúp các em trang bị kĩ năng tự bảo vệ mình.
Nội dung liên quan
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc trang bị đầy đủ kiến thức giáo dục giới tính là một trong những cách bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục hiệu quả nhất. Ngoài việc tìm hiểu qua sách báo, giáo dục tại trường lớp, các bạn trẻ vị thành niên cũng có thể tìm hiểu kiến thức giới tính qua các kênh giáo dục giới tính.
Nhiều Social Star đã mang một góc nhìn mới về giáo dục giới tính đến với cộng đồng người trẻ. Đây là những cá nhân có nhiều kinh nghiệm về tình dục, có kiến thức chuyên môn lẫn thực tế, có góc nhìn cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng.
Nếu phát hiện nguy cơ bị xâm hại hay trường hợp bị xâm hại, các em có thể báo cho chính quyền địa phương để nhận được sự giúp đỡ hoặc gọi vào số hotline: 111 (tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý). Ngoài ra, người dân có thể dễ dàng tìm và gọi "Tổng đài 111 trên Zalo. Hoặc liên hệ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 1800.90.69