Những tưởng ở xã hội hiện đại, khi con người ngày càng tiến bộ và nỗ lực nhiều hơn thì Britney Spears lại đang ở trong cuộc chiến chỉ để giành lại những quyền cơ bản nhất của một cá nhân.
Luật pháp, mà quyền bảo hộ thuộc về phạm trù ấy, được khai sinh để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Thế nhưng, thông qua câu chuyện pháp lý của Britney Spears đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới, chúng ta thấy rằng còn rất nhiều bất cập đằng sau, và quyền bảo hộ dường như đi ngược lại tôn chỉ đó, khi quyền của con người lại bị giới hạn theo những cách thức rất khác nhau và vô cùng phức tạp.
Cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát của Britney Spears đã chuyển phạm vi được quan tâm từ cộng đồng những người hâm mộ sang đại chúng. Sự việc này thu hút, không phải vì chúng đưa đến thông tin giải trí bên lề của một ngôi sao, mà bởi vì những gì Britney đang trải qua trực tiếp nói lên khát vọng tự do của con người.
Khi tiếng nói công lý bị phớt lờ
Cụ thể hơn, trận chiến của cô đại diện cho sự đấu tranh của rất nhiều người bị gạt ra ngoài lề xã hội, khi quyền tự do “bỏ rơi” họ, tiếng nói công lý của họ bị phớt lờ, hoặc tồi tệ hơn, hệ thống pháp luật tưởng sẽ là “bến bờ” công lý cho họ lại trở nên bất lực.
Vào tháng 2/2021, Tòa Thượng thẩm Los Angeles ra phán quyết cân bằng thẩm quyền quản lý quyền giám hộ Britney Spears (bao gồm giám hộ cá nhân và giám hộ tài sản) giữa công ty Bessemer Trust và người giám hộ Jamie Spears - tức bố của cô. Từ trước đó, Britney muốn để công ty Bessemer Trust là đơn vị duy nhất quản lý công việc kinh doanh và tài chính của mình.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực hết lần này đến lần khác từ phía Britney và luật sư yêu cầu tòa án loại bỏ quyền bảo hộ cuộc sống hoặc tài sản, hoặc cả hai, mà ông Jamies Britney đang nắm giữ đối với cô, thẩm quyền bảo hộ của ông Jamies đến giờ vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn.
Chính vì vậy, Britney Spears “mắc kẹt” trong bốn bức tường mang tên “quyền giám hộ” khi cô là người duy nhất kiếm tiền nhưng phải chi trả mọi chi phí cho những người xung quanh, bao gồm gia đình, ê-kíp quản lý, đội ngũ y tế, luật pháp; và còn bị tước quyền quyết định khối tài sản do chính mình làm ra.
Chiến dịch #FreeBritney (Trả tự do cho Britney) được phát động vào năm 2009 trên trang web của cộng đồng người hâm mộ mang tên BreatheHeavy.com, hiện nay đã trở thành một phong trào toàn cầu. Các cộng đồng “yếu thế” từng bị từ chối quyền tự do của mình như phụ nữ, người đồng tính và chuyển giới, đặc biệt là người khuyết tật - đã tập hợp lại để nỗ lực lên tiếng, đòi lại quyền công dân mà Britney Spears đã bị tước đi toàn phần trong nhiều năm qua.
Những tưởng ở xã hội hiện đại, khi con người ngày càng tiến bộ và nỗ lực nhiều hơn để có được nhiều tự do hơn, thoát ra khỏi những định kiến thuộc về tư tưởng, thì Britney Spears lại đang ở trong cuộc chiến chỉ để giành lại những tự do cơ bản nhất của một cá nhân: tự do kiểm soát cơ thể chính mình, tự do trong sức khỏe sinh sản, tự do kiểm soát tài chính và cả kiểm soát quỹ thời gian. Britney đang chống lại những người dường như chỉ coi cô những một món hàng để họ có thể khai thác và thu lợi về mặt vật chất.
#FreeBritney: Không đơn thuần là cuộc đấu tranh cho ngôi sao, mà còn đang chống lại những bất cập của cả một cơ chế pháp lý
Sở dĩ phong trào #FreeBritney có sức lan tỏa mạnh mẽ là bởi vì nó dựa trên sự đồng cảm và chia sẻ. Không ai là mong muốn mình bị mất đi quyền tự do kiểm soát chính cuộc đời mình. Trong cả hai phim tài liệu Framing Britney Spear (tạm dịch: Đổ lỗi cho Britney Spears) và Britney: For the Record (tạm dịch: Kỷ lục của Britney), nếu quan sát và lắng nghe lời Britney kỹ càng, khán giả sẽ nhận ra nữ ca sĩ luôn bày tỏ khát khao được “tự do” (free) và “giải phóng” (liberated).
“Chế độ quản thúc này đã tước đi mọi tự do cá nhân của tôi”, nữ ca sĩ từng nói như vậy vào năm 2008. Trong phim tài liệu đầu tiên, Britney kể lại lần cuối mà cô cảm thấy tự do là lần gần nhất cô còn được lái xe. “Tôi không được phép lái xe, vậy nên chỉ với một việc tưởng như đơn giản là lái xe, thì đối với tôi, nó đem lại sự tự do, dẫu chỉ một ít".
Trong suốt nhiều năm, khán giả thấy Britney liên tục sử dụng hình ảnh sợi dây xích đưa vào thiết kế bìa album Glory, như để thể hiện khao khát được giải phóng của cô. Theo lời David LaChapelle - vị đạo diễn của MV Make Me nằm trong album Glory - một MV quay vào năm 2016 nhưng vĩnh viễn không được phát hành, Britney luôn thể hiện ước muốn này của cô thông qua các sản phẩm nghệ thuật.
Theo tờ báo Page Six, một nguồn tin thân cận với nữ ca sĩ cho biết Britney “hy vọng rằng bằng sự nỗ lực của mình, một ngày nào đó cô có thể hoàn toàn thoát khỏi sự kìm kẹp từ người bố ruột". Trong lịch sử, quyền tự do của phụ nữ thường bị giới hạn trong ba quyền sau: quyền lựa chọn (con được biết đến là “ý chí tự do”, hoặc quyền tự chủ); quyền tự quyết (hoặc là quyền kiểm soát cơ thể của mình); và quyền tự do đi lại. Quyền giám hộ đã tước bỏ tất cả những tự do này của Britney Spears.
Luật về quyền bảo hộ khá phức tạp, thậm chí với những người làm trong ngành hay các bên trực tiếp liên quan, họ cũng gặp khó khăn để có thể nắm bắt trọn vẹn, thấu đáo vấn đề. Khi công chúng kịch liệt phản đối quyền giám hộ áp đặt lên Britney Spears, chúng ta thấy họ không chỉ đấu tranh để đòi lại tự do cho một ngôi sao, mà còn đang chống lại những bất cập của cả một cơ chế pháp lý đứng đằng sau.
Sự bền bỉ đấu tranh có lẽ sẽ là chìa khóa để được giải phóng
Trong suốt hàng năm trời, những người đàn ông như Jamie Spears nắm quyền kiểm soát phụ nữ bằng cách tước đi tự do tiếp xúc thông tin và kiểm soát nguồn lực tài chính của họ. Trong sự việc của Britney Spears, chúng ta biết rằng cô bắt đầu nổi loạn và mắc bệnh tâm lý khi trải qua giai đoạn khủng hoảng (ly hôn, trầm cảm sau sinh, tác hại của chất kích thích,…); nhưng cũng như hàng triệu công dân Mỹ khác, điều đó không phải là lý do đủ để tước đi toàn bộ tự do của một con người.
Trong khi Britney Spears đã yêu cầu công khai toàn bộ vụ việc, thì vẫn còn nhiều bằng chứng khác chưa được tiết lộ hoàn toàn, chẳng hạn như báo cáo y tế khẳng định cô gái Britney Spears 26 tuổi vì chứng bệnh tâm lý nên không đủ khả năng tự gọi luật sư cho mình, và do đó không thể tự bào chữa. Thậm chí tờ báo Page Six từng nhận được một báo cáo nặc danh (vì nặc danh nên họ không thể khẳng định tính xác thực) rằng ông Jamie đã cấm túc Britney Spears 3 tuần chỉ vì cô tự ý đi gặp một người bạn mà không có sự đồng ý trước đó của ông.
Trong lịch sử, còn một “đòn” quản thúc cuối cùng, gây nên bất ổn tâm lý nhất, đó là khi một người bị gọi là “có trạng thái tinh thần bất ổn”, “điên rồ”, hoặc “quá kích động, cuồng loạn”. Lúc đó, họ gần như không có cơ hội được lắng nghe, hay cất tiếng nói để bảo vệ chính mình. Một khi các cơ quan thẩm quyền tin rằng Britney không có đủ sức khỏe và năng lực về cả thể chất lẫn tinh thần, thì niềm tin này có thể trở thành nhận định để chống lại bất kỳ biểu hiện tự chủ nào trong tương lai của cô.
Đằng sau bất kỳ hành động nổi loạn nào cũng là một sự kêu cứu. Bản thân Britney Spears có lẽ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, trong giai đoạn nổi loạn - khi cô yếu ớt và dễ tổn thương nhất, và bộc phát những hành động mất kiểm soát, lại là thời điểm bắt đầu cho một cuộc đấu tranh dài hơi và vất vả về sau để giành lại sự tự do của mình.
Sự bền bỉ đấu tranh có lẽ sẽ là chìa khóa để được giải phóng. Khi hy vọng còn được ấp ủ, sự thật sẽ được hé lộ, thế nên đừng từ bỏ, dẫu có phải đối diện với những thử thách đau lòng, và hãy lên tiếng! Bắt đầu từ một tiếng nói, hàng triệu tiếng nói khác cũng sẽ được “khởi phát”, để tạo ra nhiều cuộc đối thoại, tạo không gian cho mỗi cá nhân có quyền được cất tiếng nói bảo vệ sự bình đẳng.
Chiến dịch #FreeBritney hiểu rõ điều này, và họ đang quyết liệt hành động như vậy.
Nguồn: TH&PL