Nghiên cứu cho thấy có đến 80% người nhiễm Covid-19 sau khi được chữa khỏi vẫn gặp phải một vài triệu chứng liên quan đến hội chứng “Covid kéo dài”.
Ngay cả khi đã được điều trị khỏi Covid-19, nhiều bệnh nhân còn phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng sức khoẻ sau đó điển hình là Hội chứng Covid kéo dài. Hội chứng "Covid kéo dài" còn gọi là di chứng hậu Covid được coi là một dạng khuyết tật theo Đạo luật về người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA).
Đa số những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và trở nên khỏe mạnh hơn chỉ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng điều trị. Tuy nhiêu một vài người lại gặp phải các tình trạng hậu Covid có thể gọi như di chứng Covid ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe cơ thể.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người bị hội chứng Covid kéo dài có một loạt các triệu chứng mới hoặc liên tục, có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi họ bị nhiễm virus và có thể trầm trọng hơn về mặt thể chất hoặc các hoạt động tinh thần khác.
Hội chứng hậu Covid có thể xảy ra ở bất kỳ người nhiễm nào
Không chỉ riêng người nhiễm Covid-19 có triệu chứng nặng, kể cả những người bị bệnh cấp tính nhẹ vẫn xuất hiện hội chứng hậu Covid. Nghiên cứu cho thấy có đến 80% người nhiễm Covid-19 sau khi được chữa khỏi vẫn gặp phải một vài triệu chứng liên quan đến hội chứng "Covid kéo dài". Tình trạng này xuất hiện ở các dạng khác nhau và có thể bị một vài bệnh trong cùng một khoảng thời gian.
Mặc dù các hội chứng Covid có thể ít phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên so với người lớn, nhưng ảnh hưởng về lâu về dài sau khi mắc Covid-19 vẫn xảy ra ở nhiều trẻ em và thanh thiếu niên kể cả mắc bệnh nhẹ hay nặng.
Ở nhiều quốc gia thì tỷ lệ mắc hội chứng sau khi nhiễm Covid-19 chắc chắn sẽ khác nhau do khác về đặc trưng dân số, nghiên cứu và thống kê số liệu và độ chênh lệch về trình độ chăm sóc y tế ở mỗi quốc gia.
Nhiều cơ quan bị ảnh hưởng dù đã chữa khỏi Covid-19
Hội chứng "Covid kéo dài" có thể gây ra một loạt các triệu chứng ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, hệ tiêu hoá…Chúng có thể kéo dài trong vài tuần hoặc hơn thế, triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Dưới đây là những triệu chứng thường thấy sau khi mặc Covid-19:
- Khó thở hoặc hụt hơi
- Mệt mỏi hay chóng mặt
- Các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần (hay còn gọi là tình trạng khó chịu sau khi gắng sức)
- Khó suy nghĩ hay tập trung (đôi khi còn được gọi là "sương mù não")
- Ho
- Đau ngực hoặc dạ dày
- Đau đầu
- Tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (còn được gọi là trống ngực)
- Đau cơ hay khớp
- Cảm giác tê râm ran
- Tiêu chảy
- Gặp vấn đề về giấc ngủ
- Sốt
- Chóng mặt khi đứng dậy (choáng váng)
- Phát ban
- Thay đổi tâm trạng
- Thay đổi về vị giác và khứu giác
- Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra còn có nhiều trường hợp gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch, theo đó là các triệu chứng kéo dài hậu Covid-19. Việc ảnh hưởng đa cơ quan có thể tác động tới nhiều bộ phận của cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, da và não. Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn, gây viêm (sưng đau) hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.
Các kiểm soát căng thẳng liên quan đến di chứng hậu Covid
Việc kiểm soát căng thẳng đối với những người mắc di chứng hậu Covid là vô cùng quan trọng. Họ đã phải chiến đấu cả một quãng đường dài để khỏi bệnh nhưng lại không thể tránh khỏi di chứng phía sau. Điều then chốt nhất vẫn là tạo một tinh thần tích cực và tạo sự thoải mái trong lúc chăm sóc những người bị di chứng Covid.
Để đối phó với căng thẳng, trước hết nên ngừng xem, đọc hay tiếp cận những tin tức trên các phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến Covid. Vì điều này dễ làm chúng ta hoang mang và khó quản lý cảm xúc căng thẳng của mình. Thay vào đó hãy dành nhiều thời gian để chăm sóc cơ thể như luyện tập các bài tập hít thở, chạy bộ đặc biệt là ăn uống lành mạnh hơn.
Cần phải có chiến lược đúng đắn để đưa tâm lý người gặp hội chứng sau khi mắc Covid-19 về trạng thái cân bằng. Dừng những cảm xúc như buồn bã, trầm cảm, lo lắng hoặc suy nghĩ làm tổn thương bản thân, hãy kết nối với những người sẵn sàng lắng nghe và nhận lấy sự chăm sóc đến từ người khác như một liều thuốc chữa lành. Đây có vẻ là một cuộc chiến tiếp nối nhưng chỉ có sự cởi mở và chân thành mới tháo gỡ mọi sự cô độc xung quanh những cá nhân gặp di chứng hậu Covid.
Nguồn: TH&PL