Cuối tháng 9 vừa qua, loạt tranh phụ nữ, trẻ em của Mai Trung Thứ vừa được đấu giá bởi nhà Aguttes tại Pháp. Tác phẩm được định giá cao nhất của ông đạt tới hơn 15 tỷ đồng.
Mai Trung Thứ là một trong những họa sĩ Việt Nam có nhiều tác phẩm được đấu giá và đạt giá cao trên thị trường quốc tế. Trong đó có bức Chân dung cô Phương đạt 3,1 triệu usd hồi tháng 4/2021, lập kỷ lục giá cao nhất của tranh Việt. Đó là những mức giá rất cao dành cho các tác phẩm hội hoạ thời Đông Dương, đặc biệt là với tranh lụa.
Hãy cùng tìm hiểu những dấu ấn nghệ thuật trong tranh của Mai Trung Thứ để hiểu hơn về một tượng đài có công mang nghệ thuật tranh lụa của Việt Nam vươn ra ngang tầm với thế giới.
Mai Trung Thứ (1906 - 1980) là hoạ sĩ nổi tiếng của nền Mỹ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khoá đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (9125-1930), được mệnh danh là một trong "tứ kiệt trời Âu" của Mỹ Thuật Việt Nam cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu.
Phần lớn cuộc đời ông sống và làm việc tại Pháp. Tên tuổi ông gắn liền với những bức tranh lụa về phụ nữ, trẻ em và các sinh hoạt thường ngày dưới cái nhìn mang màu sắc Á Đông.
Chúng ta hãy cùng nhìn hai bức La Joconde trên. Một là bức kinh điển của Leonardo da Vinci và bức bên phải là Mai Trung Thứ "lấy cảm hứng" từ bức gốc và vẽ lại. Hai bức tranh cho thấy ảnh hưởng rõ nét của hội họa phương Tây tới tranh của Mai Trung Thứ.
La Joconde của Mai Trung Thứ có nội dung, bố cục, dáng ngồi, tư thế đặt tay, hướng nhìn của nhân vật, phong cảnh phía xa xa, gần như tương đồng với tranh La Joconde của Leonardo Da vinci.
Sáng tạo trong bức tranh của ông Thứ thể hiện ở việc vẽ trên chất liệu lụa truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, nếu bức La Joconde của Leonardo da Vinci có phong cảnh nền phía sau là vùng giao thoa của Umbria và Tuscany ở Ý thì điểm độc đáo trong La Joconde của Mai Trung Thứ, các phong cảnh có tính chắt lọc từ vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Bức tranh này được đấu giá với giá 724.000 USD. Có lẽ bức tranh được đánh giá cao vì tính lịch sử của nó. Mai Trung Thứ là thế hệ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam vẽ tranh lụa theo lối tạo hình phương tây.
Về đề tài, tranh của Mai Trung Thứ mang tinh thần Lãng Mạn Pháp, nội dung chủ yếu là phụ nữ và trẻ em trong cuộc sống đời thường. Những ảnh hưởng này là điều dễ hiểu, vì hoạ sĩ được đào tạo hội họa cổ điển Pháp ở trường Mỹ thuật Đông Dương, và phần lớn cuộc đời ông sống và làm việc tại Pháp.
Phụ nữ trong tranh của Mai Trung Thứ đều là những phụ nữ trẻ, mặc áo dài truyền thống gọn gàng với những màu sắc tươi tắn đầy sức sống.
Trong bức La toilette ở trên, cô gái ngồi giặt đồ được mô tả với rất nhiều nét cong mềm mại và uyển chuyển với màu sắc tươi sáng, vẻ mặt cô rất bình thản, có phần mơ màng, tưởng như công việc giặt giũ không có gì vất vả, nó chỉ làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông.
Đây là đặc trưng rõ nét nhất của trường phái Lãng Mạn Pháp.
Ở trường phái này, thay vì tôn vinh đề cao vẻ đẹp của chúa, của thiên thần, của những bậc vua chúa hay anh hùng thần thoại với những chiến công hiển hách (ở các thời kỳ trước đó) thì các họa sĩ Lãng Mạn lại đề cao cái đẹp của phụ nữ, trẻ em trong cuộc sống hằng ngày với những công việc đơn giản và có phần tẻ nhạt như giặt quần áo, nấu cơm, đi thăm vườn, hay đơn giản là ngồi đọc sách.
Chúng ta ngày nay đã quá quen với những chủ đề quen thuộc này trong các tác phẩm hội họa cả truyền thống lẫn hiện đại ở Việt Nam, nhưng ở những năm cuối TK 19, đầu TK 20 ở phương Tây, đây thực sự là một cuộc cách mạng về tư tưởng hội họa.
Các độ đậm nhạt điểm tô cho nhau trên một gam màu chủ đạo là nâu, đỏ nâu, tạo nên một không khí dịu dàng cổ kính Á Đông thuần khiết. Đường lượn sóng mềm mại của mái tóc kết hợp với hướng lượn sóng của chiếc khăn trên tay cô gái trên nền tranh nâu dịu nhẹ tạo nên nhịp điệu mềm mại, uyển chuyển.
Họa sĩ sử dụng cách vờn khối của phương tây một cách nhẹ nhàng. Khối vẫn có ở áo quần, ở khuôn mặt, những đường viền mờ, tỏ, những cung bậc đậm nhạt, những nét ở mặt, quần áo đều như có và như không, không ai thấy thiếu ở chỗ nào cần có. Nhưng không thừa vì không có sự rườm rà, tham lam.
Đối với bức La ronde des enfants, những em bé trong tranh của ông trông rất bụ bẫm, khỏe mạnh và hiếu động. Mỗi em bé lại mặc một bộ quần áo với màu sắc khác nhau, cùng chơi những trò chơi dân gian, tưởng chừng như không bao giờ kết thúc.
Khác với bức La toilette, bức tranh này dùng màu sắc tươi hơn với tông màu nóng chủ đạo của nền đất kết hợp với các màu xanh, vàng, tím, cam tươi sáng tạo nên một tổng thể tưng bừng, vui nhộn mà không mất đi các nét mềm mại dịu dàng của chất liệu lụa. Đứng trước bức tranh, người xem có cảm tưởng như những em bé đang chơi ở xứ sở thần tiên nào đó, thanh bình và đầy màu sắc.
Có lẽ đây cũng là nét đặc trưng của tinh thần lãng mạn trong tranh của Mai Trung Thứ. Đất nước, con người Việt Nam hiện lên trong ký ức của ông là một xứ sở tươi đẹp, nhiều sắc màu và đầy sức sống.
Đỉnh cao của tranh lụa Việt Nam
Về chất liệu, Mai Trung Thứ không bị bó buộc với chất liệu sơn dầu kinh điển của Châu Âu (vào đầu thế kỷ 20, sơn dầu gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong hội hoạ cổ điển), mà ông sử dụng nhiều chất liệu lụa truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh sơn mài, tranh Lụa cũng được coi là "quốc họa" của Việt Nam, và Mai Trung Thứ là một trong những người tiên phong nghiên cứu và đưa tranh lụa ra với thế giới phương Tây. Đây không chỉ là lựa chọn dũng cảm của ông, mà còn thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của hoạ sĩ.
Ông thử nghiệm vẽ lụa với rất nhiều chất liệu khác nhau như màu nước, thuốc nhuộm, màu bột, sơn dầu, v.v. để tạo ra được nhiều hiệu quả về thị giác.
Điều quan trọng nhất là tuy phần lớn cuộc đời ông sống và làm việc tại Pháp, nhưng hoạ sĩ vẫn giữ được tinh thần và hồn cốt Việt, từ đó ông sáng tác dựa trên văn hoá truyền thống Việt Nam, với kỹ thuật phương tây. Một sự kết hợp thú vị.
Trong bức Enfants Grimpant à un arbre - Trẻ em trèo cây, các dãy núi mờ mờ và bầu trời phía xa (khi mờ khi tỏ) thể hiện rất rõ kỹ thuật "rửa lụa". Những chi tiết được vẽ vào lụa, rồi cọ rửa bớt, rồi lại vẽ thêm, cứ thế cho tới khi đạt kết quả mong muốn. Đây là kỹ thuật vẽ lụa độc đáo của riêng Việt Nam, không có ở bất kỳ quốc gia nào khác.
Kỹ thuật "rửa lụa" giúp rửa bớt những hạt cặn màu bám trong các thớ lụa, qua đó giúp cho tranh lụa trong trẻo hơn, tạo nên những mảng hình ẩn hiện, khi rõ khi mờ. Tranh lụa hoàn thiện không bị màu bám dày đặc, mà vẫn lộ các thớ lụa và khe hở giữa các sợi lụa.
Vì thế, khi xem tranh lụa Việt Nam, các bức tranh có sự biến đổi thú vị tùy vào những góc nhìn khác nhau, do tương tác của ánh sáng với các thớ lụa. Đây là kỹ thuật rất riêng, được các họa sĩ đầu tiên của trường Mỹ Thuật Đông Dương nghiên cứu và thực hành, trong đó Mai Trung Thứ là họa sĩ tiêu biểu.
Từ những nghiên cứu và sáng tác đầu tiên của Mai Trung Thứ, các thế hệ hoạ sĩ tiếp theo của Việt Nam đã tìm tòi và phát triển kỹ thuật vẽ để tranh lụa ngày càng hoàn thiện. Đến nay, nhiều bức tranh lụa của Việt Nam đã được sưu tầm trên toàn thế giới, và đặc biệt, tranh lụa của thời kỳ Đông Dương được định giá khá cao so với mặt bằng chung.
Về tạo hình, mặc dù Mai Trung Thứ lựa chọn chủ đề, chất liệu rất Á Đông, nhưng ông lại chọn lối vẽ cổ điển phương Tây. Các đường nét, hình dáng được tả thực (chứ không vẽ theo lối ước lệ tượng trưng truyền thống) với màu sắc hiện đại, tươi sáng.
Ở bức La flûte trên, một cô gái Á Đông đang thổi sáo được vẽ với tư duy tạo hình rất hiện đại kiểu phương Tây. Dáng ngồi trên ghế, hướng bàn tay, dáng chân đều chuẩn mực theo lối vẽ hình hoạ hiện đại. Hàng gạch dưới sàn thể hiện chiều sâu của không gian 3 chiều.
Những đường nét uốn lượn tả hình dáng cô gái rất hiện đại, đồng thời thể hiện tiếng sáo du dương, không bị gò bó và những tiêu chuẩn cũ của hội hoạ truyền thống, nhưng cũng dùng một chút dùng lối ước lệ truyền thống để đưa vào tác phẩm (dùng các nét mềm mại của lụa để mô tả tiếng sáo du dương).
Đường viền của áo dài chạy từ trên xuống kết hợp với tư thế chân làm người xem liên tưởng tới một con suối chảy mềm mại, khi thoai thoải, khi gấp khúc. Những đường nét uốn cong mềm mại kết hợp với lối vẽ lụa trong trẻo, mơ màng tạo nên một nét rất riêng của tranh lụa Mai Trung Thứ.
Các ô gạch vuông, thẳng chạy ngang dưới sàn đối lập với các đường cong của chân ghế, của áo, quần tạo nên một tổng thể cân đối hài hòa. Miếng áo màu xanh lộ ra giữa tổng thể màu nâu của tranh tạo điểm nhấn hút mắt ở vị trí "vàng" (điểm hút mắt tại 1/3 bức tranh). Đây là tiêu chuẩn "vàng" của hội họa phương Tây.
Có thể thấy, tác phẩm này thể hiện sự pha trộn tài tình giữa truyền thống Á Đông với hiện đại phương Tây. Hai trường phái tưởng chừng như đối lập nhau, nhưng lại kết hợp một cách nhuần nhuyễn và tinh tế tạo nên một tổng thể hài hòa, cân đối một cách hết sức tự nhiên.
Dễ thấy, phụ nữ và trẻ em được thể hiện lên tranh với rất nhiều dáng, cổ điển có, hiện đại có, đầy phong phú và linh hoạt với lối tạo hình phương Tây cổ điển.
Đây là điểm đặc biệt của tranh lụa Việt nam so với các dòng tranh lụa ở các quốc gia khác, khi mà Nhật Bản và Trung Quốc thời kỳ này vẫn phát triển mạnh lối vẽ thủy mặc truyền thống trên lụa mà chưa bị (được) ảnh hưởng nhiều từ lối vẽ cổ điển phương Tây.
Có thể nói, Mai Trung Thứ là đại diện tiêu biểu cho tranh lụa nói riêng, và cho cả nền hội hoạ Việt Nam nói chung. Những đóng góp của ông đã được thế giới công nhận thông qua những bộ sưu tập trên khắp thế giới, và những phiên đấu giá thành công trong thời gian vừa qua.