Hãy ngừng trừng phạt những người không có lỗi!

Một khi đã ở trong cơn thịnh nộ, người ta chỉ biết càn quét mọi thứ... bất kể ai!

Drama và những chuyện bực dọc cứ biến động không ngừng trên mạng xã hội, kéo theo đó là những trận "bạo lực mạng" không hồi kết và cũng không bao giờ có thể kiểm soát... trừ khi mạng xã hội không còn tồn tại.

Những ngày gần đây, không thiếu "cái cớ" để cho người ta "thay trời hành đạo" trong những chuyện bất bình. Từ chuyện 15 chú chó bị tiêu huỷ ở Cà Mau, chuyện chú mèo bị chủ nhân đốt vì tình cảm cá nhân đến chuyện những căn chung cư không cho nuôi chó mèo,... và hằng hà sa số những chuyện bất bình khác. 

hay ngung trung phat nhung nguoi khong co loi - anh 0
Chú mèo bị chủ tẩm xăng đốt đã may mắn được cứu chữa, tuy nhiên sự việc đã gây nên nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng

Điểm chung trong những câu chuyện này là ai nấy cũng ra sức tấn công, mạt sát và khủng bố những người có lỗi. Nhưng lạ ở chỗ... có những người "không làm gì" cũng bị đem ra vành móng ngựa của toà án online? 

"Điểm mù" của sự tấn công trên mạng xã hội

Mới đây nhất, đoạn clip một người đàn ông tên D. ngụ tại Hà Nội tẩm xăng, thiêu sống một chú mèo được chia sẻ và gây phẫn nộ. Sau đó, có nhiều người dùng mạng xã hội tìm và tấn công đến tận cửa hàng bán máy tính xách tay nơi D. làm việc.

Chủ cửa hàng là anh An cho biết mình không liên quan đến hành động ngược đãi động vật nhưng lại bị nhiều người tấn công trên mạng, buộc phải đóng cửa! Anh kể rằng, một ngày sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, điện thoại của anh đã nhận được nhiều cuộc gọi lạ. Họ nghĩ anh là D. nên liên tục làm phiền và những lời lẽ nhục mạ nặng nề. 

hay ngung trung phat nhung nguoi khong co loi - anh 0
Cửa hàng của anh An phải tạm thời đóng cửa vì liên tục bị tấn công sau vụ có nhân viên đốt mèo

Đồng thời, website và fanpage của cửa hàng cũng liên tiếp nhận những tin nhắn quấy phá. Thậm chí, tên cửa hàng của anh khi search trên google cũng bị đính kèm chữ "lừa đảo". Anh An cho biết, thiệt hại từ vụ việc nói trên là không thể đong đếm. "Bây giờ, nói đến tên cửa hàng người nào cũng biết là chỗ có nhân viên đốt mèo, ai dám mua hàng. Tôi dự tính chờ cho dư luận lắng xuống, sẽ làm lại với một thương hiệu mới hoặc chuyển lĩnh vực kinh doanh khác" - anh tâm sự.

Hay như vụ 15 chú chó bị tiêu huỷ tại Cà Mau, bên cạnh niềm xót thương cho những chú chó vô tội còn là sự phẫn nộ lên đến mức cực đoan của cộng đồng mạng. Người ta sẵn sàng "sang tay" nhau những số điện thoại của người trong cuộc để "khủng bố" bằng tin nhắn và gọi điện. Không chỉ là người trong cuộc mà còn là những người thân xung quanh từ con cái, bố mẹ, vợ, chồng, anh chị em,... kể cả những người "không làm gì" cũng phải chịu đựng cơn thịnh nộ của cộng động mạng.

hay ngung trung phat nhung nguoi khong co loi - anh 0
Những người được cho là đã tiêu huỷ 15 chú chó ở Cà Mau cũng đã nhận về sự trừng phạt lớn từ cộng động mạng... kể cả người thân của họ!

Chúng ta có thể gọi đây là "điểm mù" của sự tấn công trên mạng xã hội. "Điểm mù" có thể hiểu là một góc khuất chúng ta không thể nhìn thấy rõ mà chỉ biết hành động theo quán tính, theo số đông của cuộc đại "bully" (bắt nạt) trên diện rộng.

"Miễn là mày đau khổ" là tâm lý chung của những người đang trong cơn thịnh nộ về người có lỗi, và dĩ nhiên họ sẽ không thể nhìn thấy được ở bên kia của sự bắt nạt là những hệ luỵ gì! 

Bắt nạt nhưng cũng cần phải lý trí!

Giáo sư khoa tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, ông Kwak Geum Joo cho biết: "Internet ngày càng phổ biến đồng nghĩa với việc chúng ta rất dễ dàng nhận ra ai đang bị chỉ trích vì điều gì bằng cách lướt thoáng qua mạng xã hội. Chính vì điều này mà 'tâm lý bầy đàn' xuất hiện và người ta cũng dần hợp lý hóa việc vì làm sai nên đáng bị chỉ trích".

Vậy còn những người không làm gì nhưng cũng bị chỉ trích thì sao? 

hay ngung trung phat nhung nguoi khong co loi - anh 0

"Những người có lỗi bị tấn công đã đành, nhưng có những người không làm gì cũng bị liên luỵ và khủng bố không khác gì một tội đồ. Chẳng lẽ, mọi người muốn mạng đổi mạng mới vừa lòng hay sao?". Tài khoản có tên A.M đã đặt ta câu hỏi như vậy khi chứng kiến quá nhiều cơn cuồng phong của cộng đồng mạng trước một sự việc bất bình. 

"Mạng đổi mạng" không phải là một câu trả lời nghi vấn mà đã là một "đáp án khẳng định" cho những sự vụ bạo lực mạng. Và người nhận được bình luận ác ý bị thiệt hại nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng, không ít người đã bị trầm cảm và chọn cách tự tử trước áp lực dư luận. 

hay ngung trung phat nhung nguoi khong co loi - anh 0
Bạo lực mạng còn là nguyên nhân cho rất nhiều vụ tự tử 

Có thể nói, giữa làn sóng tranh luận, chúng ta cần nêu quan điểm để mong cầu lấy lại sự công bằng cho những chuyện bất bình. Tuy nhiên, hãy ngừng trừng phạt những người "vô tội". Nếu họ có liên quan, dính líu đến người "có tội" thì chưa bao giờ và cũng chưa từng là lỗi của họ.

Giữa lúc dịch bệnh vẫn còn khó khăn và tồn tại nhiều áp lực, chúng ta đừng nên dùng những điều tiêu cực để trách móc mà hãy ứng xử một cách văn minh trước thời cuộc. Đây được xem như một hồi chuông cảnh tỉnh, là lúc mỗi chúng ta cần phải nhìn nhận lại cách hành xử giữa con người và con người với nhau. 

Chúng ta đòi hỏi cách xử lý văn minh, vậy thì hãy cư xử một cách văn minh!

Vì chuyện tình cảm riêng nên đốt mèo: Động vật đến bao giờ mới hết bị ngược đãi?

Gen Z nuôi chó mèo: Đâu có phạm pháp gì mà lúc nào cũng phải "lén lút"?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ