Những câu thoại đắt giá trong Hậu Cung Như Ý Truyện đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Sau ba năm lên sóng, Hậu Cung Như Ý Truyện đã trở thành bức tường thành trong "vũ trụ cung đấu" của màn ảnh Hoa Ngữ. Xuyên suốt bộ phim là cả một bầu trời tranh sủng đầy toan tính và mưu mô. Hậu cung là nơi mà mỗi một nhân vật đều mang trong mình những góc khuất đầy tâm cơ, là nơi mà chỉ cần một câu nói cũng đủ thể hiện những thâm ý sâu xa.
Gia Quý Phi - Kim Ngọc Nghiên
Nói đến những câu thoại đầy thâm ý chốn hậu cung, đầu tiên phải kể đến Gia Quý Phi - vị nương nương "chanh chua" nhất Tử Cấm Thành. Sau khi Cao Quý Phi và Hoàng Hậu lần lượt qua đời, Gia Quý Phi bắt đầu củng cố địa vị, nhiều lần đấu khẩu với các phi tần khác mà không chút ngại miệng.
Trong lần thỉnh an đầu tiên sau đại điển phong hậu của Như Ý, các vị phi tần đã có màn "chào hỏi" đậm màu cung đấu. Theo đó, Gia Quý Phi khó chịu vì bị vụt mất danh vị Kế Hậu vào tay Như Ý. Nàng ta diện y phục đỏ sặc sỡ, ngồi trầm mặc giữa dàn phi tần hậu cung. Đến khi bị Thuần Quý Phi và Lệnh Tần bắt bẻ, Gia Quý Phi cũng bắt đầu móc mỉa chuyện kế hậu, đích hậu trong cung.
Theo lịch sử Trung Hoa, "điền phòng" hay "tục huyền" là những từ ý chỉ kế thất (người vợ kế). Kế thất dù là chính phòng, hôn phối hợp pháp, nhưng vĩnh viễn cũng không bằng đích thê (người vợ đầu tiên). Do đó mà Quý Phi đã lên tiếng móc mỉa Như Ý "Gọi là tục huyền hay là điền phòng đây". Cô cho rằng Như Ý dù chính thê của Hoàng Thượng nhưng lấy sau so với đích thê thì vẫn là khác nhau.
Thuần Quý Phi liền lên tiếng bảo vệ Như Ý, cô cho rằng lời nói của Gia Quý Phi đích thực quá chanh chua. Gia Quý Phi lập tức dùng miệng lưỡi sắc bén của mình để đáp trả: "Cay nghiệt thì cay nghiệt, nhưng lại là sự thật". Những lời cay nghiệt như thế cũng chỉ có Gia Quý Phi dám nói trước mặt Kế Hoàng Hậu.
Sau những câu nói "đi vào lòng người", Gia Quý Phi đã bị Như Ý cùng các chị em phi tần "dạy dỗ" bài học nhớ đời. Dù ấm ức nhưng cô cũng không làm gì được bởi người cô đang đối đầu giờ đây là Hoàng Hậu, là chủ vị trung cung, là mẫu nghi thiên hạ.
Thời điểm phát sóng, câu thoại của Gia Quý Phi được khán giả truyền tai nhau khắp nơi trên mạng xã hội bởi sự chanh chua cộng thêm phần đúng đắn thực tế trong lời thoại. Cuộc sống này luôn đầy rẫy những sự thật cay nghiệt, nhưng dù cay nghiệt đến mấy thì con người vẫn phải nhìn nhận và chấp niệm nó. Thế nên dù đã lên sóng được ba năm nhưng người xem vẫn ấn tượng sâu sắc với vị nương nương này cùng những câu nói "chất ngất" trên phim.
Thái Hậu Nữu Hỗ Lộc Chân Hoàn
Bên cạnh dàn phi tần của Càn Long, Hi Quý Phi của hoàng đế Ung Chính - Thái Hậu Chân Hoàn cũng là vị nương nương có nhiều câu thoại "để đời". Bà là một trong số ít người được chứng kiến những thăng trầm của nhà Thanh qua ba triều đại Khang Hy - Ung Chính - Càn Long. Thế nên những kinh nghiệm tranh đấu trong cung cấm của Thái Hậu thật không phải tầm thường.
Cuối cùng sau bao nhiêu năm tranh đấu trong hậu cung của Ung Chính đế, Nữu Hổ Lộc Thị cũng được tấn tôn là Hoàng Thái Hậu, chứng kiến hậu cung đời sau tiếp tục cuộc tranh quyền đoạt đích.
Trong buổi thỉnh an đầu tiên từ sau khi Hoàng Thượng đăng cơ, Thái Hậu đã có vài lời căn dặn đến hậu cung. Với tư cách là một người đi trước, đã nếm trải đủ mọi vị đời, bà chỉ một lòng mong mỏi hậu cung được hòa thuận trên dưới.
"Sau này, bất kể là đông người hay là ít người, trong mắt ai gia không chứa được thứ dơ bẩn" - lời giáo huấn đầy thâm ý đến từ "cựu phi tần" dày dạn kinh nghiệm. Bởi Thái Hậu thừa biết rằng, Hoàng đế còn trẻ, việc nạp thê thiếp là chuyện hiển nhiên, chỉ sợ rằng hậu cung càng đông người càng khó tránh khỏi những nghi kỵ, bất hòa.
Phong thái uy nghiêm, đĩnh đạc cùng câu thoại đầy ấn tượng đã tạo nên một Thái Hậu ngời ngời khí chất. Lời giáo huấn ngắn gọn súc tích nhưng lại khiến người ta càng nghe càng thấm. Đã là phi tần trong cung, ít nhiều cũng sẽ phải dùng đến mưu hèn kế bẩn để giành lấy vinh hoa. Chính vì vậy, Thái Hậu đã thẳng thắn giáo huấn ngay từ đầu, bà không muốn chứng kiến hậu cung nhơ nhuốc những mưu tính thâm sâu.
Thái Hậu Chân Hoàn đã dành hơn nửa đời mình để đối đầu với Hoàng Hậu Nghi Tu - cô mẫu ruột của Như Ý. Đến cuối cùng Hoàng Hậu Nghi Tu lại vì những toan tính của mình mà chuốc lấy kết cục bi thảm. Bà cũng là người một lòng muốn Như Ý tranh ngôi Hoàng Hậu để tiếp nối vinh quang dòng tộc Ô Lạt Na Lạp Thị.
Trong một lần trò chuyện cùng Như Ý, Thái Hậu cho rằng Như Ý đã tiến bộ hơn nhiều so với cô mẫu năm xưa, ít ra nàng vẫn không bị danh vị trung cung làm mờ mắt. Nhắc đến Hoàng Hậu Nghi Tu, Thái Hậu liền phán một câu: "Nghĩ thử xem, ai gia chưa bao giờ làm hoàng hậu nhưng người được ngồi chễm chệ ở đây lại chính là ai gia".
Câu nói đã thu hút nhiều sự chú ý của nhiều khán giả. Nhiều người cho rằng Thái Hậu nói câu nào là chuẩn chỉnh câu đó. Ngẫm lại, từ xưa đến nay có hoàng hậu nào không phải chịu khổ. Cả một đời chánh vị trung cung nhưng vì một chút chấp niệm mà chuốc lấy bi thương.
Như Thái Hậu đã nói, bà chưa từng làm hoàng hậu, càng chưa từng nghĩ đến danh vị trung cung. Nhưng cuối cùng bà lại là người được ngồi chễm chệ ở Từ Ninh Cung, ngày ngày được Hoàng Thượng, phi tần ra vào thỉnh an, mai sau cũng là người cùng Tiên đế chôn chung một huyệt. Thế mới nói, không quan trọng ai làm hoàng hậu mà quan trọng ai là người biết cách cương nhu, buông bỏ chấp niệm để cuối cùng ngồi lên ngôi vị Thái Hậu.
Cao Quý Phi - Cao Hi Nguyệt
Cao Quý Phi là người có miệng lưỡi sắc bén nhất nhì Tử Cấm Thành nhưng tính tình lại nóng vội, không nhiều tâm cơ. Thế nên lời nói của cô dù có phần "chói tai" nhưng cũng không nhiều tâm tư sâu xa như người khác. Sau khi A Nhược bán chủ cầu vinh, được cơ hội leo lên long sàng, hậu cung lại có thêm nữ nhân đấu khẩu cùng Cao Quý Phi.
Cao Quý Phi ban đầu chỉ định mượn tay A Nhược để hãm hại Như Ý, nào ngờ lại để cô ta đắc lợi. Nhìn thấy dáng vẻ cao ngạo của A Nhược, Cao Quý Phi chỉ thấy ngứa mắt khó chịu. Nhất là khi cô ta biết quá nhiều chuyện xấu xa của nàng.
Trong một lần ba người Gia Quý Phi, Cao Quý Phi và A Nhược cùng trò chuyện. Cao Quý Phi đã tranh thủ "đá xéo" A Nhược là tên nô tì bán chủ cầu vinh, những mưu mẹo và bản lĩnh của cô ai cũng biết.
A Nhược liền đáp trả rằng bản lĩnh của cô cũng là do Quý Phi ban cho, ý nói rằng chính Cao Quý Phi là người bày kế cho cô hãm hại chủ tử Như Ý. Tức nước vỡ bờ, Cao Quý Phi chỉ thẳng mặt A Nhược và mắng: "Cô, một ngày làm nô thì suốt đời hạ tiện!".
Đúng với khí chất của Quý Phi nương nương, luôn nói thẳng nói thật. A Nhược dù là phi tần đắc sủng đến đâu thì cô cũng từng là một nô tì bất trung, quá khứ nhơ nhuốc. Đó là lời cảnh cáo đến A Nhược, dù hống hách, cao ngạo đến đâu thì cũng đừng quên thân phận của mình. Câu thoại của Cao Quý Phi đã khiến nhiều người xem hả hê. Đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến Cao Quý Phi, người xem lại nhớ đến câu nói huyền thoại này.
Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa
Đối với trên dưới hậu cung tiền triều, Hoàng Hậu là người thông minh, tinh tế. Nàng luôn biết giữ kẽ trong lời ăn tiếng nói, không mồm miệng sắc bén như Gia Quý Phi hay Cao Quý Phi. Tuy nhiên, về mưu mô và toan tính, Hoàng Hậu không hề thua kém ai.
Cái chết của Hoàng Hậu khiến nhiều người vừa giận vừa thương. Giận vì nàng sống quá thảo mai, giỏi che đậy bản tính tâm cơ hiểm ác của mình. Nhưng cũng một phần thương xót vì những lời nàng nói với Hoàng đế trước lúc qua đời.
Nhân lúc Hoàng Hậu đang "nghìn cân treo sợi tóc", Càn Long đến bên giường bệnh trước là để an ủi, sau là chất vấn nàng về những chuyện xấu xa trong hậu cung. Hoàng Hậu lúc này cũng không còn gì để mất, nàng dốc hết lòng mình để nói rõ một lần với phu quân: "Hoàng thượng, người thông minh nhạy cảm nhưng máu lạnh vô tình. Hoàng hậu tiếp theo cũng sẽ không tốt đẹp như thần thiếp hôm nay đâu. Thần thiếp sẽ mở to mắt trên trời nhìn xem".
Cả một đời Hoàng Hậu làm nhiều chuyện sai trái, nhưng cuối cùng nàng cũng đúc kết được một câu nói đúng đắn hơn người. Lòng vua là thứ khó lường nhất, nữ nhân ở cạnh người cũng sẽ vì người mà khổ đau. Câu nói của Hoàng Hậu vừa là lời oán trách, vừa là lời cảnh cáo đầy tâm tư của người từng trải.
Mãi đến khi Như Ý lên ngôi Kế Hậu và nếm đủ mọi đắng cay, người xem mới ngộ ra rằng nỗi đau mà Như Ý phải chịu chính là nỗi đau của Lang Hoa ngày trước - nỗi đau mang tên Hoàng Hậu trung cung, mẫu nghi thiên hạ. Câu nói của Lang Hoa cuối cùng đã ứng nghiệm, cuộc đời của Như Ý đáng thương đến cùng cực, đau lòng hơn cả Hoàng Hậu Nghi Tu và Hoàng Hậu Lang Hoa năm xưa gấp bội lần.
Lệnh Ý Hoàng Quý Phi - Vệ Yến Uyển
Trong hậu cung, Vệ Yến Uyển là người có thành kiến nhiều nhất với Như Ý. Sự xuất hiện của nàng ta khiến cuộc đời của Như Ý ngày càng đi vào ngõ cụt, không có lối thoát. Nhưng đến cuối cùng, Yến Uyển cũng bị vạch trần, dành nửa đời còn lại để trả báo cho những tội ác của mình.
Đứng trước vị phi tần độc ác bất nhân mà mình từng ngày đêm sủng ái, Càn Long lạnh lùng quyết trừng trị thật nghiêm. Hoàng Thượng cho rằng mọi biến cố trong hậu cung lẫn những tổn thương mà Như Ý phải chịu là do một tay Yến Uyển giở trò.
Nhưng rồi Vệ Yến Uyển lại đáp trả một câu đáng suy ngẫm:"Hoàng thượng đừng trách thần thiếp hại chết Ô Lạt Na Lạp Như Ý, người hại chết nàng ta chính là Hoàng thượng. Nếu không phải Hoàng Thượng thì ai có thể khiến Ô Lạt Na Lạp Như Ý thương tâm chứ?"
Đây là câu nói đúng đắn nhất trong cuộc đời Vệ Yến Uyển. Người đẩy Như Ý tới bước đường cùng không phải là nàng ta, mà chính là Hoàng Thượng. Sự nghi kỵ, đa đoan của Hoàng Thượng khiến Như Ý phải mệt mỏi, ngờ vực với thứ tình cảm gọi là thanh mai trúc mã của hai người.
Hoàng Thượng chỉ quan tâm đến danh dự và lòng tự tôn của bản thân mà không biết rằng Như Ý của Người phải chịu dằn vặt, tổn thương. Nếu Hoàng Thượng vẫn là Hoằng Lịch năm xưa, thì dù Yến Uyển có trăm phương ngàn kế cũng không thể khiến Như Ý thương tâm đến vậy.
Kế Hoàng Hậu Như Ý
Vĩnh Cơ là đứa con duy nhất còn lại của Như Ý và Hoàng Thượng. Từ xưa, con trẻ được sinh ra trong gia đình hoàng gia đều gánh trên mình những áp lực nặng nề. Chính vì vậy, Như Ý chỉ một lòng mong muốn Vĩnh Cơ sẽ là một Vương gia tốt, được hưởng cuộc sống sung túc an nhàn.
Vì là đích tử nên Vĩnh Cơ được Hoàng Thượng đặt nhiều kỳ vọng, rồi lại thất vọng. Trước mặt Như Ý, Càn Long thường so sánh Vĩnh Cơ với Vĩnh Kỳ, còn đặc biệt nhất mạnh "con trai của nàng" vô năng, khó lòng kế vị. Trước những lời nói vô tình này, Như Ý tinh tế đáp trả: "Nếu Vĩnh Cơ giỏi, đương nhiên là con cháu của Ái Tân Giác La. Nếu nó không giỏi, cũng không thể để nó chỉ thuộc về Ô Lạp Na Lạp Thị chứ".
Vẫn là Như Ý thông minh và tinh tế, Vĩnh Cơ là con chung của nàng và Hoàng Thượng, nếu Vĩnh Cơ giỏi thì là con cháu hoàng thất, nếu Vĩnh Cơ không giỏi, cớ sao chỉ đổ trách nhiệm cho mình nàng? Trước đây Hoàng Thượng cũng từng bỏ mặc ba hoàng tử của Gia Quý Phi khi nàng thất sủng, cũng từng oán trách Thuần Quý Phi không biết dạy con và nghi kỵ Như Ý khi mất đi Vĩnh Cảnh.
Sự độc đoán của Hoàng Thượng khiến cho con trẻ bị cuốn vào cuộc đua tranh quyền đoạt đích, cố hết mình để xứng với danh xưng hoàng tự. Câu nói trên phim của Như Ý vẫn rất đúng đắn trong thời đại ngày nay. Từ bao giờ mà con người ta lại cổ xúy cho quan niệm "con hư tại mẹ", trong khi trách nhiệm giáo dục thuộc về cả mẹ lẫn bố.
Từ sau khi được giao quyền quản lý lục cung, Lệnh Quý Phi cũng bắt đầu cao ngạo, giở trò lấy lòng Hoàng Thượng. Nàng ta mời những ca kỷ bên ngoài vào để giúp Hoàng Thượng mua vui. Biết được điều này, Như Ý liền lấy quyền hành của mình ra để một lần ban chết Lệnh Quý Phi vì làm trái cung quy.
Lệnh Quý Phi lúc này chỉ biết thốt lên: "Thần thiếp là quý phi do Hoàng Thượng thân phong". Như Ý liền mạnh dạn đáp trả: "Bổn cung là Hoàng Hậu do Hoàng Thượng thân phong". Đây là câu nói thể hiện rõ quyền uy của một Hoàng Hậu. Bởi Quý Phi dù tôn quý đến đâu thì cũng không sánh bằng Hoàng Hậu.
Nhiều khán giả hả hê với câu thoại đầy khí chất này của Như Ý. Dù nàng hiền lành, đôn hậu nhưng ít ra vẫn không nhún nhường trước nữ nhân ti tiện như Lệnh Quý Phi. Cũng là Hoàng Thượng thân phong nhưng một bên là Quý Phi, một bên là Hoàng Hậu mẫu nghi thiên hạ.
Câu nói này như lời cảnh cáo thị uy đến Quý Phi, đừng quá tự đắc ý với danh vị của mình. Như Ý dù không còn mặn nồng với Hoàng Thượng nhưng nàng vẫn còn là một Hoàng Hậu, nàng có quyền chỉnh đốn cung quy và ban chết cho người làm nhơ nhuốc hậu cung.
Cuối cùng, sau quá nhiều chuyện đau lòng, đoạn tình cảm của Như Ý và Càn Long cũng đến hồi khép lại. Sự việc Thủy Linh Lung như giọt nước tràn ly khiến mâu thuẫn giữa hai người càng chồng chất. Khi Càn Long nổi giận muốn phế hậu, Như Ý quyết định nói rõ một lần trước mặt phu quân: "Hai chữ thanh bạch thần thiếp đã nói đến mệt nhoài rồi. Không cần Hoàng thượng phế thần thiếp, thần thiếp làm Hoàng hậu đã mệt mỏi rã rời rồi".
Đúng như Thái Hậu từng nói, hoàng đế không thể trở thành phu quân của một người. Hoàng đế trên vạn người, đứng trên đỉnh cô đơn, nhưng lại độc đoán khó gần. Như Ý cắt tóc cũng là tự mình cắt đi đoạn tình cảm của Thanh Anh - Hoằng Lịch. Vì trước mặt nàng giờ đây không còn là Tứ a ca Hoằng Lịch năm xưa, mà là vị Hoàng đế ích ky, đa đoan, từng bước bóp nghẹn trái tim nàng.
Câu nói của Như Ý rất hay, rất đáng ngưỡng mộ. Vì nàng dám yêu dám hận, không để ai chà đạp tình cảm của mình. Hoàng Thượng không cần phế hậu, Hoàng Hậu sẽ tự phế mình, để thoát khỏi những cảm giác tù túng bao nhiêu năm qua.
Hậu cung của Càn Long có biết bao nữ nhân bị bỏ rơi nhưng Như Ý thì không như vậy. Dù có chút đau khổ nhưng nàng đã biết buông bỏ đúng lúc đúng nơi. Như Ý là người cắt tóc và quay mặt bỏ đi, chính là nàng chủ động rời bỏ chứ quyết không để Hoàng Thượng bỏ rơi mình.
Bộ phim do TKL phát hành tại Việt Nam, được chiếu trên nền tảng VieON.
Nguồn: TH&PL