Trung Quốc vừa ban hành hơn 30 quy định mới liên quan đến ngành công nghiệp livestream đang rất phát triển tại “quốc gia tỷ dân” này.
Vào ngày 22/6, Cục Phát thanh - Truyền hình và Bộ Văn hóa - Du lịch Trung Quốc đã ban hành quy định mới dành cho ngành công nghiệp livestream. Các quy định mới liệt kê hơn 30 hành vi bị cấm khi livestream và đặt ra giới hạn đối với những người có sức ảnh hưởng khi họ nói về các chủ đề nhất định. Đây được cho là nỗ lực của chính phủ nhằm điều chỉnh nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ hiện nay.
Nội dung liên quan
Tuy nhiên, những quy định mới khắt khe hơn vừa được ban hành đã trở thành "rào cản" cho những người làm trong ngành công nghiệp livestream tại Trung Quốc. Cụ thể, các streamer không được phép xuyên tạc, bóp méo những vấn đề liên quan đến chính trị của đất nước hay vai trò của các nhà lãnh đạo.
Nội dung liên quan
Bên cạnh đó còn là quy định không sử dụng công nghệ làm giả khuôn mặt để thay đổi hình ảnh của các lãnh đạo nhà nước và không thổi phồng vấn đề nhạy cảm với mục đích "câu tương tác". Ngoài ra, những người có sức ảnh hưởng như Influencer hay KOLs cần có bằng cấp liên quan để thảo luận về một số chủ đề khi livestream. Chẳng hạn như chủ đề về luật, tài chính, y học và giáo dục.
Giới chức nhà nước cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cần siết chặt khâu quản lý, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những đối tượng có hành vi trái đạo đức hoặc phạm pháp. Những người này không được phép tổ chức livestream, bày tỏ ý kiến một cách công khai, tạo tài khoản mới hay chuyển sang nền tảng khác để sử dụng.
Nội dung liên quan
Đặc biệt, các streamer cần kê khai thu nhập một cách trung thực và thực hiện trách nhiệm nộp thuế đầy đủ theo quy định. Chuyện nộp thuế nhiều năm gần đây đã trở thành vấn đề nhạy cảm và được quan tâm ở Trung Quốc. Không ít ngôi sao hạng A trong lĩnh vực giải trí đã bị "phong sát" sự nghiệp chỉ vì vấn đề trốn thuế như Phạm Băng Băng, Đặng Luân.
Bên cạnh đó, một số ngôi sao nổi tiếng khác trong lĩnh vực livestream như Zu Chenhui, Lin Shanshan, Xu Guohao hay Ping Rong cũng từng bị phạt hàng triệu USD vì tội danh tương tự Vi Á. Ở một diễn biến khác, "Ông hoàng livestream" Lý Giai Kỳ cũng từng gặp rắc rối vì để lọt hình ảnh nhạy cảm có liên quan đến sự kiện Thiên An Môn gây chấn động Trung Quốc vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Sự khắt khe và nghiêm ngặt hơn trong những quy định mới liên quan đến ngành công nghiệp livestream tại Trung Quốc hiện là vấn đề đau đầu với nhiều thương hiệu và những ai đang có thu nhập chính từ việc livestream. Nếu không có hướng đi mới tốt hơn, dự rằng sẽ có không ít người trong ngành này và cả các nhãn hàng sẽ sớm phải lao đao và giảm sút doanh thu, thu nhập.
Nguồn: TH&PL