Không phải tự nhiên mà người Việt ít quan tâm tới phim nghệ thuật, Giang Lê của Phê Phim cho rằng nguyên nhân đến từ thị hiếu khán giả và cách quảng bá.
Nhiều lần khán giả tự hỏi, vì sao tại rạp luôn có sự chênh lệch xuất chiếu đáng kể từ các bộ phim. Hồi Avatar 2 đổ bộ rạp Việt, suất chiếu kín hết ngày, khán giả ùn ùn kéo tới rạp để thưởng thức. Nhiều nơi phải tăng cường thêm suất để phục vụ khán giả tốt hơn.
Gần đây nhất là Ant-man 3 vừa ra mắt, suất chiếu cũng dày đặc, phủ sóng khắp các rạp phim trên toàn quốc. Hay như Nhà Bà Nữ, chất lượng kẻ khen người chê nhưng suất chiếu thì vẫn bình ổn sau nhiều tuần. Vậy vì sao mà những phim giải trí này lại được ưu ái đến thế?
VÌ SAO PHIM NGHỆ THUẬT ÍT SUẤT CHIẾU HƠN PHIM GIẢI TRÍ?
Đây là thắc mắc chung của khán giả hiện nay khi nhìn vào suất chiếu tại các cụm rạp. Babylon và The Fablemans mặc dù rinh về nhiều giải thưởng quốc tế lớn nhỏ, được cầm trịch bởi các đạo diễn tên tuổi, từng đoạt Oscar nhưng lẹt đẹt vài ba suất chiếu, chiến lược truyền thông cũng không mấy hiệu quả.
Theo Giang Lê - người sáng lập kênh YouTube chuyên review phim ảnh Phê Phim cho biết: "Các nhà rạp, như bao doanh nghiệp khác chỉ đang cung cấp sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng của họ muốn". Xem phim tại rạp vốn luôn là nhu cầu giải trí không thể thiếu, vì vậy người xem chuộng việc xem các phim dễ hiểu, nội dung gần gũi và không quá nặng ký.
Nhà Bà Nữ hay Ant-man 3 chính là ví dụ điển hình. Cả hai phim sở hữu cho mình nội dung "an toàn", không tới mức phải tấm tắc khen hay nhưng cũng không hoàn toàn bị chê dở. Chưa kể, sức hút đến từ những người tạo ra hai bộ phim cũng là tiền đề quan trọng để khán giả quan tâm.
Nhưng Babylon và The Fablemans lại là câu chuyện khác. Cả hai phim đều có yếu tố nghệ thuật mạnh mẽ, gây được sự tò mò cho khán giả nhưng cách quảng bá thì chưa ổn. Chỉ dùng đi dùng lại việc "show" ra hàng loạt giải thưởng, các câu thoại nổi tiếng mà không biết cách làm sao để khiến khán giả hứng thú tới rạp. Người xem sẽ chẳng quan tâm phim đó được tôn vinh ra sao nếu nội dung không phải là thứ họ hào hứng.
NHÀ RẠP CÓ ĐANG "ƯU ÁI" PHIM GIẢI TRÍ?
Như đã nói ở trên, nhà rạp họ sẽ cung cấp mọi dịch vụ theo thị hiếu chung của khán giả. Phim càng hot, càng viral, suất chiếu càng cao để thu về lợi nhuận khủng. Nhưng không vì thế mà phim nghệ thuật bị ngó lơ, chỉ là ít suất chiếu hơn.
Các phim nghệ thuật vẫn được xếp cho một vài suất chiếu lẻ tẻ. Nếu xét trên toàn quốc, suất chiếu cũng không hề ít. Chỉ là bị lệch khá nhiều so với phim nổi tiếng, vô hình khiến khán giả cảm thấy phim nghệ thuật bị ngó lơ.
Tuy nhiên, nếu muốn có sự ngang tầm giữa giải trí và nghệ thuật để dòng phim này không "chết yểu" ở Việt Nam, các cụm rạp nên xem lại cách quảng bá. Trong khi thế giới đã chiếu gần hết, phim Việt mới rục rịch lên chiến dịch pr.
Chưa kể, Giang Lê còn cho biết, sự ẩu tả trong việc làm phụ đề cho các phim ngoại khiến thế giới phim nghệ thuật dần rời xa rạp Việt. Nếu thoại được dịch đủ tốt, truyền tải được trọn vẹn từ thoại của bản gốc, chắc chắn người Việt sẽ có một cái nhìn khác hơn, mới hơn về dòng phim này.
Tóm lại, để người Việt được tiếp cận nhiều hơn về nghệ thuật cũng như để dòng phim này có chỗ đứng, các nhà rạp nên xem lại cách quảng bá và đầu tư hơn cho phần phụ đề. Chắc chắn đến lúc đó, người Việt sẽ đón nhận phim nghệ thuật cũng gần gũi và thoải mái như phim giải trí.
Giang Lê tên thật là Lê Đắc Giang, là người sáng lập kênh YouTube Phê Phim nổi tiếng với hơn 1 triệu lượt đăng ký. Anh gây ấn tượng với chất giọng trầm ấm, được ví như phiên bản trẻ của MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Các clip trên Phê Phim đa dạng về thể loại phim, cách khai thác...
Nguồn: TH&PL