Cộng đồng mạng đang vô cùng xôn xao trước vụ việc bà ngoại tự ý rút ống thở của cháu vì không có tiền nuôi cả mẹ lẫn con.
"Ngoại không muốn đâu con…"
Mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt thông tin liên quan đến trường hợp một người bà tự ý rút ống thở của cháu ruột vì hoàn cảnh khó khăn, không thể nuôi dưỡng. Câu chuyện được nhóm thiện nguyện Giang Kim Cúc và các Cộng Sự chia sẻ trực tiếp trên fanpage vào tối ngày 2/9.
Nội dung liên quan
Được biết, mẹ của đứa trẻ xấu số sinh năm 1999. Do thể trạng và có vấn đề về tâm lý, cô gái không biết mình đang mang thai nên đã đẻ rơi con ở trên xe. Cả hai sau đó nhập viện trong tình trạng sức khỏe xấu, đặc biệt là cháu bé đã vô cùng suy yếu.
Sau khi các bác sĩ tiến hành cấp cứu, đứa trẻ đã hồi sức và được cho thở oxy. Tuy nhiên, với lý do gia cảnh khó khăn, không đủ kinh phí để chăm sóc cả mẹ lẫn con, bà ngoại của bé đã tự ý rút ống thở, kết thúc sinh mạng của người cháu ruột.
Nhóm mai táng 0 đồng Giang Kim Cúc và các Cộng Sự khi nghe tin đã nhanh chóng có mặt tại bệnh viện để hỗ trợ lo liệu hậu sự cho đứa trẻ kém may mắn.
Trong livestream, chị Giang Kim Cúc đã bức xúc chia sẻ: Con tuy yếu nhưng vẫn còn nhịp tim, vẫn còn sống, vậy mà bà ngoại nỡ lòng nào rút ống thở.
Cuộc đời từ thiện của mình chưa bao giờ biết chì chiết một hoàn cảnh nào. Nhưng ngày hôm nay, Cúc phải như vậy là mọi người biết Cúc tan nát đến cỡ nào…
Lời xin lỗi của một "người mẹ"
Ngay sau khi sự việc đau lòng trên được chia sẻ và lan truyền, cộng đồng mạng đã vô cùng phẫn nộ trước hành động nhẫn tâm của người bà.
Nhiều người cho rằng, việc rút ống thở, tự tay cướp đi cơ hội sống của một sinh mạng là tội ác vô nhân tính; không thể lấy hoàn cảnh để biện bạch cho hành động thiếu trách nhiệm này, vì ngoài kia vẫn còn rất nhiều người có thể nuôi nấng, cưu mang đứa trẻ.
Bên cạnh đó, một số khác lại bày tỏ quan điểm: mỗi người mỗi phận, không nên vội oán trách, chì chiết người bà đã quá khổ cực mới đi đến quyết định từ bỏ máu mủ ruột già.
Trước hoàn cảnh đáng thương của đứa trẻ, chị Giang Kim Cúc cũng đã không kiểm soát được sự nóng giận. Một số người lên tiếng chỉ trích những phát ngôn chị trong livestream.
Vào tối 4/9, Giang Kim Cúc đã chính thức gửi lời xin lỗi vì những phát ngôn và cảm xúc nóng nảy của mình trong đêm xảy ra sự việc.
"Giang Đặng Liên Hoa, pháp danh Nguyên Huệ, đây là cái tên mà Cúc và thầy đã đặt cho bé. Trước đây, Cúc đã từng làm rất nhiều thai nhi, nhưng bé là người đặc nhất đối với Cúc, bởi vì lần đầu tiên, một thai nhi được mang họ của mình" - Chị Kim Cúc bộc bạch.
Buổi tối hôm ấy, mọi việc diễn ra quá bất ngờ. Chị chia sẻ rằng trong phúc chốc, chị đã quên đi mình là ai, quên đi mình chỉ là một cô gái làm thiện nguyện, không phải mẹ ruột của con.
"Cúc đã có quá nhiều cảm xúc, vì lúc đó Cúc đứng ở góc nhìn của một người mẹ. Dù đã kiềm nén nhưng vẫn có những phát ngôn không đúng... Xin thầy, các đồng đội của Cúc và các nhà hảo tâm hãy tha lỗi cho Cúc lần này. Cúc xin lỗi luôn cả người nhà, vì chưa tìm hiểu sâu sắc hoàn cảnh đã vội vã nóng giận.
Hãy thương đồng đội của Cúc, hãy thương bé, tuyệt đối đừng cắt ghép hình ảnh làm đẩy cao dư luận trái chiều, khiến việc thiện nguyện không thành… Xin cộng đồng mạng hãy dừng lại, ngưng truy cứu, để con có thể ra đi một cách yên bình" - Chị Cúc nghẹn ngào chia sẻ trong livestream.
Nội dung liên quan
Quyết định buông bỏ một kiếp người
Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi và những luồng ý kiến khác nhau xoay quanh câu chuyện trên, dưới góc độ pháp luật và cả về mặt đạo đức.
Tại Việt Nam, "cái chết nhân đạo", hay còn gọi là quyền được chết, dù từng được đề cập trong dự thảo Luật nhưng cho đến nay vẫn chưa được công nhận. Vì vậy, hành vi rút ống thở trong bất kì trường hợp nào đều không thỏa đáng về mặt luật pháp ở nước ta.
Có thể hoàn cảnh túng quẫn đã khiến người bà tối mắt. Nhưng suy cho cùng, quyết định ấy vẫn khiến một sinh mệnh vô tội chưa khai sinh đã khai tử.
Trẻ em có quyền được sống - đó là một trong 4 nhóm quyền được quy định tại Công ước quốc tế và được Hiến pháp ghi nhận. Dù là bậc cha mẹ hay ông bà cũng không thể lấy quyền bảo hộ của mình để công nhiên định đoạt quyền được sống của trẻ.
Mặc cho hoàn cảnh tác động, đừng quên con người mới là chủ thể nắm quyền lựa chọn, suy xét: nên hay không khi quyết định buông bỏ một kiếp người.
Nguồn: TH&PL