Tranh thủ trò chuyện với đại diện của nhóm mai táng 0 đồng, hiểu rằng ngoài nỗi đau của những gia đình mất đi người thân, đội ngũ lo hậu sự cũng trăn trở muôn phần.
Ngày trước, lúc cuộc sống bình thường, cái tên Giang Kim Cúc đi liền với cụm "chiến binh nhặt rác xuyên Việt". Bởi chị và tổ chức không ngại khó khăn để dọn sạch rác, để lại những dấu chân đẹp ở mỗi nơi họ đến.
Còn giờ đây, khi cả nước rơi vào "cuộc chiến" với Covid-19, chị không thể ngồi yên. Giang Kim Cúc và các cộng sự lao vào giữa tâm dịch, hỗ trợ mai táng 0 đồng cho những người mất vì Covid. Cùng với các lực lượng tuyến đầu, nghĩa cử cao đẹp của nhóm khiến cộng đồng cảm phục, làm ấm lòng nhiều người giữa đại dịch.
Cuộc chiến không của riêng ai Trước dịch, các thành viên trong nhóm làm công việc khác nhau. Có người làm luật sư, người làm ngân hàng, người ở garage sửa xe, kể cả tiếp viên hàng không...
Nhưng từ khi có Giang Kim Cúc và các cộng sự, mọi người kết nối, về chung một hội để làm việc với nhau vì mục tiêu chung: Kịp thời lo hậu sự cho người mất. Minh Châu, đại diện nhóm chia sẻ với : "Dự án cũng chỉ mới thành lập vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 để hỗ trợ các bệnh nhân F0, F1. Nhưng khi số người mất vì Covid-19 tăng lên, nhóm tách thành viên để hỗ trợ mai táng cho những người đã khuất". Giữa tâm dịch, đa số đều chọn ở nhà để giữ an toàn, nhưng Giang Kim Cúc và các cộng sự không ngại nguy hiểm, khó khăn để hỗ trợ bệnh nhân xấu số có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu, các thành viên trong nhóm cũng gặp khó khăn bởi chẳng có bậc phụ huynh nào muốn con mình bất chấp mạng sống để ra đường vào thời điểm này. Gia đình Minh Châu cấm hoàn toàn chuyện bạn đi làm tình nguyện. Nhưng vì không thể ngồi yên, bạn đã trốn nhà để đi cùng nhóm. Đến khi gia đình biết chuyện, cũng đã thông cảm và dặn dò phải biết bảo vệ bản thân: "Khi ba mẹ nguôi giận rồi thì gọi điện hỏi thăm, động viên mình", Châu kể. "Động lực của nhóm chính là những người có hoàn cảnh khó khăn, như một vết đâm thẳng vào tim vậy. Ở thành phố này, nơi mọi người sinh sống, làm việc và thậm chí có nhiều bạn sinh viên đang học tập". "Không những vậy, đây là nơi các thành viên đều gắn bó khá lâu, có nhiều kỷ niệm nên khi dịch bùng lên, các bạn đều muốn cống hiến phần nào đó để xoa dịu, chữa lành vết đâm đó, để cuộc sống trở lại bình thường", Minh Châu nói với . Để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên, ngoài trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, mỗi người đều tự ý thức bảo vệ bản thân. Nhóm sát khuẩn thường xuyên, cố gắng ăn uống đúng giờ, tăng cường vitamin... Sau khi hoàn tất công việc trong ngày, nhóm tập trung ở một nơi. Cứ 3 ngày, các thành viên sẽ test nhanh và sau 1 tuần sẽ kiểm tra PCR một lần. Kịp thời lo hậu sự cho người mất Nhóm mai táng 0 đồng hỗ trợ trọn gói 100% cho những bệnh nhân qua đời vì Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn.
Người không may qua đời, gia đình cần cung cấp giấy chứng tử và các giấy tờ liên quan cho nhóm, sau đó mọi công việc còn lại nhóm sẽ tự làm tới khâu cuối cùng là bàn giao tro cốt cho gia đình.
Dù dự án chỉ mới hình thành vài tháng, nhưng việc tiếp nhận và xử lý đều có quy trình rõ ràng, cụ thể. Nhóm có 60 thành viên, chia thành đội để hoạt động. Khi cần, gia đình sẽ gọi đến số tổng đài, thành viên trực tổng đài tiếp nhận và đưa xuống cho ban điều phối. Sau đó, bên phía điều phối sẽ cho các đội đi hỗ trợ. Tiếp đó, thành viên của đội hỗ trợ sẽ liên lạc với người thân, đến nhà và thực hiện tẩm liệm. Cuối cùng là đem về nơi hỏa táng. "Đến đó là nhiệm vụ của nhóm hoàn tất. Còn việc hỏa táng và trả tro cốt thì bên Ban Chỉ huy Quân sự sẽ lo", Châu nói. Mỗi ngày, nhóm hỗ trợ khoảng 50 - 60 ca. Hầu như mọi người đều làm việc 24/24, khi nào cần thì lại lên xe làm nhiệm vụ. Khó khăn nhất với nhóm là đi đến các hẻm nhỏ, xe không thể lưu thông mà phải đi bộ sâu vào. Nhưng có vào sâu cách mấy nhóm vẫn sẵn lòng và hầu như chưa từng từ chối một ca nào. Đại diện nhóm nói với : "Gia đình nạn nhân họ rất biết ơn và niềm nở. Khi gia đình có người mất, họ không giữ được bình tĩnh để nói cảm ơn ngay trong lúc đó. Nhưng khi hoàn thành xong nhiệm vụ, gia đình họ chủ động gọi điện, nhắn tin cảm ơn sau khi sự việc xảy ra". Để duy trì công việc mai táng, nhóm cần có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Còn các vấn đề về sao kê, đã có phía ngân hàng hỗ trợ toàn bộ. Hiện nay, điều cần nhất là nhân lực, nên nhóm vẫn tích cực kêu gọi người biết chạy xe, khỏe mạnh, không ngại làm việc với xác chết và đã tiêm vaccine theo quy định. Trên fanpage Giang Kim Cúc và các cộng sự, hầu hết các bình luận đều bày tỏ niềm cảm kích đối với nhóm. Có lẽ các thành viên đều cầu mong công việc này sẽ nhàn hơn, đồng nghĩa với số ca tử vong vì Covid-19 sẽ ít đi để Sài Gòn trở lại ồn ào, tấp nập và tiếp tục là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp và thân thương.
(Nguồn: TH&PL
https://thuonghieuvaphapluat.vn/nhom-mai-tang-0-dong-ai-cung-chon-viec-nhe-nhang-gian-kho-danh-phan-ai-vz7993.html
)