Mỗi nhà làm phim Việt Nam sẽ có một hình mẫu riêng về đích đến đáng mơ ước của phim ảnh trong nước.
Trấn Thành - đạo diễn "cú hit" phòng vé Nhà Bà Nữ - từng nói anh ôm mộng mang điện ảnh Việt ra thế giới. Từ Bố Già đến phim mới, Trấn Thành cùng ê-kíp luôn khẳng định việc mình tiếp tục làm phim là để mang đến những giá trị đẹp cho nền điện ảnh nước nhà. Trước đó, Ngô Thanh Vân trong buổi ra mắt Thanh Sói cũng cho rằng mình làm việc là vì "đam mê", bởi theo cô nếu theo đuổi doanh thu thì làm phim quá cực.
Chúng ta nói gì, khi không nói về doanh thu phim?
Đó là ở thị phần phim giải trí. Khi chấp nhận dấn thân vào địa hạt phim nghệ thuật với Đêm Tối Rực Rỡ!, nhà sản xuất - biên kịch Nhã Uyên xác nhận từ đầu: "Rất khó để kêu gọi vốn làm một bộ phim như Đêm Tối Rực Rỡ!, bên cạnh tình hình ngoài rạp rất khó lường. Đầu tư vào phim điện ảnh như đem đi bỏ, vậy thì ai can đảm?"
Giấc mơ của Nhã Uyên, hay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với Tro Tàn Rực Rỡ không thể là doanh thu từ chính bộ phim, bởi cả hai xác nhận làm art film ở Việt Nam thì việc sinh lời gần như bất khả thi. Đêm Tối Rực Rỡ và Tro Tàn Rực Rỡ đều nhắm đến sự thừa nhận từ những Liên hoan Phim lớn, hay lấy được sự đồng cảm và tín nhiệm của những cộng đồng yêu điện ảnh trên toàn thế giới.
Ông Châu Quang Phước, cựu cố vấn của một cụm rạp ở Việt Nam, chia sẻ: "Tôi nghĩ, cái gọi là giấc- mơ- lớn của phim Việt ở thời đoạn này ắt hẳn phải là một tầm nhìn vượt thoát hiện thực, dù khi cần vẫn song hành sát sườn đời sống hiện tại".
Theo ông, nếu cứ mãi câu nệ bám chấp vào hiện thực, người ta cũng chỉ đơn thuần là sao chép mọi thứ xung quanh một cách máy móc. Hệ quả nhìn thấy rõ của lối nghĩ, cách nhìn chỉ biết có hiện thực này đã khiến cho phim Việt trì trệ suốt thời gian qua, bởi những tranh luận có phần vô nghĩa của hầu hết dư luận chung về sự giống và khác với hiện thực xã hội khi lên phim, liên quan từ bối cảnh lịch sử cho đến nhân vật có thật, chứ chưa nói tới đề tài hoặc thể loại.
Ông Quang Phước bình luận thêm: "Nghệ thuật hội họa của nhân loại đã bước qua thời kỳ sao chép hiện thực từ mấy thế kỷ gần đây, điện ảnh thế giới cũng 'thả tay tự do' với nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực hoặc thậm chí viễn tưởng về các sinh vật các chủng loài ngoài không gian trái đất, nhưng vẫn là tư duy về thế giới con người. Vậy thì hà cớ gì phim Việt lại cứ phải chấp nhận thể hiện thứ hiện thực nhìn thấy?" Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận để những câu chuyện trong phim Việt sáng tạo hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phía nhà làm phim và truyền thông, tất nhiên phải phù hợp với các quy tắc kiểm duyệt của Cục Điện ảnh Việt Nam.
Giấc mơ về sự phát triển từ "nội tại"
Việc sở hữu những diễn viên thực lực là điều mọi nhà làm phim đều ao ước. Dẫn trường hợp Uyển Ân khi thủ vai chính trong Nhà Bà Nữ, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói thách thức lớn nhất của một diễn viên luôn là kịch bản. Anh cho rằng Uyển Ân là một gương mặt sáng, có nhiều tiềm năng bức phá nếu tìm được kịch bản phù hợp.
Nguyễn Hữu Tuấn nói: "Điểm yếu của đa số diễn viên Việt Nam là không chủ động trong việc làm dày vốn văn hoá. Là một nghệ sĩ mà không tự trở thành một trí thức thì mới chỉ nên gọi là một người biểu diễn chuyên nghiệp thôi. Rất mong không chỉ Uyển Ân mà tất cả các diễn viên trẻ đều không chỉ đam mê hào quang của nghề nghiệp mà còn luôn có ý thức hướng thượng để có thể trở thành những nghệ sĩ thực thụ".
Joel Nguyễn, đạo diễn trẻ theo đuổi dòng phim nghệ thuật, từng có nhiều thời gian nghiên cứu điện ảnh Châu Âu và Việt Nam, thì cho rằng việc phát triển vị thế trên trường quốc tế là một ước mơ lớn. Anh nhận định hầu hết nhà làm phim Việt Nam đều muốn trở thành một cái tên hay gương mặt tiêu biểu để các giải thưởng quốc tế, các cộng đồng yêu phim trên toàn thế giới xướng tên. Theo anh, điện ảnh Việt sẽ thành công khi được đem ra làm ví dụ tiêu biểu cho một dòng phim đặc sắc, chẳng hạn như nhắc đến Ấn Độ người ta nghĩ ngay đến Bollywood, hay nhắc đến Anh - Pháp là định hình ngay "cái nôi của điện ảnh thế giới".
Biên kịch Uyên Trần cho rằng việc nhà làm phim trong nước cần phải đeo đuổi là khiến khán giả có lại niềm tin vào phim Việt. Các đạo diễn, nhà sản xuất nên mang đến những giá trị đích thực, thì phim Việt mới tự tin mang ra thế giới chứ không chỉ "đánh cụm" ở quê nhà mãi.
Bạn Nguyễn Hoàng Thẩm Nhu, sinh viên khoa Sân khấu Điện ảnh, chia sẻ: "Em nghĩ giấc mơ phim Việt là được khán giả nội địa công nhận. Người Vệt vẫn thành kiến với phim Việt nhiều lắm. Nên phim Việt phải cố gắng nhiều để khán giả đến rạp nhiều hơn".
Nguồn: TH&PL