Nhiều bạn trẻ vô cùng lo lắng khi liên tục chứng kiến những "kỷ lục" mới của giá xăng chỉ trong thời gian ngắn.
Thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao với những con số kỉ lục trong nhiều năm nay. Thậm chí, giá xăng đã tăng lên hơn 30.000 đồng trên một lít.
Điều này đang khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, trong đó có nhiều bạn trẻ khi mà cuộc sống vẫn còn chưa ổn định nhưng lại chịu một khoản chi phí khá lớn như thế này.
Nội dung liên quan
Xăng tăng làm túi tiền mau hết, không dám gọi điện thoại về nhà xin tiền ba mẹ
Nhiều người cho biết rằng, họ cảm thấy "ngợp" khi giá xăng liên tục tăng cao như thế này. Vì khi giá xăng liên tục tăng cao cũng kéo theo vô số giá của các dịch vụ thiết yếu khác được đà "lên giá". Việc này khiến cho chi tiêu của nhiều bạn trẻ bị đảo lộn.
Điều này còn là một nỗi "ác mộng" với nhiều bạn trẻ đang là sinh viên khi mà tiền chi tiêu hằng ngày còn đang phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn chu cấp của gia đình.
Chia sẻ với , Nguyễn Viết Huy (sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết: "Theo như mình thấy thì việc giá xăng dầu tăng nó sẽ ảnh hưởng trong dài hạn đến sinh hoạt hàng ngày của mình. Có thể trong ngắn hạn, xăng dầu tăng giá thì nó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến giá mớ rau, miếng thịt ngoài chợ mình mua, nhưng cứ với đà này, qua những lần mua xăng, mình lại phải bỏ thêm tiền ra để đổ thêm hoặc giữ nguyên số tiền và chấp nhận việc được đổ xăng ít hơn. Nên không sai tí nào khi nói, việc xăng tăng giá sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến túi tiền của mình, đúng với câu thành ngữ "Tích tiểu thành đại".
Ngọc Quyên, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM chia sẻ rằng: "Giá xăng tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi tiêu của các bạn sinh viên, trong đó có cả mình nữa, giá xăng lên khiến mọi chi phí ăn uống, đi lại đều tăng trong khi thu nhập hàng tháng của ba mẹ mình lại không tăng gây áp lực cho gia đình. Nhiều lúc mình gần hết tiền nhưng lại không dám gọi điện thoại về cho ba mẹ để xin tiền vì thương ba mẹ vất vả".
Không chỉ Viết Huy hay Ngọc Quyên mà cuộc sống của rất nhiều người cũng đang bị đảo lộn bởi đợt tăng giá xăng dầu chưa thấy điểm dừng này. Mong ước của nhiều bạn trẻ lúc này là giá xăng sớm "phanh" lại để chi phí tiêu dùng có thể quay trở về trong khuôn khổ của bảng kế hoạch chi tiêu.
Nội dung liên quan
Thời đại của đi bộ, xe đạp và xe bus tới rồi!
Đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" khi tiền liên tục bay khỏi ví một cách nhanh chóng, nhiều bạn trẻ đã quyết định chuyển hướng sang sử dụng các phương tiện công cộng, phương tiện cá nhân không tiêu thụ nhiên liệu như xe đạp hoặc đi bộ. Có thể thấy rằng nếu xăng cứ tiếp tục tăng thì thời đại của đi bộ, xe cũng như xe bus sẽ tới sớm thôi.
Viết Huy cho biết, cậu bạn đã sẵn sàng làm quen với viễn cảnh "từ bỏ" xe máy để đi xe đạp hay xe bus tới trường: "Trong hoàn cảnh hiện tại, mặc dù xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu của mình vì một vài ưu điểm, như gọn nhẹ, dễ đi, tốc độ cao (không để đua xe nhé), nhưng mình vẫn sẽ tập làm quen với viễn cảnh, hoặc là phải dùng xe bus, hoặc là phải dùng xe đạp.
Lý do thì đơn giản thôi, ngoài việc quen với chúng, mình cũng không ngại để đạp xe với khoảng cách từ 25km trở lên, bất chấp tắc đường, đồng thời nó cũng giúp mình rèn luyện kĩ năng quản lý thời gian. Còn về xe bus, bạn chỉ cần làm một chiếc vé tháng liên tuyến, mất từ 150-200 nghìn đồng/tháng, là bạn có thể đi đây đi đó mà vẫn cảm thấy an toàn trên đường được rồi".
Với Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM: "Việc xăng lên, cộng với thời tiết trong những ngày gần đây khá oi bức và nắng nóng cũng khiến mình thay đổi việc nên chọn một phương tiện khác để tham gia giao thông để phục vụ cho những công việc và nhu cầu cá nhân của mình.
Và đương nhiên với một sinh viên thì xe buýt là phương tiện công cộng mà sẽ là ưu tiên và sự lựa chọn hàng đầu của mình. Bên cạnh đó còn phù hợp với chi phí, giá cả không thay đổi và còn phù hợp cho điều kiện tài chính cá nhân của mình và nhiều bạn sinh viên khác".
Trong tình trạng giá xăng tăng cao, những phương tiện công cộng cũng như những phương tiện di chuyển không dùng đến nhiên liệu là một sự lựa chọn tối ưu nhất. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí cũng như giá thành phù hợp với đa số mọi người. Đây cũng là một trong những biện pháp rất hữu hiệu nhằm bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải do phương tiện cá nhân thải vào trong môi trường.
Nguồn: TH&PL